Trung Quốc: Nông quản chặt cây, lấp ao cá, hủy hoại sinh kế của nông dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những nỗ lực gia tăng sản lượng ngũ cốc của Bắc Kinh lại đang đè nặng lên cuộc sống của người nông dân. Các nông quản kiêu ngạo và hống hách tàn nhẫn hủy hoại sinh kế và cuộc sống của người dân khu vực nông thôn.

Hàng chục nghìn nhân viên “thực thi pháp luật” do Bắc Kinh phái đi đã tràn xuống các vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc. Họ đang cố gắng bắt nông dân tuân thủ các quy định mới nhất của chính quyền Trung Quốc về mở rộng sản xuất ngũ cốc.

Hơn 2.500 “đội chấp hành luật nông nghiệp” cấp cơ sở đã triển khai việc thực hiện các chỉ thị mới của trung ương về trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng nước, chất lượng và an toàn sản phẩm.

Kết quả là sự hỗn loạn và đau khổ tại khắp nhiều cộng đồng. Các nhân viên quản lý nông thôn, hay còn gọi là “nông quản” (nongguan] theo biệt danh của họ trong tiếng Quan Thoại, trơ tráo gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với những người dân khốn khổ và tài sản của họ vì những vi phạm nhỏ hay thậm chí không tồn tại.

Các video và tài khoản được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy nông quản đào các mầm rau khỏe mạnh lên, ủi vườn, cưa đổ cây ăn quả hoặc vây bắt gia súc, những thứ mà họ cho là vi phạm các chính sách của trung ương.

Một video được đăng vào đầu tháng 4 từ ngoại ô Vận Thành, một thành phố ở miền bắc Trung Quốc, cho thấy một chiếc xe lu có dán biểu ngữ “nghiêm cấm trồng và bán sản phẩm xanh”. Có thể thấy chiếc máy này đang nghiền nát một túi táo tàu mùa đông.

Trong một đoạn video được quay ở Lạc Bình, miền đông Trung Quốc, một người phụ nữ cay đắng mô tả việc nông quản quyết định san bằng rừng tre mà bà dày công trồng trọt và biến nó thành đất nông nghiệp. Những người khác than thở về việc ao cá của họ bị lấp đi một cách tàn nhẫn và những con ngỗng của họ bị đánh bằng gậy. Một số nông dân cho biết họ buộc phải bán vịt, gà và lợn ngay lập tức, bất kể giá cả.

Dân làng cũng phải trả một khoản phí bổ sung hàng năm là 18 CNY (nhân dân tệ) (2,6 USD) cho “các dịch vụ” của nhân viên chính phủ, theo người dùng Internet Trung Quốc. Hàng trăm triệu người Trung Quốc sống với mức dưới 500 CNY (khoảng 80 USD) một tháng.

Ở những nơi khác, người dân nông thôn Trung Quốc đã được lệnh chặt phá những khu rừng trước đây được trồng trên đất nông nghiệp theo yêu cầu trước đó của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm cải thiện môi trường và chuyển chúng thành đất sản xuất ngũ cốc.

Ngay cả một phần của Vành đai xanh, một công viên sinh thái dài 60 dặm ở đô thị Thành Đô, phía tây nam Trung Quốc, cũng đang được đào lên để phục vụ nông nghiệp. Được xây dựng với chi phí 34 tỷ CNY (khoảng 4,9 tỷ USD) từ năm 2003 đến 2017, Vành đai xanh là một điểm thu hút khách phổ biến và nổi tiếng trong thành phố.

Nông quản

Trung Quốc: Nông quản chặt cây, lấp ao cá, hủy hoại sinh kế của nông dân
Một nông dân cấy hoa trên cánh đồng ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc vào ngày 21/03/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Sự kết hợp của lũ lụt, hạn hán chưa từng có và việc chiếm đoạt đất đai màu mỡ để thúc đẩy sự phát triển bất động sản quá mức của Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng của đất nước. Ngoài ra, với việc quốc tế đang quay lưng lại với Trung Quốc, Bắc Kinh đặt hy vọng có thể tự túc được 90% ngũ cốc giữa lúc các dự báo về an ninh lương thực của Trung Quốc đang mờ mịt.

