Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng toàn cầu để nuốt chửng Sri Lanka

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tại Sri Lanka ngày một trầm trọng. Đây là quốc gia đầu tiên và không phải cuối cùng sụp đổ dưới áp lực kinh tế toàn cầu tới từ cuộc chiến tại Ukraine. Được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến Sri Lanka vỡ nợ, Trung Quốc chắc chắn đang lợi dụng cuộc khủng hoảng của Sri Lanka để hiện thực hóa mưa đồ thống trị thế giới.

Khủng hoảng Sri Lanka cho thấy cách Trung Quốc thực hiện mưu đồ thống trị

Vào ngày 12/05, Ấn Độ xác nhận họ sẽ cung cấp cho Sri Lanka 65.000 tấn phân bón ure theo hạn mức tín dụng 1 tỷ USD hiện tại, dù trước đó New Delhi đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa thiết yếu. Việc này giúp làm giảm áp lực vốn đang đè nặng lên chính quyền của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa.

Kể từ cuối tháng 3, Sri Lanka đã chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực. Lệnh cho phép cảnh sát bắn ngay tại trận đối với người gây rối đã giúp khôi phục lại phần lớn trật tự; nhưng tình trạng bất ổn đã dẫn đến việc thay thế Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, từng là biểu tượng chính trị lớn một thời của quốc gia này. Anh trai của ông, Tổng thống Sri Lanka, không chắc có thể ‘sống sót’ sau vụ lộn xộn. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang diễn ra là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Sri Lanka kể từ khi nước này giành độc lập khỏi Anh vào năm 1948.

Trên thế giới, Sự việc tại Sri Lanka chỉ là một sự khởi đầu. Những rối loạn ở đó là chỉ là sự bắt đầu của một loạt các cuộc khủng hoảng sắp nhấn chìm các quốc gia dễ bị tổn thương, thậm chí có thể là các quốc gia lớn. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tiềm ẩn ở Sri Lanka và các nơi khác, và làm rung chuyển mọi ngóc ngách trên hành tinh.

Các sự kiện ở Sri Lanka thể hiện cách thức Trung Quốc thực hiện việc thống trị thế giới. Bắc Kinh đang làm tha hóa các nhà lãnh đạo quốc gia, nhấn chìm họ trong nợ nần, và cuối cùng là gây bất ổn cho chính quyền của họ. Có vẻ như Bắc Kinh đang đặc biệt nhắm vào các nền dân chủ.

Tình trạng tồi tệ chưa từng xảy ra trong quá khứ

Urê của Ấn Độ, một loại phân bón, sẽ giúp nông dân Sri Lanka trồng trọt trong vụ trồng Yala từ tháng 5 đến tháng 8. Nó đã đến vào thời điểm cần thiết. Nước này đã chi khoảng 400 triệu USD hàng năm để nhập khẩu phân bón nhưng gần đây đã không thể mua được mặt hàng này do thiếu ngoại hối. Chính quyền năm ngoái, để bảo vệ kho dự trữ tiền tệ, đã cấm phân bón hóa học.

Bộ tài chính báo cáo rằng quốc gia này chỉ có 25 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng trong tay, hầu như không đủ để thực thi các nghĩa vụ. Sri Lanka dự kiến ​​sẽ phải trả khoản nợ 7 tỷ USD trong năm nay, một phần trong số 26 tỷ USD đến hạn vào năm 2026. Tổng nợ nước ngoài của quốc gia này là 51 tỷ USD.

Lệnh cấm phân bón hóa học đã buộc nông dân phải bỏ ruộng, và một số người đã tham gia các cuộc biểu tình gần đây.

Kết quả là, nạn đói trong nước và giá lương thực tăng cao đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình.

“Tôi đã sống ở Colombo trong 60 năm và tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này”, một người giúp việc gia đình có tên Vadivu nói với AFP vào tháng 3. "Không có gì để ăn, không có gì để uống". Trong tháng này, giá thực phẩm ở Colombo, thành phố đông dân nhất của Sri Lanka, đã tăng gấp ba lần trong vòng vài ngày.

