Trung Quốc chắc chắn hưởng lợi từ giá trần dầu Nga của G7

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có rất nhiều sai lầm trong việc G7 áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Nó không làm tổn hại chút nào đến ông Putin. Mức trần đã được thống nhất, 60 USD/thùng, cao hơn giá Ural hiện tại (giá tiêu chuẩn cho dầu xuất khẩu của Nga), cao hơn mức giá niêm yết trung bình 5 năm và cao hơn giá hoàn vốn trung bình của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft.

Theo Reuters, “mức trần giá của G7 sẽ cho phép các nước ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng sẽ cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các tàu hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu này được bán với giá thấp hơn mức giá trần”.

Quy định này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thể mua thêm dầu Nga với mức chiết khấu lớn, trong khi gã khổng lồ dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước Nga sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận rất cao - 16% trên vốn trung bình sử dụng, và hơn 8,8 tỷ RUB doanh thu - tương đương 141 triệu USD.

Mức trần sai lầm này không chỉ tương đương việc dâng một khoản tiền cho Trung Quốc, nó còn là mức giá vẫn khiến Rosneft thu về lợi nhuận khổng lồ và có thể trả hàng tỷ USD tiền thuế cho nhà nước Nga.

Trung Quốc hẳn đang hết sức hạnh phúc. Bắc Kinh sẽ có được một nguồn cung dài hạn với mức giá hấp dẫn từ Nga. Trung Quốc cũng có thể bán được các sản phẩm tinh chế với tỷ suất lợi nhuận cao hơn trên toàn cầu. Sinopec và Petrochina sẽ tìm thấy đủ mọi cơ hội trên thị trường thế giới để có được lợi nhuận tốt hơn cho các sản phẩm tinh chế của họ, khi mà họ nắm trong tay nguồn cung hợp lý giữa bối cảnh kinh tế đầy thách thức.

Khi tôi đọc tin tức về “mức trần giá”, tôi tự hỏi liệu các quan chức có từng làm việc trong một ngành cạnh tranh toàn cầu hay chưa. Họ có thể không, nhưng họ chắc chắn tuyển dụng hàng ngàn “chuyên gia”, những người có thể đã nói với họ rằng đây là một ý tưởng thông minh. Thật là rác rưởi.

Nếu G7 thực sự muốn làm tổn hại đến tài chính và hoạt động xuất khẩu của Nga, thì họ có thể khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn vào các nguồn thay thế và có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại ngược lại. Các chính phủ G7 tiếp tục áp đặt nhiều rào cản đối với đầu tư vào năng lượng, đồng thời tạo ra các quy định khắc nghiệt về môi trường, khiến việc bảo đảm sự đa dạng hóa và an ninh nguồn cung năng lượng trở nên khó khăn hơn.

Điều từng đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng dầu mỏ của những năm 70 là sự gia tăng đặc biệt của dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất năng lượng. Mặt khác, điều đã cho phép giá dầu thay đổi gần như 180 độ từ đầu năm đến nay là nguồn cung nhiều hơn, cạnh tranh ngoài OPEC và phản ứng của nguồn cầu.

Ngành năng lượng đang không được đầu tư đủ mức. Theo Morgan Stanley, ngành dầu mỏ và khí đốt thiếu khoảng 600 tỷ USD đầu tư mỗi năm. Mức giá trần này của G7 thậm chí sẽ khuyến khích các nhà sản xuất bán những gì họ có thể cung cấp và đầu tư càng ít càng tốt; và tình huống này có thể khiến giá dầu trong tương lai tăng cao hơn nhiều. Trung Quốc và Nga cũng biết rằng năng lượng tái tạo và các giải pháp thay thế khác còn xa mới trở thành giải pháp thay thế có tính phổ biến và rằng, dù sao đi nữa, sẽ cần hàng nghìn tỷ USD đầu tư để khai thác đồng, coban và đất hiếm nhằm biến điều đó trở thành sự thực.

Bằng cách thêm cái gọi là giá trần dầu Nga vào các rào cản ngày càng tăng đối với việc phát triển các nguồn lực trong nhóm, G7 có thể đang gieo mầm cho một siêu chu kỳ hàng hóa [chu kỳ trong đó nhu cầu hàng hóa tăng cao bất thường, khiến giá cả tăng cao kéo dài trong nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ], trong đó sự phụ thuộc vào OPEC và Nga tăng lên thay vì giảm đi.

Tôi muốn lặp lại những gì tôi đã nói trong nhiều tháng qua, đó là: Chính phủ của các nền kinh tế phát triển đang đưa đất nước của họ từ sự phụ thuộc tương đối vào Nga trở thành sự phụ thuộc khổng lồ vào Trung Quốc và Nga.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cát Duyên

Theo Daniel Lacalle - The Epoch Times

Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis. Ông là tác giả của các cuốn sách “Tự do hay Bình đẳng” (Freedom or Equality), “Thoát khỏi Bẫy của Ngân hàng Trung ương” (Escape from the Central Bank Trap) và “Cuộc sống tại các Thị trường Tài chính” (Life in the Financial Markets).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc chắc chắn hưởng lợi từ giá trần dầu Nga của G7