Trung Quốc quân sự hóa ngành chip, OPPO đóng cửa ZEKU

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đằng sau việc OPPO đóng cửa bộ phận chip ZEKU là xu hướng quân sự hóa ngành chip của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó có thể thành công dù có đổ vào bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

Công ty điện thoại thông minh Trung Quốc OPPO đã ra mắt đơn vị chip của mình, ZEKU, vào năm 2019 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đẩy mạnh chiến dịch quốc gia về nghiên cứu và phát triển (R&D) chip bán dẫn độc lập.

4 năm sau, bong bóng chip của Trung Quốc cuối cùng cũng vỡ khi OPPO đột ngột đóng cửa ZEKU. Người ta tin rằng nhiều nhà phát triển bán dẫn Trung Quốc sẽ sớm nối gót OPPO.

Các chuyên gia phân tích rằng quyết định của OPPO có liên quan rất lớn đến việc Tập Cận Bình thăng chức cho các quan chức quân sự trong hệ thống quyền lực của ĐCSTQ.

Bong bóng chip

Khi OPPO tham gia vào R&D chip, Trung Quốc đang trong cơn sốt chip nhằm phát triển các công nghệ quan trọng vốn phải chịu lệnh trừng phạt quốc tế. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa sẽ đảm bảo về tài chính, ưu đãi thuế và chính sách cho lĩnh vực này.

Vào tháng 05/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức đưa Huawei và 68 đơn vị liên kết của Huawei vào “danh sách thực thể” của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), cấm công ty có trụ sở tại Trung Quốc mua linh kiện từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.

Lệnh trừng phạt thực sự đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh của Huawei khi gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc mất đi khả năng tiếp cận nguồn cung cấp chip tiên tiến.

Sau đó, các doanh nghiệp tư nhân với mọi quy mô trong ngành CNTT, bao gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đều chuyển sang hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền Trung Quốc và tham gia làn sóng chế tạo chip do Trung Quốc sản xuất, theo ông Wang Guo-Chen, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-hua có trụ sở tại Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Wang nói rằng R&D chip của Trung Quốc hiện đã bước sang giai đoạn thứ hai, được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp quân sự. Vì vậy việc OPPO chấm dứt hoạt động kinh doanh chip là điều không thể tránh khỏi. Ông nói: “Đó là một chiến dịch quốc gia mới, việc tổ chức lại hệ thống phân cấp chính trị gần đây với một số lượng đáng kể nhân sự từ ngành công nghiệp quân sự đã cho thấy dấu hiệu [của điều này]".

Trung Quốc quân sự hóa ngành chip, OPPO đóng cửa ZEKU
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) được Chủ tịch Nhậm Chính Phi dẫn đi thăm văn phòng của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tại London, Anh Quốc, trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông vào ngày 21/10/2015. (Ảnh: Matthew Lloyd/AFP qua Getty Images)

Vào ngày 12/03, ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh đã giới thiệu hai Phó thủ tướng mới tại Hội đồng Nhà nước, những người có kinh nghiệm trong các doanh nghiệp quân sự.

Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung, 61 tuổi, có bằng về thiết kế và sản xuất cầu chì cho các hệ thống pháo binh, và Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh, 59 tuổi, được đào tạo tại Khoa Pháo binh của Học viện Kỹ thuật Hoa Đông.

Chuyển hướng sang quân sự

Vào tháng 04/2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ quá trình chuyển đổi quốc gia hướng đến công nghệ thông tin và việc phát triển chuỗi công nghiệp tiên tiến.

Các tập đoàn công nghiệp quân sự lớn thuộc sở hữu nhà nước bao gồm Công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc, Công ty khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, Công ty khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc, Công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc và Công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc.

Ông Wang cho biết, tuyên bố của Hội đồng Nhà nước cung cấp bối cảnh để giải thích cho sự phối hợp tại Trung Quốc giữa ngành công nghiệp quân sự và các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước, cũng như sự kết hợp với các phòng thí nghiệm quốc gia về R&D chip.

Theo ông Wang, Trung Quốc đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển chip mới tập trung vào ngành công nghiệp quân sự này kể từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và giai đoạn này đã diễn ra được vài năm.

