Trung Quốc: Dù cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc thì CNY vẫn tiếp tục mất giá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo trang web chính thức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, để cải thiện khả năng sử dụng quỹ ngoại hối của các tổ chức tài chính, bắt đầu từ ngày 15/9/2022, tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối (tỷ giá hối đoái) của các tổ chức tài chính sẽ giảm 2 điểm phần trăm, giảm từ 8% hiện nay xuống 6%. Tại sao tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc sụt giảm trong bối cảnh hiện nay?

Ngay sau khi tin tức được đưa ra, giá trị của đồng nhân dân tệ (CNY) so với đồng dollar Mỹ (USD) đã đảo ngược xu hướng giảm, tăng nhẹ một chút về giá trị so với USD, nhưng ở mức hoàn toàn không đáng kể: tỷ giá đồng USD/CNY trong nước giảm từ mức cao nhất 1 USD đổi lấy 6,94 CNY xuống 6,93 CNY; tỷ giá USD/CNY nước ngoài giảm từ 6,95 xuống 6,93.

Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong năm nay. Vào ngày 25/4/2022, Ngân hàng Trung ương thông báo giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối tiền gửi của các tổ chức tài chính từ ngày 15/5, từ 9% ban đầu xuống 8%.

Tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối là tỷ lệ giữa dự trữ tiền gửi ngoại hối do các tổ chức tài chính gửi tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc số với số tiền huy động từ ngoại hối mà họ nhận được. Đây là một trong những công cụ chính sách tiền tệ về cung tiền ngoại hối của PBoC.

Ví dụ: nếu ngân hàng nhận được khoản tiền gửi 1.000 USD và cần giao 200 USD trong số đó cho ngân hàng trung ương, tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối bắt buộc là 20%.

Nếu tỷ lệ dự trữ tiền gửi được nâng lên có nghĩa là sẽ ít tiền nội tệ hoặc ngoại hối được đưa vào lưu thông hơn. Nếu NHTM không đủ ngoại hối để phục vụ hoạt động của mình, họ phải dùng CNY để mua ngoại hối từ thị trường, điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng của cầu ngoại hối trên thị trường, làm tiền CNY thêm mất giá.

Hơn nữa, bởi vì nhiều tiền gửi ngoại hối của các tổ chức tài chính buộc phải dự trữ ở PBoC, có nghĩa là ít ngoại hối được lưu thông hơn trên thị trường, nguồn cung ngoại hối hạn hẹp hơn làm tăng giá trị ngoại hối trên thị trường.

Tất nhiên, điều ngược lại cũng là logic tương tự - giảm dự trữ tiền gửi ngoại hối tương đương với các NHTM được giữ lai nhiều ngoại hối hơn để đưa vào lưu thông, cung cấp nhiều USD hơn trên thị trường, và các ngân hàng có tiền gửi dư thừa USD cũng có thể bán USD ra thị trường, nguồn cung USD tăng dẫn đến sự tăng giá của đồng CNY.

Hệ thống dự trữ tiền gửi ngoại hối của Trung Quốc được thành lập vào năm 2004. Vào thời điểm đó, áp lực tăng giá của đồng CNY là rất lớn. PBoC muốn thực hiện cải cách tỷ giá hối đoái để tỷ giá CNY theo định hướng thị trường hơn. Quy định về Quản lý quỹ dự trữ tiền gửi ngoại hối của các tổ chức tài chính "được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2005". Phạm vi áp dụng cụ thể là các tổ chức tài chính nhận tiền gửi ngoại hối ở Trung Quốc, bao gồm: ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng thương mại thành phố, ngân hàng thương mại nông thôn, hợp tác xã tín dụng đô thị, hợp tác xã tín dụng nông thôn và các công ty tài chính tập đoàn doanh nghiệp, ngân hàng tài trợ toàn diện nước ngoài, ngân hàng liên doanh Trung-nước ngoài, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính liên doanh Trung-nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính khác nhận tiền gửi ngoại hối. Hơn nữa, có những quy định đặc biệt rằng PBoC không trả lãi suất tích luỹ đối với các khoản dự trữ ngoại hối do các tổ chức tài chính gửi.

Sau khi hệ thống dự trữ tiền gửi ngoại hối ra đời, tỷ lệ dự trữ tiền gửi bắt đầu tăng dần từ mức 3% ban đầu lên 5% vào năm 2007, và đã không được điều chỉnh trong khoảng 14 năm kể từ đó. Vào tháng 6/2021, do thặng dư xuất khẩu ngoại thương của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong lịch sử vào thời điểm đó, trước kỳ vọng đồng CNY tăng giá mạnh vào cùng kỳ, PBoC đã hành động và nâng tỷ lệ dự trữ ngoại hối lên thêm 2% nhằm kỳ vọng giảm giá đồng CNY. Vào tháng 12/2021, PBoC đã nâng tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối thêm 2% một lần nữa để thúc đẩy đồng CNY giảm giá hợp lý.

Kể từ năm 2022, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đã dần tăng lên, chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu kho bạc Trung Quốc và Hoa Kỳ dần thu hẹp, thậm chí còn đảo ngược (âm) và áp lực giảm giá CNY đã tăng lên đáng kể, bắt đầu từ tháng 4/2022.

Tại thời điểm này, PBoC đã hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối để tránh kỳ vọng giảm giá đồng CNY quá mức. Kể từ khi lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc vào tháng 4/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã duy trì một lộ trình tăng lãi suất tích cực.

Trong 5 tháng qua, với sức mạnh của đồng USD, tỷ giá USD/CNY dần mất giá về mức xung quanh mốc 7,0, vì vậy PBoC đã tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối 2%.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối chỉ có tác dụng tạm thời, chưa đủ ảnh hưởng đến logic hình thành tỷ giá CNY.

Từ giữa năm 2010 đến tháng 4/2022, lợi suất của trái phiếu Trung Quốc và Hoa Kỳ chưa bao giờ đảo ngược. Trong suốt 12 năm qua, tỷ giá hối đoái của USD/CNY về cơ bản vẫn nằm trong khoảng 6,1-7,1. Nhưng hiện nay, lãi suất của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có sự đảo ngược nên giá trị của đồng CNY sẽ khó có thể duy trì trong phạm vi này.

Trong trường hợp không có những thay đổi lớn trong môi trường tài chính của Trung Quốc và Hoa Kỳ, logic cơ bản của tỷ giá USD/CNY phụ thuộc vào xu hướng chênh lệch lợi tức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu việc tăng lãi suất của Fed không dừng lại, và lợi suất trái phiếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đảo chiều hoặc thậm chí tăng mạnh, và tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối chỉ được hạ thấp, áp lực giảm giá đồng CNY sẽ không thuyên giảm nhiều.

Tất nhiên, đồng CNY chỉ mất giá tương đối so với USD, còn so với các đồng tiền lớn không phải của Mỹ trên thế giới như đồng euro và yên Nhật, thì tỷ giá CNY là đồng tiền đặc biệt “cứng đầu” ngay từ đầu năm 2022 cho đến nay.

Tỷ giá hối đoái của đồng USD/YEN đã thay đổi từ 115 đến 140 hiện tại, tương đương với việc đồng yên giảm giá 18%; tỷ giá hối đoái của đồng EUR/USD đã thay đổi từ 1,13 thành 1 hiện tại, là tương đương với sự mất giá 12% của đồng EUR; tỷ giá hối đoái của đồng USD/CNY đã thay đổi từ 6,38 đến nay là 6,95, tương đương với sự giảm giá 8% của CNY.

Lam Giang

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Dù cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc thì CNY vẫn tiếp tục mất giá