Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 sau quý I ảm đạm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quý I/2022, kinh tế Trung Quốc khá ảm đạm, khiến cả mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp mới được đề ra cho năm nay là 5,5% cũng khó đạt được. Sự nản lòng của giới đầu tư, ảnh hưởng của chiến tranh và các đợt phong tỏa do Covid là những vấn đề chính khiến kinh tế có thể trở thành điểm yếu của ông Tập trong lần tái tranh cử nhiệm kì thứ 3.

Trung Quốc khó lòng đạt được mức tăng trưởng thấp đề ra

Năm nay, Bắc Kinh đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP thấp nhất trong nhiều thập kỷ là 5,5%.

Vào cuối quý đầu tiên, các chỉ số kinh tế cho thấy Trung Quốc thậm chí sẽ không đạt được mức tăng trưởng khiêm tốn này bởi chiến tranh Nga - Ukraine và việc phong tỏa cực đoan đối với các trung tâm thương mại lớn - như Thượng Hải và Thâm Quyến - do sự bùng phát COVID-19 gia tăng gần đây.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Trung Quốc là 5,5 % trong tháng 2, tăng từ 5,1 % trong tháng 12. Đã có một xu hướng rõ ràng về sự xấu đi của triển vọng việc làm; giờ đây, với chiến tranh và các cuộc phong tỏa, số lượng người thất nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng lên.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp khu vực tư nhân đã giảm 1,7% trong hai tháng đầu năm, trong khi các doanh nghiệp nhà nước có mức tăng lợi nhuận là 16,7%. Chính sự phát triển của khu vực tư nhân đã bước đầu đưa Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo. Tại thời điểm hiện tại, khu vực tư nhân là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các chính sách của chính phủ.

Suy thoái kinh tế đang làm thay đổi sự phân bố dân cư theo địa lý. Sau khi các hạn chế hà khắc về COVID chấm dứt vào năm 2020, nhiều lao động nhập cư đã không thể quay trở lại các thành phố lớn, một xu hướng sẽ khiến sản lượng công nghiệp thấp đi trong tương lai. Dân số của các thành phố cấp một đang suy giảm hoặc giữ nguyên do người dân chuyển về các thành phố cấp hai và cấp ba để cắt giảm chi phí sinh hoạt.

Tờ South China Morning Post đưa tin rằng dân số của Bắc Kinh đã giảm 4.000 người vào năm ngoái trong khi Thành Đô, một thành phố cấp hai, có thêm 245.000 cư dân. Tháng 4 năm ngoái, Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc dự đoán rằng dân số của Bắc Kinh cũng sẽ giảm vào năm 2022.

Đầu tư vào Trung Quốc sụt giảm

Các nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi Trung Quốc với mức độ chưa từng thấy. Có thời điểm, chứng khoán Trung Quốc thất thoát gần 500 triệu USD mỗi ngày kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhà đầu tư nước ngoài bị nản lòng bởi nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc và mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Moscow, điều có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thứ cấp từ chính quyền Biden.

Các nhà phân tích dự đoán rằng tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ sẽ có nhiều biến động trong tương lai gần. Vào tháng 2, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm việc nắm giữ trái phiếu của chính quyền Trung Quốc xuống mức chưa từng có, làm giảm 5,5 tỷ USD nợ quốc gia của Trung Quốc. Bên cạnh những bất ổn về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, động thái bán tháo còn do những đồn đoán rằng Nga sẽ thanh lý lượng đồng nhân dân tệ đang nắm giữ để lách các lệnh trừng phạt.

Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại vào năm ngoái đã khiến các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc sụt giảm. Cho đến thời điểm hiện tại trong năm nay, các chỉ số cũng đã bị mất điểm.

Chỉ số Thị trường Chứng khoán Tổng hợp Thượng Hải đã có xu hướng suy giảm một cách ổn định kể từ ngày 16/12, khi nó ở mức 3.677. Nó đã giảm mạnh, giảm thêm 246 điểm trong khoảng thời gian từ ngày 11/03 đến ngày 15/03, chạm mức đáy 3.064.

