Trung Quốc giảm lãi suất cho vay nhằm xoa dịu thị trường trái phiếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái phiếu chính phủ Trung quốc bị bán ra ồ ạt vì lo ngại lạm phát tăng cao, tăng trưởng trì trệ. Các nhà đầu tư tin rằng PBoC khó có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng trong bối cảnh này. Để xoa dịu thị trường, PBoC đã tuyên bố cắt giảm 0,05% lãi suất cho vay trung hạn (1 năm) như một tín hiệu khẳng định PBoC vẫn đang kiểm soát tốt rủi ro...

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn một năm vào ngày 5 tháng 11 vừa qua. Đây là lần đầu PBoC cắt giảm lãi suất kể từ đầu năm 2016, là nỗ lực của chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh cầu trong nước và quốc tế suy yếu.

Các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm lãi suất, dù rất khiêm tốn, có thể là một dấu hiệu cho thấy PBoC muốn phát đi thông điệp trấn an các nhà đầu tư về lạm phát: lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và còn dư địa để PBoC chủ động trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc được các nhà đầu tư ồ ạt bán ra trong vài tuần gần đây, vì lo ngại rằng PBoC có thể buộc phải chuyển hướng chính sách tiền tệ thận trọng, mặc dù tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

PBoC cho biết: họ đã hạ 5 điểm phần trăm lãi suất cho các khoản vay trung hạn một năm cho các tổ chức tài chính xuống mức 3,25% (trước đó là 3,30%).

Động thái này có thể mở đường cho việc PBoC tiếp tục giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong một vài tuần. Bởi lãi suất LPR có mối liên hệ trực tiếp với lãi suất cho các khoản vay trung hạn (còn gọi là MLP) do PBoC ấn định.

Hao Zhou, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Commerzbank (Singapore) cho biết: việc cắt giảm, dù rằng thực sự rất nhỏ, nhưng gửi đi một thông điệp rằng PBoC không muốn thị trường nghi ngờ mong muốn hỗ trợ tăng trưởng của họ.

“PBoC cố gắng luồn lách trong một không gian chính sách hạn chế... Nhưng động thái chính sách này không thay đổi được sự thật rằng PBoC khó có khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Ở cấp độ vi mô vẫn còn một số hỗ trợ có tính mục đích từ các nhà hoạch định chính sách”, Hao Zhou nói.

PBoC cho biết họ đã cho các tổ chức tài chính vay 400 tỷ nhân dân tệ (56,92 tỷ USD) thông qua công cụ thanh khoản, ít hơn một chút so với các khoản vay MLF trị giá 403,5 tỷ CNY đáo hạn vào thứ ba (5/11).

Các nhà kinh tế của ING cũng nhận định động thái cắt giảm lãi suất trung hạn nhỏ giọt vừa qua của PBoC như một tín hiệu cho thị trường rằng: PBoC kết thúc giai đoạn tạm ngừng nới lỏng tiền tệ từ tháng 9.

Trái phiếu đã bị bán tháo với kỳ vọng mạnh mẽ rằng: Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại; và vì lo ngại ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ bởi lạm phát đang tăng nhanh do giá thịt lợn tăng.

Julian Evans-Pritchard, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, lưu ý rằng đây là lần đầu tiên PBoC giảm lãi suất cho vay trong hơn ba năm trở lại đây. Ông cho biết: “Việc giảm chi phí vốn cho các ngân hàng sẽ khiến các ngân hàng sẵn lòng hạ lãi suất cho vay”; nhưng ông cũng nói thêm rằng: việc cắt giảm năm điểm cơ bản sẽ không đủ để thúc đẩy sự tăng trưởng tín dụng, vốn đã bắt đầu chậm lại gần đây. “Chúng tôi mong đợi lãi suất các khoản vay trung hạn sẽ giảm 70 điểm phần trăm vào giữa năm tới” - ông nói trong một báo cáo cho khách hàng.

Tiến thoái lưỡng nan về chính sách

Đối với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, phản ứng của Trung Quốc đã kiềm chế hơn so với quá khứ, thời kỳ mà họ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và cho vay bừa bãi, tạo ra một núi nợ khổng lồ.

Cho đến nay, Bắc Kinh chủ yếu chọn cách chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế để hỗ trợ hoạt động kinh tế, đồng thời chấp nhận rằng sẽ mất một khoảng thời gian để những hỗ trợ này được thông qua. Kể từ đầu năm 2018, PBoC đã 7 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các NHTM có thêm tiền cho vay. Hầu hết nhà đầu tư kỳ vọng PBoC tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ đến cuối năm.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nghi ngờ PBoC khó có thể nới lỏng chính sách tiền tệ do các điều kiện của nền kinh tế Trung Quốc ngày một suy yếu và khó khăn. Trong vài tuần gần đây, thị trường tài chính Trung Quốc chứng kiến lãi suất repo tăng và trái phiếu bị bán tháo.

Ông Zhou (thuộc Commerzbank) cho biết, sự phục hồi giá trị của đồng CNY so với USD gần đây có thể giúp PBoC nới lỏng thêm một chút chính sách tiền tệ.

Giá Nhân dân tệ
CNY tăng giá nhẹ so với đồng USD trong 1 tháng vừa qua (nguồn: tradingeconomics.com)

Đồng thời, một loạt các dữ liệu kinh tế tiêu cực cho thấy cần sớm có chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn.

Tăng trưởng kinh tế quý 3 thấp hơn nhiều so với dự báo, ở mức 6.0% so cùng kỳ, trong khi mức thấp nhất trong phạm vi mục tiêu của chính phủ là 6-6,5% cho cả năm. Nomura dự báo tăng trưởng quý 4/2019 chỉ đạt 5,8%.

Tuy nhiên, PBOC đã gây ngạc nhiên cho thị trường khi không phát hành các khoản vay trung hạn mục tiêu trong tháng Mười. PBoC cũng không điều chỉnh lãi suất cho vay trong tháng 10 trong khi liên tiếp cắt giảm vào tháng 8 và tháng 9 trước đó.

Một thỏa thuận thương mại một phần chỉ có thể làm giảm một số áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù nó có thể củng cố niềm tin kinh doanh.

Nhu cầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm trong năm tới, gia tăng thêm áp lực với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu lớn thứ hai thế giới này.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc giảm lãi suất cho vay nhằm xoa dịu thị trường trái phiếu