Trung Quốc muốn tham gia Hiệp định thương mại vốn được tạo ra để loại trừ Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán hậu trường để tham gia một thỏa thuận thương mại lớn mà ban đầu được tạo ra để loại trừ Bắc Kinh và củng cố sức mạnh kinh tế và quan hệ thương mại của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo những người thạo tin, các quan chức từ Úc, Malaysia, New Zealand và có thể cả các quốc gia khác đã tổ chức các cuộc đàm phán kỹ thuật với các đối tác Trung Quốc về các chi tiết của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vào tháng 2 vừa qua, Trung Quốc thông báo họ đã tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức với một số thành viên, nhưng không công bố thông tin chi tiết.

Ông Deborah Elms , người sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore, cho biết: “Trung Quốc sẽ không đưa ra tuyên bố về việc tham gia TPP nếu họ chưa nghiên cứu kỹ nội dung này và nói: “ Chúng tôi thực sự vui lòng được gia nhập”.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được Mỹ hình dung như một khối kinh tế để cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, khi Tổng thống khi đó là Barack Obama nói vào năm 2016 rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, nên viết ra các quy tắc thương mại trong khu vực. Người kế nhiệm Obama là ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017.

Các thành viên của CPTPP

Đ ầu tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao cho biết: Bắc Kinh đã “thực hiện nhiều công việc sơ bộ và thực hiện một số liên hệ không chính thức” . "Chúng tôi đang tăng cường nỗ lực trong lĩnh vực này", nhưng không cung cấp thêm thông tin về tiến trình của các cuộc đàm phán.

Trung Quốc ngày càng không được ưa chuộng

Nhiều quốc gia CPTPP phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc, nhưng hình ảnh ngày càng xấu xí của Trung Quốc trong mắt một số quốc gia có thể khiến việc thỏa thuận gia nhập trở nên khó khăn hơn. Những lo ngại về hành vi đối với lao động, các công ty nhà nước và cuộc đối đầu kinh tế của nước này với Mỹ cũng là những rào cản tiềm năng cho việc gia nhập.

Quan điểm về Trung Quốc ngày càng trở nên tiêu cực. (Xanh: tại Nhật Bản, Đỏ: Canada, Đen: Úc)

Nếu tham gia, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong quan hệ đối tác và củng cố hơn nữa vị trí của nước này ở trung tâm thương mại và đầu tư trong khu vực. Bắc Kinh đã giúp đưa một thỏa thuận thương mại khu vực riêng biệt được gọi là RCEP đi đến kết thúc thành công vào năm ngoái, nhưng việc tham gia CPTPP sẽ yêu cầu nước này phải nhượng bộ thêm và đạt được sự nhất trí của tất cả 11 thành viên - bao gồm Úc, Canada và Nhật Bản, các đồng minh của Mỹ.

Việc Bắc Kinh chính thức xin ra nhập có thể còn xa vời, vì hồ sơ ra nhập của Vương quốc Anh và Trung Quốc vẫn đang được xem xét. Theo một số quan chức nước ngoài, nhiều cơ quan chính phủ, tổ chức tư vấn và học giả Trung Quốc đang phân tích các văn bản để tìm ra cách thức để tham gia và nghiên cứu thái độ của các quốc gia thành viên.

Một số quan chức nghi ngờ việc Trung Quốc có thể đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận, đặc biệt là các điều khoản về lao động, mua sắm, doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, thương mại điện tử và truyền dữ liệu xuyên biên giới.

Các điều ước quốc tế yêu cầu các thành viên phải có luật và thông lệ bảo vệ các quyền quy định trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế, đảm bảo tự do lập hội và thương lượng tập thể, ngăn chặn cưỡng bức hoặc lao động trẻ em, và loại bỏ phân biệt đối xử công ăn việc làm. Trong khi đó, Trung Quốc lại không cho phép các tổ chức công đoàn tự do và đã bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức.

Vị thế thống trị của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong nền kinh tế cũng sẽ khó có thể phù hợp với thỏa thuận này, mặc dù một số thành viên CPTPP hiện tại cũng có sự tham gia đáng kể của nhà nước vào nền kinh tế.

Rào cản cho những nỗ lực của Bắc Kinh

Việc tham gia CPTPP cần có sự đồng ý của các thành viên hiện tại, những người trước đây đã tuyên bố rằng sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào đối với các thành viên mới. Theo một quan chức, thỏa thuận không phải là thực đơn gọi món mà Trung Quốc có thể chọn và lựa chọn, mà là một bữa ăn đủ món mà 11 thành viên đã cùng nhau chuẩn bị.

