Trung Quốc đứng trước nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế do hỗ trợ Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh có một số lựa chọn có thể giúp giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên Moscow, nhưng không có phương án nào đủ lớn để cứu Nga; và tất cả lựa chọn đều sẽ làm giảm cơ hội đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% của Trung Quốc - vốn là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngay trước cuộc xâm lược Ukraine, Bắc Kinh và Moscow đã ký một thỏa thuận, qua đó tái khẳng định tình hữu nghị của hai nước, mở rộng việc Trung Quốc mua khí đốt từ Nga lên thêm khoảng 117,5 tỷ USD, đồng thời cam kết tăng thương mại lên thêm ít nhất 100 tỷ USD trong vài năm tới. Vào thời điểm ký thỏa thuận, không ai có thể đoán trước được mức độ rộng lớn của các lệnh trừng phạt đang nhắm vào Nga. Không ai có thể lường trước được liên minh chặt chẽ chống Nga sẽ hình thành, với việc Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, NATO, Nhật Bản và các đồng minh khác đều thống nhất đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga.

Ngoài việc các ngân hàng và công ty cung cấp thẻ tín dụng tẩy chay Nga, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa, chẳng hạn như Maersk, đang từ chối vận chuyển sản phẩm đến và đi từ Nga. Hoạt động xuất nhập khẩu bị đe dọa, vốn chiếm khoảng một nửa nền kinh tế Nga. Kể từ khi các lệnh trừng phạt được thực thi, đồng rúp của Nga đã mất khoảng 30% giá trị.

Nói tóm lại, nền kinh tế Nga đang đứng trước bờ vực sụp đổ; có nghĩa là bất kỳ giải pháp thay thế nào hoặc bất kỳ chiến lược giảm nhẹ nào mà Bắc Kinh đưa ra sẽ phải đủ lớn để gánh vác sức nặng của toàn bộ nền kinh tế Nga. Và điều này xảy ra trong khi kinh tế Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng GDP chậm nhất trong nhiều năm.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hứa sẽ tăng cường mua khí đốt từ Nga, đồng thời cam kết gia tăng thương mại trong nhiều năm. Nhưng ngay cả khi thương mại gia tăng, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ không đủ để thay thế khối lượng bị mất nếu đường ống Nord Stream 2 đến châu Âu được thông qua, tạo điều kiện cho Nga bán khoảng 55 tỷ mét khối khí mỗi năm.

ĐCSTQ cũng hứa hẹn sẽ mua thêm ngũ cốc của Nga, nhưng vẫn chưa rõ là bao nhiêu. Một lần nữa, điều này có thể không giúp ích được gì cho Nga trong tương lai gần vì vùng trồng lúa mì của Nga không được thiết lập để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hệ thống hậu cần sẽ được tái thiết; và điều này sẽ tốn kém thời gian và tiền bạc. Thêm vào đó, khi Trung Quốc mua bất cứ thứ gì từ Nga, cho dù đó là dầu hay lúa mì, thì vấn đề về cách thức gửi hàng và xử lý các khoản thanh toán sẽ phải được giải quyết, vì Nga đã bị cấm sử dụng đồng USD và các hệ thống thanh toán dựa vào Mỹ.

ĐCSTQ có thể cung cấp Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS), thay thế cho SWIFT của phương Tây, để chuyển tiền liên ngân hàng. Nhưng CIPS vẫn còn sơ khai và chưa được quốc tế hóa rộng rãi.

Một vấn đề khác là tiền tệ. Chỉ có dưới 3% giao dịch thương mại trên thế giới được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ (CNY) và hầu như không có giao dịch nào được thực hiện bằng đồng rúp. Nga hiện nắm giữ khoảng 140 tỷ USD trái phiếu quốc tế chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc có thể để Nga đáo hạn sớm, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và sau đó sử dụng đồng nhân dân tệ làm phương tiện trao đổi. Điều này sẽ làm giảm đáng kể dự trữ ngoại tệ của Nga, đồng thời làm suy yếu thêm đồng rúp. Trung Quốc cũng giả định rằng Moscow muốn giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Ngoài ra, việc trả hết nợ sớm sẽ gây tốn kém cho ĐCSTQ vào thời điểm mà Trung Quốc đang thiếu tiền mặt. Và số tiền này cũng không đủ để khôi phục tất cả thiệt hại do các lệnh trừng phạt gây ra cho Nga.

Mặc dù Trung Quốc không có cách giải quyết toàn diện nào để cứu Nga, bất kỳ giải pháp nào trong số đó cũng đủ để hủy hoại mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây. Chính phủ của ông Biden đã đe dọa trừng phạt những bên vi phạm lệnh trừng phạt lên Nga hoặc tiếp tục ủng hộ Nga. Có một thực tế là Trung Quốc thực hiện nhiều hoạt động thương mại với Mỹ và EU hơn là với Nga.

Hơn nữa, hoạt động thương mại của Trung Quốc với các nước bên ngoài tầm ảnh hưởng của Mỹ phần lớn vẫn được thực hiện bằng đồng USD và sử dụng các hệ thống thanh toán của Mỹ. Nếu các lệnh trừng phạt cắt Trung Quốc khỏi những hệ thống thanh toán này, giống như chúng đang làm với Nga, thì ĐCSTQ có thể sẽ chịu số phận tương tự Nga.

Visa và Mastercard đều đã dừng hoạt động ở Nga. ĐCSTQ đã cung cấp cho Nga thẻ UnionPay như một giải pháp thay thế. Ngoài việc cần nhiều thời gian và tiền bạc để thiết lập cơ sở hạ tầng cho thẻ Trung Quốc hoạt động với các ngân hàng Nga, các dịch vụ cũng không thể được thực hiện bằng đồng USD vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Điều này quay trở lại vấn đề tiền tệ. Đồng rúp hầu như không có giá trị gì và Moscow có thể không muốn người dân sử dụng đồng nhân dân tệ để mua hàng nội địa bên trong nước Nga. Và ngay cả khi vấn đề này được giải quyết và thẻ đi vào hoạt động, điều này cũng không giải quyết được chuyện Nga không thể mua và bán hàng hóa trên thị trường thế giới.

Khi giá trị đồng rúp giảm mạnh, các giải pháp sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn vì Nga sẽ phải mua đồng nhân dân tệ giá đắt bằng đồng rúp giá rẻ. Điều duy nhất mà Nga có thể làm để làm chậm sự mất giá của đồng rúp là sử dụng đồng USD để mua đồng rúp trên thị trường hối đoái quốc tế. Và đây không phải là điều mà Trung Quốc sẵn sàng trợ giúp Nga. Điều nãy cũng sẽ quét sạch dự trữ USD của Moscow.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bày tỏ sự hoài nghi về việc Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5%. Ông cho rằng đại dịch và chiến tranh Ukraine là hai trong số những trở ngại cản đường Bắc Kinh.

ING, Morgan Stanley và các tổ chức tài chính quốc tế khác đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng, ngay cả trước khi cuộc xâm lược vào Ukraine diễn ra. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều cản trở bởi việc phân bổ lại của cải và chính sách thịnh vượng chung - vốn bóp nghẹt các cá nhân và tập đoàn giàu có, cũng như chính sách “zero-Covid” (không Covid), nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nợ cao, lĩnh vực bất động sản trì trệ, giá dầu tăng vọt, và một loạt các vấn đề khác.

Việc hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế Nga và chấp nhận rủi ro liên quan đến các lệnh trừng phạt có thể là điểm tới hạn, điểm ngoặt cho GDP Trung Quốc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đứng trước nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế do hỗ trợ Nga