Trung Quốc kiếm lời to từ cuộc chiến năng lượng toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quý vị nghĩ rằng giá năng lượng đang ở mức cao? Đó có thể vẫn là mức thấp và chỉ duy trì trong ngắn hạn. Giá năng lượng không chỉ được quyết định bởi các nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu như OPEC+ và những nước từng nắm giữ quyền mặc cả như Mỹ và châu Âu, mà còn bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nền kinh tế toàn cầu được kết nối với nhau, trong đó Trung Quốc gần như ở vị trí trung tâm. Không có gì chứng minh điều này tốt hơn mối tương quan của giá khí đốt toàn cầu và việc Trung Quốc tự phá hủy nền kinh tế của họ bằng các đợt phong tỏa COVID cực đoan và kéo dài từ tháng này qua tháng khác.

Giá khí đốt cao hơn mức trung bình kể từ khi Nga xâm lược Ukraine - từ đó dẫn đến các lệnh trừng phạt và các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, nền kinh tế đang bế tắc do bị phong tỏa của Trung Quốc làm giảm nhu cầu về năng lượng. Điều này có thể được thay đổi nhanh chóng nếu Chủ tịch Tập Cận Bình khai thông nền kinh tế Trung Quốc sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp tới; và động thái như thế sẽ làm tăng giá năng lượng toàn cầu. Ông Tập có mọi động cơ cần thiết để làm như vậy, vì khi đã đạt được nhiệm kỳ thứ 3, ông ấy càng có ít lý do để bám riết không buông chính sách “zero-COVID” - vốn đã được chứng minh là thất bại.

Phần lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Nga lẽ ra sẽ bán cho châu Âu đang bị nghẽn lại bởi các nước châu Âu muốn trừng phạt Moscow, hoặc bởi chính Moscow muốn trừng phạt châu Âu bằng đòn phủ đầu cắt giảm nguồn cung.

Để duy trì doanh thu, Nga phải gửi lượng LNG đó đến một nơi nào khác - chẳng hạn như Trung Quốc, thị trường có lẽ là lớn nhất thế giới - nhờ đường ống ở Siberia và nhiều hơn nữa đã được lên kế hoạch xây dựng. Vào năm 2021, Nga đã xuất khẩu 16,5 tỷ mét khối LNG sang Trung Quốc và tính đến hôm 07/09, họ đang định giá lượng năng lượng sẽ xuất khẩu trong tương lai theo tỷ lệ 50-50 giữa đồng rúp của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Điều đó gây áp lực giảm đối với nhu cầu USD trên toàn cầu và tăng áp lực lên lạm phát.

Mua năng lượng giá rẻ từ Nga, bán lại cho châu Âu

Nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc khiến nước này cần ít LNG hơn. Do đó, giá LNG ở châu Á đang giảm trong ngắn hạn trong khi giá ở châu Âu lại tăng. Các nhà kinh doanh năng lượng của Trung Quốc đã lợi dụng chênh lệch giá để kiếm lời. Bắc Kinh có thể mua LNG từ Nga với giá rẻ và bán nó, đôi khi bằng con đường trực tiếp sang châu Âu, với giá cao hơn.

Một lô hàng LNG, giống như lô hàng được Tập đoàn JOVO của Trung Quốc bán lại gần đây cho một người mua đến từ châu Âu, được cho là có thể mang lại mức lợi nhuận lên tới 100 triệu USD. Sinopec đã bán 45 lô hàng LNG trên thị trường quốc tế, khiến các lô LNG khác trở nên rẻ hơn ở mọi nơi, bất kể nó có đi thẳng đến châu Âu hay không.

Tờ Financial Times lưu ý: “Khi châu Âu cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng, thì điều trớ trêu là khu vực này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc”.

Tất cả những ai quan tâm đến lợi nhuận và sức mạnh kinh tế của Mỹ và các đồng minh đều có động cơ ngắn hạn để nhìn theo hướng khác khi dầu và khí đốt của Nga có thể lách các lệnh trừng phạt để đến châu Âu thông qua Trung Quốc. Giữ nguồn cung của Nga trên thị trường giao ngay là rất quan trọng để giữ lạm phát và tránh suy thoái ở phương Tây, nhưng nó cũng làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Các biện pháp trừng phạt không sai; chúng chỉ mang đến tác dụng ngược lại với mức giá cả cao hơn. Do vậy mà ông Vladimir Putin có thể tiếp tục kiếm tiền, bạn bè của ông ở Bắc Kinh và New Delhi cũng vậy. Bất cứ khi nào giá năng lượng giảm, các nhà độc tài năng lượng ở Moscow, Tehran và Riyadh lại có lý do để bắt đầu một cuộc chiến - qua đó khiến các nhà kinh doanh dầu trở nên sợ hãi, mua nhiều dầu hơn để đề phòng cho trường hợp xấu nhất; đồng thời khiến các chủ tàu vận chuyển ít hơn. Kết quả là: giá năng lượng tăng vọt trên khắp thế giới.

Ảrập Xêút đáng ra là đồng minh thân cận của Mỹ chứ không phải của Trung Quốc

Ảrập Xêút muốn có mức giá dầu tối thiểu trong dài hạn là 100 USD/thùng, và các lệnh trừng phạt đối với Nga và Iran đã giúp nước này đạt được điều đó và hơn thế nữa. Nếu các biện pháp trừng phạt bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn, giá dầu có thể tăng cao hơn nhiều.

Các nền dân chủ đang yêu cầu đặt mức giá trần cho dầu, trong khi giới lãnh đạo của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, cùng Nga và các đồng minh năng lượng) lại yêu cầu có giá sàn cho dầu. Họ ngày càng đối đầu gay gắt.

Mọi chuyện không nhất thiết phải như thế. Ảrập Xêút có truyền thống là đồng minh thân cận của Mỹ. Để đổi lấy việc mua vũ khí từ Mỹ và được bảo vệ quốc phòng khỏi các quốc gia như Iraq và Iran, Ảrập Xêút mở rộng kho dầu khổng lồ của họ bất cứ khi nào Washington đề nghị giữ năng lượng ở mức giá thấp hơn.

Tuy nhiên, việc họ đưa Nga vào OPEC+ và trở nên ngày càng thân thiện với Bắc Kinh khiến chúng ta lo ngại. Riyadh đang nghiêng về phía những đồng minh độc tài và đã bắt đầu vũ khí hóa vị thế thống trị dầu của họ để chống lại các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Nga và Trung Quốc sở dĩ có thể qua lại với nhau vì mỗi bên đều có những gì bên kia cần và cả hai đều muốn an toàn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảrập Xêút có tác dụng hoàn thiện mong muốn của Moscow và Bắc Kinh.

Vấn đề cơ bản là các nhà độc tài trên thế giới ngày càng mạnh hơn và có tổ chức hơn. Chiến tranh và giá năng lượng cao tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Sức mạnh tập thể ngày càng tăng của họ làm giảm nỗi sợ hãi về các lệnh trừng phạt kinh tế hay quân sự từ phương Tây khi họ vi phạm luật pháp quốc tế. Thực thi pháp luật đã khó, nhưng thời gian chờ đợi càng dài, nó càng trở nên khó khăn hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cát Duyên

Theo Anders Corr - The Epoch Times

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc kiếm lời to từ cuộc chiến năng lượng toàn cầu