“Trung Quốc có văn bản, họ biết các quy tắc, họ biết các cam kết là gì”, bà Elms của Trung tâm Thương mại Châu Á nói.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong thỏa thuận và là chủ tịch CPTPP năm nay, dường như không mấy mặn mà với việc Trung Quốc muốn tham gia. Một số chuyên gia cho biết, trước khi xem xét một hồ sơ xin ra nhập của Trung Quốc, Nhật Bản muốn các cuộc đàm phán nên được kết thúc với một thỏa thuận thương mại tự do 3 bên với Hàn Quốc và Trung Quốc dựa trên Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Các cuộc đàm phán 3 bên đó không đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây trong bối cảnh tranh chấp lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản muốn xem cách Trung Quốc thực hiện các lời hứa của mình trong khuôn khổ RCEP trước khi xem xét bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào, theo một quan chức cấp cao am hiểu quan điểm của Tokyo.

Một vấn đề phức tạp nữa là Đài Loan, cho biết họ đã đàm phán với tất cả các thành viên CPTPP. Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói rằng ông hy vọng nỗ lực của Trung Quốc sẽ không ngăn cản Đài Loan tham gia thỏa thuận này.

Rào cản từ Mỹ?

Mặc dù Mỹ không phải là thành viên của thỏa thuận nhưng vị thế của nước này sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ đơn xin gia nhập nào của Trung Quốc. Nhiều thành viên CPTPP là đồng minh hoặc bạn bè của Mỹ và cuối cùng vẫn hy vọng nước này sẽ quay trở lại thỏa thuận. Họ có thể quyết định trì hoãn quyết định đối với Trung Quốc để xem liệu Mỹ có thay đổi lộ trình một lần nữa dưới thời chính quyền Biden hay không.

Các nhà kinh tế Canada đã phân tích (trong mình minh họa này) và chỉ ra rằng TPP "độc hại" với nền kinh tế nước này và ảnh hưởng dến việc làm của người lao động. Đây cũng là lý do mà TT Trump đã rút khỏi Hiệp định này ngay sau khi nhậm chức. (Ảnh: Flickr)
Các nhà kinh tế Canada đã phân tích (trong mình minh họa này) và chỉ ra rằng TPP "độc hại" với nền kinh tế nước này và ảnh hưởng dến việc làm của người lao động. Đây cũng là lý do mà TT Trump đã rút khỏi Hiệp định này ngay sau khi nhậm chức. (Ảnh: Flickr)

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc Mỹ quay lại thỏa thuận này là tất yếu. Tổng thống Joe Biden là người ủng hộ TPP, trực tiếp và gián tiếp, bởi đã từng là Phó Tổng thống Mỹ thời ông Obama, giai đoạn mà TPP được định hình với vai trò trụ cột và sự dẫn dắt của Mỹ. Ông Biden từng nói trong một buổi tranh luận ở Detroit với các đối thủ tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ hồi tháng 1/2019 rằng, ông sẽ đàm phán lại TPP nếu trở thành tổng thống, ông nhấn mạnh, hoặc là Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ 21 hoặc là chúng ta sẽ làm điều đó.

Cũng trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, ông Biden nói với trung tâm nghiên cứu Council on Foreign Relations rằng, dù TPP không phải là một hiệp định hoàn hảo, nhưng nó là một phương thức tốt cho các quốc gia cùng tập hợp lại "để kiềm chế sự thái quá của Trung Quốc”.

Như vậy, về logic, truyền thống và uy tín cá nhân, ông đã, đang và sẽ cần tiếp tục bảo vệ những giá trị mà ông đã từng theo đuổi khi còn là Phó Tổng thống. Việc ông không đưa Mỹ quay lại TPP có nghĩa là ít nhiều ông ủng hộ, hay chí ít cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định rút Mỹ khỏi TPP của cựu Tổng thống Trump - đối thủ chính trị số 1 của ông này.

Ngoài ra, CPTPP thực chất là TPP chép lại, chỉ thiếu 20 điều khoản liên quan trực tiếp với Mỹ đang được “treo” và sẽ được khởi động trở lại nếu Mỹ tiếp tục tham gia.

Trần Đức

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc muốn tham gia Hiệp định thương mại vốn được tạo ra để loại trừ Bắc Kinh