Trung Quốc ‘hô biến’ dầu nhập từ Venezuela thành dầu ‘pha chế' nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đó có thể là bí mật được giữ kín tồi tệ nhất của thị trường dầu mỏ: Hàng triệu thùng dầu thô nặng của Venezuela - bị Mỹ cấm vận - đã và đang được lén lút chuyển đến Trung Quốc.

Các chiêu trò của công ty Trung Quốc trong kinh doanh - để tránh bị phát hiện và lách khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ - có thể nói là rất tinh vi, bao gồm: chuyển hàng từ tàu sang tàu, công ty vỏ bọc và làm mất tín hiệu vệ tinh...

Ngoài ra, họ còn một chiêu khác để né tránh - liên quan đến việc "pha tạp" dầu với các chất phụ gia hóa học và thay đổi tên của nó trong thủ tục giấy tờ - để nó có thể được bán như một loại dầu thô hoàn toàn khác mà không có dấu vết của nguồn gốc từ Venezuela.

Chiêu thuật pha chế, đổi tên và giấu xuất xứ của dầu nhập từ Venezuela

Các hóa đơn và email được Bloomberg xem xét cho thấy thời điểm mà một số thương nhân ngụy tạo nguồn gốc của dầu thô từ Venezuela và đưa nó đến châu Á, khiến các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trở thành “cứu cánh thiết yếu” cho ngành công nghiệp dầu thô của Venezuela.

Tất nhiên, các quan chức Mỹ không thể cấm Trung Quốc hoặc bất kỳ công ty quốc tế nào mua dầu của Venezuela. Tuy nhiên, họ có thể siết chặt về mặt tài chính bằng cách cấm những kẻ “vi phạm” kinh doanh với các công ty Mỹ. Đó là lý do tại sao các bước “phức tạp” như vậy được thực hiện để che giấu nguồn gốc của dầu thô từ Venezuela.

Tuy nhiên, việc thực thi lệnh cấm vận của Mỹ là rất khó, Scott Modell, giám đốc điều hành của Rapidan Energy Advisors LLC cho biết. Ông nói: “Có rất nhiều cách để lách lệnh trừng phạt. Có rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì họ có thể kiếm được rất nhiều tiền”.

Các tài liệu cho thấy dầu thô từ Venezuela, chẳng hạn như một loại có tên là Hamaca, được xử lý bằng các chất phụ gia hóa học ngoài khơi Singapore và được “tái xuất” trở lại trên thị trường dưới dạng hàng hóa với tên mới như “Singma” hoặc đơn giản là hỗn hợp bitum. Swissoil Trading SA, một công ty có trụ sở tại Geneva - đã thay mặt cho nhà kinh doanh dầu mỏ Mexico Libre Abordo SA, vốn đã bị chính quyền Trump trừng phạt vào tháng 6/2020 vì mua dầu thô của Venezuela.

Trong một email, một nhà kinh doanh Swissoil tiếp thị sản phẩm “Singma” - đã thúc giục một đối tác vi phạm thông lệ tiêu chuẩn của ngành bằng cách cất giữ lại giấy tờ xếp hàng ban đầu đối với tàu chở dầu. “Đưa giấy tờ xếp hàng gốc lên tàu là điên rồ, đừng làm vậy”, vị thương nhân này nói. "Bạn không hiểu vấn đề bạn đang gặp phải."

Trong một email trả lời các câu hỏi, luật sư của Swissoil cho biết: "Swissoil Trading SA không tiếp thị dầu thô từ Venezuela".

Bloomberg cho biết có các tài liệu về ít nhất 11,3 triệu thùng dầu của Venezuela đã được Swissoil bán và giao cho Trung Quốc vào năm ngoái, dưới vỏ bọc của những “thương hiệu” khác.

Dữ liệu hải quan cho thấy những tài liệu này đại diện cho phần nổi của tảng băng chìm và các công ty khác cũng tham gia vào việc mua bán và pha chế như vậy. Trung Quốc đã không chính thức nhập khẩu dầu thô của Venezuela kể từ tháng 9 năm 2019, trong khi việc mua dầu của họ từ Malaysia - vốn không có khả năng giải quyết đáng kể khả năng sản xuất dầu thô nặng vào năm 2020 - đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2004.

Nhưng dữ liệu cho thấy hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Venezuela trong năm ngoái được chuyển đến Trung Quốc. Đến tháng 12/2020, Trung Quốc chiếm toàn bộ lượng dầu xuất khẩu của nước này.

Tháng 4 năm ngoái, tàu Celestial tiếp nhận dầu thô của Venezuela trong chuyến "chuyển tàu" ngoài khơi Malaysia. Nó di chuyển tới một khu vực gần bờ biển Singapore - được gọi là Petroleum Bravo Western- không xa Universal Studios Singapore và một số những khu nghỉ mát tốt nhất và sân golf ở châu Á. Tại đó, công ty nhận được 30 thùng chứa hóa chất phụ gia với chi phí 233.000 USD, tất cả đều do Swissoil thanh toán.

ntdvn_200328-post02-a
Nhà độc tài Venezuela Nicolas Maduro tổ chức một cuộc họp báo tại dinh tổng thống Miraflores ở Caracas, Venezuela, vào ngày 14/2/2020. (Ảnh Ariana Cubillos / AP)

“Các quý ông, đây là phí pha chế”, một nhân viên Swissoil đã viết trong một cuộc trao đổi qua email với Libre Abordo - công ty ban đầu đã nhập dầu từ Venezuela. "Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ cần những thứ này trong tương lai, hãy đảm bảo rằng chúng được trả tiền ngay lập tức”.