Vào tháng 2, Hội đồng Nhà nước, cơ quan giống như nội các của Trung Quốc, đã công bố “Tài liệu số 1”, kêu gọi đảm bảo “sản xuất và cung cấp ổn định ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng”, cũng như yêu cầu nông dân Trung Quốc đáp ứng hạn ngạch 650 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay.

Mặc dù Trung Quốc có diện tích gần bằng Mỹ, nhưng nước này có hơn 1 tỷ người so với 330 triệu người Mỹ. Hơn nữa, theo trang tin tài chính Trung Quốc Economic Daily, nước này chỉ có 316 triệu mẫu [mẫu Anh] đất canh tác vào năm 2019, trong khi Mỹ tự hào có 893 triệu mẫu - nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên trái đất.

Economic Daily lưu ý thêm rằng, năng lực nông nghiệp của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm và đến năm 2032, nó sẽ giảm xuống dưới “lằn ranh đỏ” là 1,8 tỷ mu (khoảng 296 triệu mẫu).

Bà Cao Yaxue, biên tập viên của trang web nhân quyền China Change, nói với The Epoch Times rằng, với nỗi lo lắng về sản xuất ngũ cốc, “chính quyền độc tài ở Bắc Kinh biết rằng chỉ ban hành các sắc lệnh bằng văn bản là không đủ. Nó phải thực hiện các yêu cầu của mình thông qua vũ lực”.

Các nhân viên được giao nhiệm vụ thực hiện các chỉ thị của ĐCSTQ về tối đa hóa sản lượng ngũ cốc là một phần của Nhóm Thực thi Luật Nông nghiệp Toàn diện (CALET), một chương trình được thành lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn sau các cải cách thể chế của ĐCSTQ và nhà nước được công bố vào năm 2018. Theo thống kê nhà nước, hiện có trên 80.000 cán bộ thuộc 2.564 đội cưỡng chế thực thi pháp luật.

Cư dân mạng Trung Quốc nhanh chóng đặt biệt danh cho các đội thực thi quản lý nông thôn là nông quản, giống như việc tên các quan chức hành chính và thực thi pháp luật đô thị khét tiếng được gọi là “thành quản” [chengguan] hay “nhà quản lý đô thị”. Các quan chức này được biết đến với hành vi cưỡng chế và bạo lực, khủng bố các hộ kinh doanh ven đường và những cư dân khác, thường là những người có thu nhập thấp, trên đường phố của các thành phố Trung Quốc.

Giống như các thành quản ác độc, nhân viên CALET cũng tiến hành dạy dỗ người dân nông thôn về những hành vi được cho là vi phạm trật tự công cộng và mỹ quan, đồng thời thực hiện lạm dụng quyền lực. Một số nông dân cho biết họ đã được lệnh không được trồng các loại cây chuyển sang màu vàng vào mùa thu gần ao vì chúng “trông không đẹp mắt”. Những người khác được cảnh báo không nên phơi quần áo trong sân của họ; và một số nông quản được cho là đã lấy gia cầm “lậu” của dân làng.

Bản thân các nhân viên CALET dường như nhận thức được những gì người khác đánh giá về của họ. Trong một video, một người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát màu đen tuyên bố: “Cái gì [nhân viên] quản lý giao thông không kiểm soát được thì chúng tôi kiểm soát; những gì thành quản không thể kiểm soát, chúng tôi cũng kiểm soát. Chúng tôi nông quản được trao quyền từ cấp trên, chúng tôi hành động trước, đặt câu hỏi sau”.

Một video khác cho thấy các nông quản cầm xẻng, dường như đang hướng dẫn nông dân cách xới đất đúng đắn.

Trung Quốc: Nông quản chặt cây, lấp ao cá, hủy hoại sinh kế của nông dân
Nông dân ở Dương Châu, Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 06/06/2018. (Ảnh: VCG/VCG qua Getty Images)

Kiểm soát một cách hà khắc

Vào ngày 15/04, Bộ nông nghiệp đã đăng một bài báo hỏi và trả lời giữa các nhà báo và một “người phụ trách có liên quan” tại bộ phận luật và quy định của Bộ này.

