Chuyên gia: Trung Quốc đang trải qua cú sốc cầu yếu, không phải cú sốc ở phía cung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có dữ liệu nào mới được công bố bởi chính quyền Trung Quốc mang đến tín hiệu tốt. Lạm phát cao hơn dự kiến, ​​trong khi tất cả các chỉ số về tốc độ tăng trưởng khác đều thấp hơn dự kiến ​​hoặc giảm, qua đó làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ.

Lạm phát đình trệ là tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao xảy ra cùng lúc với sản xuất dậm chân tại chỗ; đây rất có thể là kết quả của việc đường cung dịch chuyển sang trái. Vì những chỉ số xấu này xuất hiện trong thời gian phong tỏa do COVID-19 ở Trung Quốc, hầu hết các nhà phân tích sẽ cho rằng nguyên nhân của lạm phát là tắc nghẽn nguồn cung, tương tự như cách Fed dán nhãn tình trạng lạm phát đang không thể kiểm soát tại Mỹ. Nhưng thực tế không phải vậy.

Trong khi ở Mỹ, nhu cầu vẫn rất mạnh mẽ, bất kể là hàng hóa, nhà ở hay thị trường lao động. Tức là nước Mỹ chỉ phải đối mặt với lạm phát, không đi kèm đình trệ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, lạm phát vẫn ở mức thấp - tính theo bất kỳ tiêu chuẩn nào đối với thị trường mới nổi; trong khi đó, ở phần còn lại của thế giới, lạm phát đã hoành hành hơn một năm nay. Mức lạm phát không tương đồng với thế giới trong bối cảnh tăng trưởng yếu cho thấy Trung Quốc đang trải qua một cú sốc tiêu cực về nhu cầu (mặc dù không thể loại trừ cú sốc tiêu cực bên nguồn cung).

Nhìn vào các biến số tiền tệ (xem biểu đồ dưới) cũng có thể thấy Trung Quốc đang gặp cú sốc cầu. Bằng chứng đầu tiên là tỷ lệ giữa sự phát triển của cung tiền M2 so với cung tiền M0. Trong những tháng gần đây, tăng trưởng của M0 ở mức cao nhưng tăng trưởng của M2 vẫn ở mức thấp. Điều này có nghĩa là hiệu ứng số nhân (multiplying effect) của việc chuyển tiền gửi thành tiền cho vay diễn ra yếu; nói cách khác, việc chuyển từ M0 sang M2 diễn ra chậm. Thật không may, cung tiền M2 là yếu tố quan trọng ở đây.

Trung Quốc đang trải qua cú sốc tiêu cực ở phía cầu chứ không phải ở phía cung
Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng cung tiền M0 (M0 growth), cung tiền M2 (M2 growth), tín dụng (loans growth) và giá cả (CPI growth) của Trung Quốc. (Nguồn: Law Ka-chung)

Bằng chứng thứ hai về nhu cầu yếu là sự thất bại của cơ chế chuyển từ cung tiền M2 sang tín dụng. Tiền tại Trung Quốc đang được giữ dưới dạng lưu trữ. Một lượng tiền dự trữ dù có lớn đến đâu, nếu nó nhàn rỗi trong ngân hàng thì nó sẽ không tạo ra giá trị gia tăng hay lạm phát. Theo định nghĩa, nó phải luân chuyển dưới dạng tín dụng (các khoản cho vay) thì mới trở nên có ý nghĩa. Mặc dù tăng trưởng cung tiền M2 tăng nhẹ thời gian gần đây, nhưng tăng trưởng cho vay tại Trung Quốc lại có xu hướng giảm liên tục kể từ năm 2015. Trong khi đó, các vấn đề về nhà ở và nợ đã cùng lúc xuất hiện. Nguyên nhân đến từ việc chính quyền Trung Quốc giảm đòn bẩy tài chính trong lĩnh vực bất động sản và nợ.

Về nguyên tắc, nhu cầu yếu có thể là tác động của các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ nghịch chu kỳ. Tuy nhiên, việc giảm đòn bẩy tại các thị trường nhà ở và nợ mang tính tạm thời hơn và cấu trúc hơn là mang tính chu kỳ; do vậy, các chính sách nghịch chu kỳ không thể giúp ích được gì. Nhật Bản là một trong những ví dụ điển hình trong sách giáo khoa về điều này. Để giải quyết vấn đề một cách trực diện, chính phủ nên tránh can thiệp và để thị trường tự hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt doanh nghiệp sẽ đóng cửa và thất nghiệp sẽ xảy ra tràn lan trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ không thể làm như vậy bởi lý do chính trị; vì thế họ bước theo dấu chân của Nhật Bản và thử cách tiếp cận nghịch chu kỳ.

Ngay cả khi cách tiếp cận lâu dài nhưng ít đau đớn này đạt được cái gọi là “hạ cánh mềm” thì thời gian lâu dài sẽ làm xói mòn kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách, qua đó ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế dài hạn. Theo đó, nó sẽ làm hỏng hầu hết các tác động tích cực của bất kỳ chính sách nghịch chu kỳ nào. Và tiếp đó, những thất bại liên tục trong chính sách sẽ đem đến nhiều hậu quả tiêu cực.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Law Ka-chung là nhà bình luận về kinh tế vĩ mô và thị trường toàn cầu. Ông đã viết cho nhiều tờ báo và tạp chí; nói chuyện trên nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh và cả trực tuyến về các vấn đề thị trường kể từ năm 2005. Các chủ đề của ông rất đa dạng: từ kinh tế vĩ mô đến triển vọng thị trường đối với chứng khoán, tiền tệ, tỷ giá, lợi tức và hàng hóa ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Ông Ka-chung có bằng Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Toán học và Thạc sĩ Vật lý thiên văn. Email: [email protected]

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc đang trải qua cú sốc cầu yếu, không phải cú sốc ở phía cung