Chỉ số Hang Seng (HIS) bắt đầu năm nay ở mức 23.397 nhưng đã giảm mạnh vào ngày 15/03 xuống còn 18.415. Chỉ số Hang Seng TECH đã giảm từ 5.670 vào ngày cuối cùng của tháng 12 xuống còn 3.472 vào ngày 15/03.

Chỉ số CSI 300 (CSI300) ở mức 4.940 vào ngày 31/12 nhưng giảm xuống 3.983 vào ngày 15/03.

Trung Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 sau quý I ảm đạm
Một chiếc điện thoại di động cho thấy Chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm xuống dưới 3.200 điểm tại thời điểm giao dịch trong ngày ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 09/03/2022. (Ảnh: Costfoto / Future Publishing qua Getty Images)

Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại - kết hợp với tình hình bất ổn do chiến tranh Nga - Ukraine gây ra, các cuộc đàn áp của chính quyền và các đợt phong tỏa dai dẳng - đã làm tăng tâm lý tránh rủi ro của các nhà đầu tư Trung Quốc. Số tiền mà các quỹ đầu tư tư nhân mới ra mắt có thể thu hút đã giảm 44% trong tháng 1 so với tháng trước.

Đầu tư vào các quỹ cổ phiếu và trái phiếu giảm 49%, trong khi vốn cổ phần tư nhân giảm 25% và đầu tư mạo hiểm giảm 17%.

Các quỹ tương hỗ đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, với khoản đầu tư mới giảm 61% vào tháng 1 so với một tháng trước đó và 76% so với một năm trước đó.

Các công ty tài chính đã hủy bỏ việc ra mắt một số quỹ mới của họ, trong khi thời hạn đăng ký cho các quỹ khác đã được kéo dài. Ngoài ra, ít nhất 16 đợt IPO đã bị trì hoãn do phong tỏa ở Thượng Hải.

Xu hướng đi xuống của các quỹ đầu tư cho thấy rằng người dân có thể không có nhiều tiền mặt để đầu tư như một năm trước. Có vẻ như mọi người đang lo ngại về tình hình ảm đạm nói chung của triển vọng kinh tế và đang giữ tiền chứ không đầu tư. Điều đó cũng có thể thể hiện sự mất niềm tin trong hệ thống tài chính. Dù thế nào, kết quả cuối cùng là các công ty sẽ gặp khó khăn trong việc có được tiền vốn cần thiết để tạo việc làm bằng cách mở rộng hoặc khởi động các dự án kinh doanh mới.

Chiến tranh và phong tỏa do Covid khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Theo các nhà chức trách, doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc giảm từ 20% đến 30% vào tháng 1 và 2 so với năm 2021.

Nomura Holdings Inc. dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại khi lĩnh vực bất động sản sẽ còn suy giảm hơn nữa. Do đó, họ tin rằng Trung Quốc có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 4,3% trong năm nay. Nomura tin rằng chiến tranh và việc tiếp tục phong tỏa, đặc biệt là ở Thượng Hải, sẽ ngăn cản Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng của quý đầu tiên trong suốt thời gian còn lại của năm.

Bloomberg ước tính rằng chỉ riêng việc phong tỏa tại Thượng Hải có thể làm giảm 4 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Theo một số ước tính, việc phong tỏa do COVID đang tiêu tốn của Trung Quốc 46 tỷ USD mỗi tháng. Trong khi đó, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao nhất chiếm tới 33% GDP. Tình trạng phong tỏa của các khu vực này sẽ gây tổn hại vô cùng lớn cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Thượng Hải sẽ chi 22 tỷ USD tiền giảm thuế, bao gồm cả tiền hoàn lại, cho các công ty bị tổn thương bởi các cuộc phong tỏa, gia tăng sự căng thẳng cho nợ công,.