Trong phiên hỏi đáp, quan chức này đã giải thích cách thức CALET được thành lập phù hợp với các yêu cầu được đưa ra tại Hội nghị lần thứ ba của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 19 vào tháng 03/2018. Ban lãnh đạo Đảng vào thời điểm đó đã ủy quyền thành lập năm loại “đội thực thi pháp luật” chịu trách nhiệm về nông nghiệp và bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, văn hóa và thị trường.

Quan chức này nói thêm rằng nhiệm vụ của các nhân viên CALET là trấn áp gian lận và các hoạt động bất hợp pháp khác ở nông thôn, chứ không phải “can thiệp vào hoạt động sản xuất và sinh kế bình thường của nông dân”.

Tuy nhiên, tầm nhìn hạn hẹp của ĐCSTQ về việc tối đa hóa sản lượng ngũ cốc bằng mọi giá, cùng với văn hóa chính trị trong các chiến dịch quần chúng mạnh tay và sâu rộng, khiến việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra của Bộ Nông nghiệp không diễn ra một cách suôn sẻ và nhân đạo.

Theo ông Wang He, một nhà bình luận chính trị người Trung Quốc và là người viết bài cho phiên bản tiếng Trung của The Epoch Times, sự kiêu ngạo khi các quan chức “quản lý nông thôn” phô trương địa vị “được trao quyền” của họ cho thấy rằng họ thực sự hoạt động với sự ủng hộ của cấp cao.

Ông Wang lưu ý trong một bài phân tích ngày 27/04 rằng vào năm 2021, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra chỉ thị rõ ràng rằng “các cấp ủy đảng địa phương và chính quyền các cấp phải gánh vác trách nhiệm chính trị đối với an ninh lương thực".

Năm nay, các hướng dẫn dành cho các quan chức ĐCSTQ địa phương thậm chí còn trở nên nghiêm ngặt hơn. Vào tháng 3, Bộ Nông nghiệp đã ban hành lệnh huy động tới các đơn vị CALET trên toàn quốc, thứ theo sau “các biện pháp thực thi pháp luật hành chính toàn diện đối với nông nghiệp” vào ngày 01/01 của Bộ.

Các khuyến khích kinh tế cơ bản dành cho nông dân lại mâu thuẫn với các chính sách của ĐCSTQ. Theo đó, tất cả đất nông nghiệp là tài sản công, chỉ được sử dụng chứ không phải sở hữu bởi khoảng 400 triệu nông dân Trung Quốc.

Nông nghiệp, và đặc biệt là trồng trọt ngũ cốc, cực kỳ không sinh lời ở Trung Quốc. Nông dân phải chịu gánh nặng từ các quy định và biểu phí phức tạp khác nhau. Họ cũng thường là nạn nhân của những vụ tham nhũng trắng trợn.

Bà Cao, biên tập viên China Change cho biết: “Nông dân thiếu đi cơ hội tạo thu nhập". “Điều này là do nhà nước duy trì độc quyền đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp chính”.

Bà ấy chỉ ra trường hợp của ông trùm nông nghiệp độc lập Sun Dawu - người đã bị kết án 18 năm tù vào năm 2021 - như một ví dụ về cách các chính sách nông thôn của ĐCSTQ thực sự đã phá hủy mơ ước về một ngành nông nghiệp thành công tại Trung Quốc. Các chính sách khác xa với việc “làm sống lại nông thôn và hiện đại hóa nông nghiệp một cách toàn diện”, như Bộ nông nghiệp tuyên bố.

Ông Sun là người ủng hộ cải cách nông thôn, cho phép nông dân vừa sản xuất vừa tiếp thị sản phẩm của họ, điều mà hệ thống độc quyền nhà nước ngăn cấm.

Câu chuyện thành công trị giá hàng tỷ CNY của ông Sun được xây dựng từ số 0 với những người họ hàng từng là nghèo khó của ông. Tuy nhiên, câu chuyện đó sẽ không bao giờ thuyết phục được chính quyền xem xét lại cách làm của họ, bà Cao nhận xét trong một bài báo ngày 30/04.

Bà viết: “Có một điều mà ĐCSTQ sẽ không bao giờ cho phép nông dân có được đó là quyền kiểm soát hoàn toàn hoạt động sản xuất của họ".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Nông quản chặt cây, lấp ao cá, hủy hoại sinh kế của nông dân