Sau khi tàu Celestial xuất bến, hàng hóa của nó được đổi tên thành “Singma Blend”. Singma và Hamaca gần như giống nhau về mặt hóa học, theo các thử nghiệm dầu thô của Bloomberg. Một tháng sau khi hoàn thành, Swissoil đã bán dầu cho một công ty ở Hong Kong là Dayuan Import & Export Co Ltd. - một công ty trung gian cho Trung Quốc. Trong email giữa các công ty, dầu không được xác định có nguồn gốc từ Venezuela.

Việc pha chế như vậy không phải là bất hợp pháp, và thường được sử dụng để đưa vào dầu một số đặc tính hóa học nhất định để đáp ứng các hợp đồng hoặc loại bỏ tạp chất. Tuy nhiên, ẩn nơi xuất xứ của dầu thô và đổi tên nó là điều bị cấm. Nhiều thông tin liên lạc được phát hiện, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đảm bảo không có tài liệu gốc nào có thể xác định xuất xứ của dầu thô được đưa lên tàu”.

Trong một cuộc trao đổi, đại diện Swissoil nhấn mạnh “hãy đảm bảo rằng tàu không rời đi với các tài liệu gốc trên tàu. Không một bản gốc nào được đặt trên bất kỳ con tàu nào, vì có liên quan đến nguồn gốc của hàng hóa...”.

Liệu chính quyền Biden có nới lỏng các lệnh trừng phạt của chính quyền cựu TT Trump?

Swissoil và giám đốc điều hành hàng đầu của công ty là Philipp Apikian, cùng với các thương nhân khác, đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt vào ngày 19/1/2021 vì kinh doanh với Venezuela. Công ty đã không trả lời yêu cầu bình luận sau khi họ bị đưa vào danh sách cấm vận. Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục Hải quan đã không trả lời các bản fax yêu cầu bình luận cho bài báo này.

Libre Abordo, công ty đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 5/2020, đã không trả lời các email yêu cầu bình luận và các số điện thoại liên kết với các giám đốc điều hành trước đây đã bị ngắt kết nối. Dayuan đã không trả lời email yêu cầu bình luận và nhiều cuộc gọi đến văn phòng có trụ sở tại Hong Kong của họ đã không được trả lời.

Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ không đề cập đến các chi tiết cụ thể trong sự việc này, chỉ nói rằng chính sách trừng phạt đã có hiệu lực và sẽ tiếp tục được sử dụng để gây áp lực với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Thế giới đang thừa dầu nhẹ, nhờ đá phiến của Mỹ. Nhưng lượng dầu nặng không đủ cung do các lệnh trừng phạt đối với Venezuela và Iran.

Công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc, China National Petroleum Corp., đã cắt đứt giao dịch mua trực tiếp với các thương nhân dầu mỏ Venezuela. Tuy nhiên, dầu của Venezuela vẫn có sức hút mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các công ty không giao dịch trực tiếp với Mỹ. Chỉ có những hệ thống xử lý dầu đặc biệt (coker) mới có thể lọc dầu thô nặng của Venezuela; và Trung Quốc là nước có công suất chế xuất theo công nghệ này ở mức lớn nhất sau Mỹ. Dầu Venezuela cũng có giá bán giảm cực mạnh.

Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với tập đoàn Petroleos de Venezuela SA vào đầu năm 2019, khiến doanh số bán hàng của họ trong năm ngoái xuống mức thấp nhất trong 71 năm và khiến dòng tiền đổ về Caracas giảm sút. Nhưng dầu mà Venezuela sản xuất vẫn có nhu cầu cao. Chỉ trong tháng 11/2020, Venezuela đã xuất khẩu 15 triệu thùng dầu trị giá khoảng 660 triệu USD.

Diego Moya-Ocampos, một nhà tư vấn về rủi ro chính trị tại IHS Markit ở London, cho biết: “Maduro cần tất cả số tiền này để tài trợ cho bộ máy quân sự bảo vệ chế độ của ông ta”.

Chính quyền Biden được cho là có thể giảm bớt các hạn chế gần đây đối với cái gọi là “hoán đổi nhiên liệu” - nơi các công ty bán xăng cho PDVSA để đổi lấy dầu thô, ông Moya-Ocampos nói.

“Tôi dám nói rằng chúng ta sẽ thấy nhiều dầu của Venezuela trên thị trường trong tương lai gần”, ông tuyên bố

Lê Minh

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc ‘hô biến’ dầu nhập từ Venezuela thành dầu ‘pha chế' nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