Trung Quốc leo thang: Dự thảo luật mới hạn chế xuất khẩu đất hiếm, ‘phản đòn’ lại Danh sách thực thể của Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh có thể tung ra một “đòn giáng” bất ngờ vào các công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu về đất hiếm, máy bay không người lái và các mặt hàng xuất khẩu khác, khi chính quyền này cố gắng phản đòn lại “Danh sách thực thể” của Hoa Kỳ

Trung Quốc chuẩn bị đưa ra luật kiểm soát xuất khẩu mới, cấm các nhà cung cấp Trung Quốc giao dịch với các công ty nước ngoài cụ thể vì lý do an ninh quốc gia, nhằm phản đòn lại “đòn trừng phạt” của Mỹ đối với Huawei và các công ty khác.

Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sẽ thảo luận về luật, trong đó có mục tiêu đã nêu là bảo vệ lợi ích quốc gia. Luật mới có thể được ban hành sớm nhất vào năm 2021.

Danh sách thực thể của Bắc Kinh, đối trọng với danh sách thực thể của Hoa Kỳ.

Dự luật sử dụng cùng các lập luận an ninh quốc gia mà chính quyền Trump đã áp dụng trong các biện pháp cô lập các công ty Trung Quốc, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu đối với chất bán dẫn được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ đối với Huawei vào tháng trước. Trung Quốc đã từ chối các biện pháp này, chỉ trích Mỹ vì sử dụng an ninh quốc gia làm cái cớ để gây áp lực với các doanh nghiệp nước này.

Theo luật mới của Bắc Kinh, các nhà chức trách có thể cấm xuất khẩu các vật liệu chiến lược và công nghệ tiên tiến cho các công ty cụ thể có tên trong “Danh sách thực thể” của Bắc Kinh, đối trọng với danh sách thực thể của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Một danh sách đen như vậy có thể sẽ bao gồm các tập đoàn Mỹ, gây thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng các công ty ở Nhật Bản và các nước khác cũng có thể gặp rủi ro nếu họ tuân theo các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc.

"Các công ty Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo các quy tắc xuất khẩu của Mỹ, nhưng vì thế mà họ có thể bị coi là gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Trung Quốc", theo Trung tâm Thông tin Kiểm soát Thương mại An ninh ở Tokyo.

Bộ Thương mại Trung Quốc lần đầu tiên công bố bản dự thảo luật này vào tháng 6/2017. Ủy ban thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thảo luận về văn bản này vào tháng 12/2019 và vào cuối tháng 6/2020.

Luật mới sẽ chỉ định các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ cụ thể được bảo hộ theo các hạn chế xuất khẩu. Các công ty Trung Quốc xuất khẩu các mặt hàng trong danh sách này sẽ phải nộp tài liệu cho chính quyền Trung Quốc về khách hàng của họ và mục đích sử dụng của các sản phẩm và dịch vụ.

Các nhà chức trách sẽ quyết định có phê duyệt hàng xuất khẩu hay không dựa trên tác động của chúng đối với an ninh quốc gia, tiềm năng sử dụng quân sự và các khách hàng tiếp nhận.

Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết danh sách các vật liệu được bảo vệ theo luật mới "có thể bao gồm các nguyên tố đất hiếm, do Trung Quốc nắm giữ hơn 60% thị phần sản xuất".

Sử dụng thương mại như một “đòn ngoại giao”

Trước đây, Trung Quốc đã sử dụng thương mại như một “đòn ngoại giao”, chẳng hạn như khi họ đóng băng các chuyến hàng đất hiếm đến Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, được Trung Quốc tuyên bố là quần đảo Điếu Ngư.

Do đó, có lo ngại rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có thể giáng một đòn bất ngờ vào các công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc được xem là "bá chủ" sản xuất đất hiếm REE với sản lượng sản xuất (màu đỏ) nhiều nhất thế giới, vượt trội hơn hẳn các quốc gia khác.
Trung Quốc được xem là "bá chủ" sản xuất đất hiếm REE với sản lượng sản xuất (màu đỏ) nhiều nhất thế giới, vượt trội hơn hẳn các quốc gia khác.

