Trung Quốc mua chuộc giới tinh hoa Mỹ bằng các thỏa thuận béo bở: Tác giả Peter Schweizer

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bằng việc trao cho giới tinh hoa Mỹ những thỏa thuận béo bở và khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang dần mở rộng ảnh hưởng và tránh né các hậu quả đối với những hành vi sai trái của mình. Trung Quốc cũng mua chuộc các trường đại học của Mỹ bằng các khoản quyên góp có điều kiện.

Trung Quốc mua chuộc giới tinh hoa Mỹ

Theo Peter Schweizer, tác giả của cuốn sách “Bắt tận tay: Cách giới tinh hoa Mỹ làm giàu giúp Trung Quốc” (Red-Handed: How American Elites Get Rich Helping China), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chủ yếu dựa vào chiến lược dụ dỗ các nhân vật quyền lực trong giới chính trị và kinh doanh Mỹ để mở rộng ảnh hưởng và né tránh những hậu quả từ những hành vi sai trái của mình.

Ông Schweizer nói trong chương trình “China in Focus” của đài NTD thuộc The Epoch Times vào ngày 21/03: “Chiến lược là mua chuộc giới tinh hoa ở Mỹ bằng cách trao cho họ những thỏa thuận béo bở và khả năng tiếp cận đặc biệt vào thị trường Trung Quốc".

“Chiến lược này liên quan đến các nhân vật chính trị, nhưng cũng liên quan đến các giám đốc điều hành công ty. Và đó là một chiến lược rất hiệu quả và nó cản trở khả năng của chúng ta trong việc đối phó với mối đe dọa do chế độ Bắc Kinh gây ra".

Ông nói: Bề rộng và chiều sâu của danh sách các nhà hoạch định chính sách và doanh nhân Mỹ bị cuốn vào mạng lưới này thật "đáng sợ". Ông nói thêm: nó bao gồm gia đình của tổng thống và những tên tuổi lớn nhất ở Phố Wall và ở Thung lũng Silicon. Ngoài ra chúng ta cũng không thể bỏ qua thông tin về lượng tiền có liên quan.

“Chúng ta đang không nói đến những khoản tiền nhỏ, chúng ta đang nói về những mối quan hệ tài chính sâu sắc. Đó có thể là hàng chục triệu USD mà gia đình Biden đã nhận được từ các doanh nhân có liên kết với ĐCSTQ. Hay đó là những giao dịch hàng tỷ USD, hoặc hơn, mà một số công ty ở Phố Wall hoặc ở Thung lũng Silicon đã nhận được”, ông Schweizer nói, đề cập đến việc Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden, bị cáo buộc có mối liên hệ với các giám đốc điều hành và công ty Trung Quốc.

Elon Musk thay đổi thái độ về Trung Quốc vì Tesla

Như một ví dụ về một nhân vật quyền lực được các quan chức Trung Quốc ve vãn, ông Schweizer trích dẫn trường hợp của Elon Musk, người mặc dù sinh ra ở Nam Phi nhưng hiện là Giám đốc điều hành của công ty Tesla có trụ sở tại Palo Alto, California.

Ông Schweizer nói: Trước đây, ông Musk từng là người chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh về hồ sơ nhân quyền của nước này. Tất cả đã thay đổi khi Tesla có một nhà máy ở Thượng Hải và được cho là có kế hoạch xây dựng một nhà máy khác, nơi công ty dự định sẽ sử dụng để đảm nhận một khối lượng lớn công việc chuyển tới từ Mỹ.

Theo quan điểm của tác giả Schweizer, ông Musk đã trở nên “rất ủng hộ” Bắc Kinh. Ông cho biết, ông Musk thậm chí còn lên các podcast để tranh luận rằng chế độ này đáp ứng nhu cầu của người dân Trung Quốc còn tốt hơn là nền dân chủ được cho là mang tính đại diện ở Mỹ đối với các cử tri của nó.

Ông Schweizer nói: “Ông ấy ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông ấy nói về hiệu quả của chế độ độc tài Trung Quốc. Tất nhiên, sẽ rất dễ dàng trở nên hiệu quả khi bạn không có quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân, những yếu tố cản trở”.

Trung Quốc mua chuộc giới tinh hoa Mỹ bằng các thỏa thuận béo bở: Tác giả Peter Schweizer
Elon Musk, người sáng lập và kỹ sư trưởng của SpaceX, phát biểu tại Triển lãm và Hội nghị vệ tinh 2020 ở Washington vào ngày 09/03/ 2020. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

Tác giả đánh giá rằng việc Tesla thực hiện các hoạt động kinh doanh quan trọng như vậy ở Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về việc chuyển giao công nghệ.

“Bắc Kinh kiểm soát các hoạt động của Tesla ở Trung Quốc, có nghĩa là họ có quyền truy cập vào các công nghệ của Tesla và hiện tại họ hẳn cũng có những bí mật của SpaceX”, ông nói, đề cập đến công ty hàng không vũ trụ và truyền thông mà Musk thành lập. Ông Schweizer cho biết ông tin rằng chế độ Trung Quốc có thể tận dụng quyền kiểm soát của mình đối với Tesla để có được quyền truy cập vào các bí mật công nghệ của SpaceX, điều sẽ có giá trị vô cùng to lớn khi cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ đang tiếp diễn.

Ông Schweizer cho biết, ông Musk đã giảm bớt những lời chỉ trích của mình về việc vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ vì ông biết rằng việc quá mạnh miệng sẽ gây nguy hiểm cho tương lai công việc thương mại của chính mình.

Ông Schweizer nói thêm: “Ông ấy rất thẳng thắn trong nhiều vấn đề, nhưng ông ấy sẽ không thẳng thắn về Trung Quốc vì ảnh hưởng của Bắc Kinh với ông ấy. Nếu bạn nhìn vào những tuyên bố mà Tesla đưa ra cho các cổ đông, thì Trung Quốc là tương lai của công ty này”.