Thủ tướng mới, Ranil Wickremesinghe, cho biết ông sẽ đảm bảo rằng mọi người có đủ ba bữa ăn mỗi ngày.

"Sẽ không có khủng hoảng nạn đói, chúng ta sẽ tìm được thức ăn", ông nói với BBC.

Những vấn đề kinh tế của Sri Lanka

Ông Wickremesinghe có thể sẽ thất hứa. Sri Lanka không thể tự giải quyết các vấn đề của mình. Đại dịch COVID-19 đã triệt tiêu ngành du lịch, một nguồn thu chính. Hơn nữa, việc Nga xâm lược Ukraine - cả hai quốc gia đều là nguồn khách du lịch lớn cho Sri Lanka - đã giết chết hy vọng phục hồi trong năm nay.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở lượng khách du lịch. Cuộc chiến Ukraine có vẻ như đang kết thúc một thời kỳ toàn cầu hóa kéo dài hàng thập kỷ, và quá trình chuyển đổi sẽ khó khăn đối với các quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào các quốc gia khác. Do đó, cuộc khủng hoảng Sri Lanka mới chỉ là sự bắt đầu.

"Sri Lanka là quốc gia đầu tiên sụp đổ dưới áp lực kinh tế ngày càng gia tăng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra", tờ Guardian của London tuyên bố. "Đây rất có thể không phải là quốc gia cuối cùng".

Khoản vay từ Trung Quốc đã trực tiếp khiến Sri Lanka vỡ nợ

Sri Lanka cũng phải đối mặt với một vấn đề khác: Trung Quốc. Gia tộc thống trị Rajapaksa, lâu nay được cho là nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh, đã vay mượn rất nhiều từ các nguồn từ Trung Quốc để thực hiện các dự án kinh doanh sai lầm. Nhiều “dự án voi trắng” (dự án tốn kém và không mang lại lợi nhuận) nằm ở quận Hambantota, quê hương của gia tộc Rajapaksa.

Cảng Hambantota, thua lỗ 300 triệu USD trong sáu năm, ngay từ đầu đã là một dự án thiếu tính toán. Do đó, các nhà điều hành cảng đã không thể thực hiện các nghĩa vụ với khoản vay 1,4 tỷ USD tới từ Trung Quốc. Nằm ở gần cảng là một trung tâm hội nghị trị giá 15,5 triệu USD hiếm khi được sử dụng. Nhờ khoản vay 200 triệu USD từ Trung Quốc, Sri Lanka đã có thể xây dựng Sân bay Rajapaksa ở gần đó. Sân bay này không thể thanh toán ngay cả hóa đơn tiền điện.

Ở Colombo, Sri Lanka đã xây dựng một Port City, bắt chước Dubai, với sự tài trợ từ Trung Quốc. Đây là một hòn đảo lấn biển rộng 665 mẫu Anh và là một “cái bẫy nợ ẩn”. Trong thành phố có Tháp Hoa sen, vốn chưa bao giờ được mở cửa cho công chúng, cũng được xây dựng từ nguồn tài trợ của Trung Quốc.

"Tự hào về tòa tháp này để làm gì nếu nếu nó khiến chúng ta phải đi xin ăn?" , ông Krishantha Kulatunga, chủ một cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ gần địa danh trên cho biết. "Chúng ta vốn đã ngập trong các khoản vay".

Rất ít người biết được đầy đủ về những khoản nợ của quốc gia này đối với Trung Quốc vì có những khoản vay khó theo dõi cho các công ty nhà nước của Sri Lanka và cho ngân hàng trung ương của đất nước này.

Bất kể số tiền vay là bao nhiêu đi nữa, các khoản vay từ Trung Quốc đã khiến Sri Lanka phá sản. Vào tháng 4, quốc gia này tuyên bố ngừng trả nợ nước ngoài. BBC đưa tin rằng việc đình chỉ này, vụ vỡ nợ đầu tiên kể từ khi độc lập, "phần lớn là do đất nước này không thể thực hiện nghĩa vụ với các khoản vay từ Trung Quốc để chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn".

Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng toàn cầu để nuốt chửng Sri Lanka
Toàn cảnh khu cảng Colombo chụp từ lối đi dạo Galle Face ở Colombo, Sri Lanka, ngày 02/02/2021. (Ảnh: Ishara S. Kodikara / AFP qua Getty Images)

Trung Quốc là một chủ nợ đầy dã tâm

Trung Quốc là một chủ nợ đầy dã tâm của thế giới, điều dễ thấy từ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của họ. Dự án cơ sở hạ tầng lớn của Bắc Kinh chuyên về đường bộ, cảng và đường sắt, có ít hoặc không có ý nghĩa về mặt thương mại, giống như các dự án ở Sri Lanka. Cho đến nay, 146 quốc gia đã ký thỏa thuận ghi nhớ BRI cùng với Bắc Kinh.

Có một khuôn mẫu đã hình thành khi Trung Quốc cho các quốc gia vay tiền.

Bà Cleo Paskal, thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, nói với tổ chức Gatestone: “Trung Quốc gia hạn nợ theo những điều khoản khó khăn, hỗ trợ các chính quyền độc tài khi có sự sụp đổ về tài chính hoặc chống đối dân sự, và sau đó lấy đi mọi thứ mà nước này có thể tìm thấy”.

Trung Quốc thèm muốn một căn cứ quân sự tại Sri Lanka

Mô hình trên được thấy rõ ở Sri Lanka. Vào tháng 12/ 2017, Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát cảng Hambantota, sở hữu 70% cổ phần và ký hợp đồng thuê 99 năm, sau khi dự án này không thể chi trả nghĩa vụ cho các khoản vay lãi suất cao được Trung Quốc gia hạn. Giờ đây, người ta lo ngại rằng Hambantota cuối cùng sẽ trở thành một căn cứ hải quân của Trung Quốc.

Các đô đốc của Trung Quốc đã để mắt đến Sri Lanka từ lâu: Trong cả tháng 9 và tháng 10/2014, chính quyền Sri Lanka đã cho phép một tàu ngầm Trung Quốc và tàu hỗ trợ của nó neo đậu tại Cảng container quốc tế Colombo, vốn được xây dựng từ nguồn tài trợ Trung Quốc.

Một căn cứ ở Sri Lanka sẽ cho phép máy bay và lực lượng tác chiến mặt nước cũng như tàu ngầm của Trung Quốc chia cắt các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương và buộc nước láng giềng Ấn Độ phải chuyển hướng các khí tài quân sự nhằm đối phó với mối đe dọa.

Không phải ngẫu nhiên mà Djibouti, cũng là một quốc gia mắc nợ Trung Quốc nặng nề, hiện là nơi đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc.

Cần tái cấu trúc chính trị trước khi tái cấu trúc tài chính

“Mô hình này có chiều sâu, vững chắc và ngày càng mở rộng, và vì vậy, nó giống như những quân cờ domino đã được sắp đặt sẵn và Bắc Kinh hoàn toàn vui mừng khi các quân cờ này đổ xuống để có thể giải cứu về kinh tế, chính trị và củng cố bản thân hơn nữa”, bà Paskal nói.

Sri Lanka hiện đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhưng đó không hẳn là một ý tưởng hay. Cộng đồng quốc tế không nên giúp một Trung Quốc tham lam nuốt chửng các cộng đồng nhỏ bé, dễ bị tổn thương.

“Tái cấu trúc tài chính là không cần thiết, bạn cần tái cấu trúc chính trị trước khi đổ thêm tiền vào", bà Paskal nói, “Nếu IMF cứu trợ Sri Lanka mà không đảm bảo rằng nước này không còn liên kết với Bắc Kinh, thì họ đang trợ cấp cho đầu tư của Trung Quốc và củng cố về mặt chính trị cho một quốc gia đã trở thành tay sai của Trung Quốc”.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Gordon G. Chang là một thành viên cao cấp xuất sắc tại Viện Gatestone, thành viên Ban cố vấn của viện này, và là tác giả của cuốn “Sự sụp đổ đang đến gần của Trung Quốc”.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng toàn cầu để nuốt chửng Sri Lanka