“Đó sẽ là vấn đề cạnh tranh nội bộ giữa các cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip của chính họ”, ông nói, và vai trò R&D chip quân sự ngày càng tăng đã che mờ giá trị của khu vực tư nhân đối với Bắc Kinh. “Đây là một trong những lý do khiến OPPO đóng cửa bộ phận chip của mình”, ông Wang nói.

Vào tháng 1, có thông tin cho rằng Bắc Kinh đang tạm dừng một khoản đầu tư lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp chip tự lực của mình do các hạn chế cực đoan về COVID đang gây căng thẳng cho nền tài chính quốc gia.

Theo Bloomberg, ĐCSTQ đã bắt đầu tìm kiếm một cách tiếp cận thay thế để đạt được mục tiêu phát triển chip trong nước, vì các khoản trợ cấp tốn kém cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc “cho đến nay vẫn mang lại ít kết quả và khuyến khích cả hành vi hối lộ và các lệnh trừng phạt của Mỹ”.

Không thể thành công dù rót nhiều tiền

Ông Tsung-Nan Lin, giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Điện, Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết, động thái phát triển chip của OPPO là một quyết định vội vàng.

Ông lấy ví dụ về lệnh cấm xuất khẩu các công cụ phần mềm EDA (Tự động hóa thiết kế điện tử) của Mỹ. Ông cho biết lệnh cấm sẽ không đặt dấu chấm hết cho sự phát triển mạch tích hợp (IC) hay hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của OPPO, nhưng công ty đã không nhận ra rằng việc tạo ra con chip cạnh tranh của riêng mình không phải là điều có thể đạt được chỉ bằng cách rót tiền.

Vào tháng 08/2022, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã công bố lệnh cấm mới đối với việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc, bao gồm cả phần mềm EDA để sản xuất chip 3 nanomet trở lên.

Ông Brad Liao, một nhà thiết kế vi mạch cấp cao làm việc tại Đài Loan, cho biết, mảng kinh doanh chất bán dẫn HiSilicon của Huawei hoạt động chủ yếu nhờ tiền từ ĐCSTQ, vốn đã trợ cấp cho nỗ lực phát triển chip cốt lõi của công ty. Nhưng đối với một công ty tư nhân như OPPO, để duy trì khả năng cạnh tranh của điện thoại thông minh, việc mua chip hạng nhất sẽ là một quyết định kinh doanh khôn ngoan hơn là tự sản xuất chip của riêng mình, ông Liao nói.

Năm 2020, Lầu Năm Góc liệt kê Huawei là một trong “các công ty quân sự của Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ”.

Kể từ đó, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng khuyến khích các công ty Trung Quốc phát triển chip. Hồ sơ công khai cho thấy ít nhất 45.300 công ty Trung Quốc chuyên sản xuất hoặc thiết kế chip đã được đăng ký kể từ ngày 20/07/2020; gần 10.000 công ty bán dẫn ở Trung Quốc sau đó đã đóng cửa vì thiếu chuyên môn, nhân tài và cơ sở vật chất. Chỉ riêng trong năm 2022, đã có 5.746 công ty như vậy xin hủy đăng ký.

Giáo sư Lin tin rằng, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc sẽ dần dần biến thành một hệ thống lưu thông nội bộ. Hệ thống này sẽ có thể đạt được tự cung tự cấp đối với mảng chip cấp thấp. Đây là lĩnh vực mà công nghệ và bí quyết đã chín muồi và vẫn còn một thị trường nội địa khổng lồ.

Tuy nhiên, “Sẽ khá khó khăn để đẩy mạnh thiết kế chip thế hệ mới”, ông nói.

Ông Chin-Ho Hsieh, người sáng lập tạp chí Business Today, cho biết ngành công nghiệp bán dẫn chỉ có thể phát triển, được nuôi dưỡng và thành công khi sự đổi mới được hỗ trợ bởi sự phối hợp quốc tế, tính dân chủ và việc chấp nhận thất bại trong R&D.

Ông nói, đổi mới công nghệ dẫn đến sự phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, ĐCSTQ lãnh đạo mọi thứ ở Trung Quốc. Ông nói, dưới một hệ thống mà trong đó, ĐCSTQ dẫn dắt về công nghệ như vậy, thì "nó sẽ không thành công cho dù có bơm bao nhiêu tiền đi chăng nữa".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc quân sự hóa ngành chip, OPPO đóng cửa ZEKU