Tiêu thụ dầu sụt giảm ở Trung Quốc, một dấu hiệu chắc chắn cho thấy hoạt động kinh tế và công nghiệp đang chậm lại. Theo Bloomberg, các chuyên gia trong ngành đã dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ sụt giảm 700.000 thùng / ngày trong tháng 3, 600.000 thùng / ngày trong tháng 4 và 100.000 thùng / ngày trong tháng 5 và tháng 6.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất, một thước đo sản lượng công nghiệp, đã giảm từ 50,2 trong tháng 2 xuống 49,5 vào tháng 3. Lĩnh vực công nghiệp chiếm khoảng 33% GDP của Trung Quốc vào năm 2021. Sự suy giảm của lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

Chỉ số PMI phi sản xuất, được coi là thước đo sản lượng của khu vực dịch vụ, đã giảm từ 51,6 xuống 48,4 trong hai tháng qua. Các hai chỉ số PMI này đều rất đáng chú ý vì cả hai chỉ số đã không giảm đồng thời kể từ tháng 02/2020, khi phần lớn đất nước đang chịu hạn chế chặt chẽ bởi COVID. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu đại dịch.

Natixis SA, một công ty quản lý đầu tư và doanh nghiệp hàng đầu của Pháp, ước tính rằng các đợt phong tỏa đã làm giảm tốc độ tăng trưởng quý đầu tiên của Trung Quốc xuống 1,8 điểm phần trăm, khiến triển vọng tăng trưởng của nước này trong năm giảm xuống còn 4%. Nomura Holdings Inc. dự đoán ​​ngân hàng trung ương của Trung Quốc sẽ cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản để kích thích tăng trưởng. Macquarie Capital Ltd. dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức 5 %, cho rằng việc phong tỏa có thể sẽ không kéo dài và sẽ được bù đắp bởi việc cắt giảm lãi suất.

Kinh tế suy giảm có thể là điểm yếu của ông Tập

Khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, một điểm yếu của ông có thể là vấn đề kinh tế. Chế độ của ông tồn tại trên cơ sở một khế ước xã hội trong đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ mang lại cho người dân mức độ thịnh vượng kinh tế cao để đổi lấy việc người dân nhường quyền kiểm soát xã hội cho ĐCSTQ.

Một vấn đề khác có thể là do việc Bắc Kinh đã ủng hộ đầy hùng biện quan điểm rằng ĐCSTQ có thể kiểm soát đại dịch. Tháng trước, Trung Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm COVID cao nhất trong hai năm, khiến hàng chục triệu người bị phong tỏa ở Cát Lâm, Thâm Quyến và Thượng Hải.

Việc phong tỏa ở Thượng Hải, bắt đầu vào ngày 28/03, dự kiến ​​sẽ hạn chế việc đi lại và sinh sống của 26 triệu người ở trung tâm tài chính của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu ĐCSTQ và người dân có cho rằng kết quả điều hành nền kinh tế và đại dịch của ông Tập đủ để đánh giá ông là “nhà lãnh đạo cốt lõi không thể thiếu” hay không.

Kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động lên thế giới

Với việc các nhà máy bị đóng cửa ở Thâm Quyến và ngành tài chính ở Thượng Hải bị hạn chế bởi COVID, tác động đối với Mỹ và thế giới sẽ là sự gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng. Sẽ có ít công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc hơn và sẽ có nhiều công ty rút lui. Với hy vọng ve vãn các nhà đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh đang nới lỏng các hạn chế đầu tư, rút ​​ngắn danh sách các ngành mà người nước ngoài không được đầu tư.

Nhu cầu dầu khí của Trung Quốc sẽ vẫn bị kìm hãm cho đến khi các hạn chế được dỡ bỏ. Điều này làm lu mờ hy vọng của Nga trong việc tăng doanh số bán năng lượng cho Trung Quốc nhằm hỗ trợ nền kinh tế của mình.

Trong khi đó, khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và nhiệm kỳ thứ 3 đang tới gần, ông Tập ít có khả năng sẽ hỗ trợ Nga để rồi hứng chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ. Rất có khả năng ông Tập sẽ trì hoãn việc xâm lược Đài Loan để tránh các lệnh trừng phạt và thiệt hại kinh tế có thể xảy ra đối với Trung Quốc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Bảo Nguyên

The The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 sau quý I ảm đạm