Ví dụ, Trung Quốc sản xuất gần như toàn bộ dysprosi - một nguyên tố đất hiếm được sử dụng làm nam châm cho ô tô điện. Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, 72% xuất khẩu của nước này trong năm 2018 là đến Nhật Bản.

Các công ty Nhật Bản sử dụng vật liệu này để sản xuất nam châm và bán cho khách hàng trên khắp thế giới. Theo luật mới, Trung Quốc có thể hạn chế nguồn cung của họ nếu một trong những khách hàng Mỹ của họ bị đưa vào danh sách đen.

Theo Viện nghiên cứu Daiwa, Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc đối với 62% máy bay không người lái và 52% thiết bị bán dẫn. Về vật liệu, Trung Quốc cung cấp khoảng 90% magie của Nhật Bản - được sử dụng trong hợp kim cho phụ tùng ô tô; và bari cacbonat - một thành phần trong các tụ điện do các nhà cung cấp điện tử hàng đầu như Murata Manufacturing sản xuất.

Luật mới cũng sẽ bao gồm một điều khoản cho phép Trung Quốc buộc các công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm các hạn chế xuất khẩu của họ ngay cả bên ngoài nước này, mặc dù các chi tiết cụ thể của điều này vẫn chưa rõ ràng.

Ban hành dự luật ‘Đòi lại Đất hiếm’ - Hoa Kỳ ‘gạt bỏ’ Trung Quốc, bắt tay hợp tác với Úc

Hoa Kỳ chuẩn bị giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm với Dự luật Khoáng sản mới được đề xuất vào đầu tháng 9/2020, cung cấp các ưu đãi về thuế cho các công ty Mỹ sản xuất đất hiếm trong nước. Ngoài ra, Úc đang ở vị trí quan trọng để sản xuất đất hiếm cho Hoa Kỳ thay cho Trung Quốc.

Dự luật lưỡng đảng, được gọi là Đạo luật Đòi lại Đất hiếm của Mỹ (RARE), đã thu hút được sự ủng hộ từ các đại diện của Đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas. Về cơ bản, luật đưa ra các ưu đãi về thuế cho các công ty sản xuất khoáng sản đất hiếm trong nước.

Nghị sĩ Gooden cho biết việc tìm một nguồn cung cấp đáng tin cậy cho những loại vật liệu này là điều cần thiết cho cả nền kinh tế và an ninh của Mỹ. “Chúng ta không cần phải dựa vào ĐCSTQ về công nghệ truyền thông và quân sự quan trọng của chúng ta”, dân biểu Gooden nói.

Ông nói: “Năng lực công nghệ trong tương lai của chúng ta sẽ phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc xây dựng một môi trường kinh tế thuận lợi để thúc đẩy sản xuất trong nước các nguồn tài nguyên này”.

Có khả năng Mỹ sẽ muốn quay sang một nước đồng minh có cùng lợi ích và có mối quan hệ tương tự với Trung Quốc cho các giao dịch đất hiếm. Điều này giúp Úc có thể kiếm tiền từ sản lượng đất hiếm. Mặc dù chỉ đứng thứ sáu trên toàn cầu về dự trữ REE, Úc lại là nhà sản xuất lớn thứ hai của các kim loại này vào năm 2018, sản xuất 21.000 tấn. Năm 2019, Úc đứng thứ tư về sản lượng đất hiếm, trong đó Hoa Kỳ giành vị trí thứ hai với sản lượng 26.000 tấn.

Chính phủ Liên bang của Úc đã giới thiệu "Chiến lược Khoáng sản Quan trọng" của riêng mình vào tháng 3 năm 2019 để hỗ trợ thăm dò, khai thác và sản xuất các khoáng sản quan trọng này.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc leo thang: Dự thảo luật mới hạn chế xuất khẩu đất hiếm, ‘phản đòn’ lại Danh sách thực thể của Hoa Kỳ