The Epoch Times đã liên hệ với Tesla để bình luận.

Ông Schweizer nhận thấy có sự tương tự rất lớn trong lĩnh vực chính trị. Ông Schweizer lưu ý rằng các thành viên được bầu của Thượng viện và Hạ viện được yêu cầu phải công bố bất kỳ thỏa thuận tài chính nào mà họ thực hiện với chính phủ nước ngoài. Nhưng thay vì ngăn chặn bất kỳ ảnh hưởng quá mức nào từ nước ngoài, quy định này dẫn đến cái mà ông gọi là "tham nhũng qua ủy quyền", theo đó một chính trị gia sẽ dựa vào một thành viên gia đình không phải tuân theo các quy tắc trên để thực hiện các giao dịch ở Trung Quốc.

Đối với ĐCSTQ, việc một chính trị gia Mỹ là thành viên Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ đều không quan trọng, miễn là chính trị gia được đề cập có thể cho phép hoặc tạo điều kiện cho việc tiếp cận thị trường vốn hoặc công nghệ của Mỹ. Các quan chức ĐCSTQ không quá bận tâm nếu các nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích họ về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc, miễn là các quan chức Trung Quốc này có thể đạt được những gì họ muốn, ông Schweizer nói.

Trung Quốc mua chuộc hệ thống giáo dục bậc cao của Mỹ

Ông Schweizer nói rằng ĐCSTQ cũng gây ảnh hưởng đối với giáo dục bậc cao ở Mỹ bằng cách sử dụng một lượng lớn tiền mặt.

Ông nói: “Chúng ta đang chứng kiến ​​một lượng tiền lớn từ các cá nhân có liên hệ với chính quyền Bắc Kinh, những người đang quyên góp cho các trường đại học của Mỹ và đưa ra các điều kiện cho các khoản đóng góp đó”.

Ông Schweizer dẫn ví dụ về Thái Sùng Tín (Joe Tsai), đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch điều hành của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba. Ông nói, thành công to lớn của công ty đó chủ yếu liên quan đến thực tế là nhiều nhà đầu tư ban đầu của công ty này là họ hàng của các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ.

Tác giả Schweizer lưu ý rằng, hiện nay, ông Thái, người mà ông Schweizer ước tính có giá trị tài sản từ 15 tỷ đến 20 tỷ USD, đã quyên góp rất nhiều cho Đại học Yale và các trường khác. Đồng thời, ông Thái thường đến các trường học của Mỹ và nói về việc người Mỹ hiểu nhầm chính quyền Trung Quốc, rằng thực ra chính quyền này rất quan tâm tới nhu cầu của người dân.

Để đề cao quan điểm tích cực của mình về chế độ cộng sản, ông Thái tài trợ cho nghiên cứu và việc ra mắt các cơ sở như Trung tâm Tsai của Yale về Tư duy Đổi mới, lấy tên từ cha của ông Thái. Ông Schweizer nói rằng nghiên cứu do ông Thái hậu thuẫn phản bác bức tranh tiêu cực được đưa ra trên nhiều phương tiện truyền thông phương Tây và hoàn toàn ủng hộ và thân thiện với Bắc Kinh.

Ông Schweizer nói: “Khi bạn nhìn vào những gì họ tạo ra, về mặt học thuật, phần lớn là sự biện hộ, bào chữa cho những hành vi sai trái của chế độ, ca ngợi chính quyền đang tuân thủ đúng luật hơn, trong khi những gì chúng ta thực sự được chứng kiến dưới thời Tập Cận Bình là hoàn toàn ngược lại".

Các cơ sở như Trung tâm Tsai không cung cấp cho sinh viên bức tranh khách quan và đầy đủ về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, và hầu như không có bất kỳ cuộc thảo luận nào diễn ra về vi phạm nhân quyền hoặc tình cảnh khốn khổ của người Duy Ngô Nhĩ, ông Schweizer nói.

Trung Quốc mua chuộc giới tinh hoa Mỹ bằng các thỏa thuận béo bở: Tác giả Peter Schweizer
Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Nathan Law đứng cạnh biểu ngữ “Tự do cho Hong Kong. Cách mạng ngay bây giờ ”khi Law tham dự một cuộc biểu tình bên ngoài Văn phòng Đối ngoại ở Berlin, Đức, vào ngày 01/09/2020. (Ảnh: Tobias Schwarz / AFP qua Getty Images)

Một vấn đề nữa là cái mà ông Schweizer gọi là việc “tự kiểm duyệt” và việc bắt nạt những người dám lên tiếng về những vi phạm của ĐCSTQ.

Ví dụ, ông Schweizer đề cập đến trường hợp của Nathan Law, một cựu chiến binh của phong trào dân chủ Hồng Kông, người đã bị bỏ tù vì các hoạt động phản kháng của mình. Law đã đến Đại học Yale để theo đuổi bằng thạc sĩ về nghiên cứu châu Á vào mùa thu năm 2019. Sự đón tiếp của Yale đối với Law đã khiến anh này “choáng váng”, ông Schweizer nói, đồng thời cho biết thêm rằng các sinh viên từ Trung Quốc đại lục đã chất vấn nhà hoạt động Hong Kong.

Trong nhiều trường hợp, các trường đại học thậm chí không tiết lộ rằng tiền hỗ trợ nghiên cứu và các tổ chức của trường đến từ Trung Quốc, ông Schweizer lưu ý. Luật liên bang yêu cầu những thông tin như vậy cần được công bố.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc mua chuộc giới tinh hoa Mỹ bằng các thỏa thuận béo bở: Tác giả Peter Schweizer