Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng nhờ bán lại khí đốt Nga cho một châu Âu 'khát' năng lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Châu Âu có thể trở nên phụ thuộc vào lượng khí đốt Trung Quốc bán lại sau khi mua rẻ từ Nga. Tận dụng lợi thế từ việc Nga đang tuyệt vọng tìm kiếm thị trường mới, và việc châu Âu đang chìm trong khủng hoảng năng lượng do các lệnh trừng phạt xuất phát từ cuộc chiến Nga - Ukraine, Trung Quốc đang tăng cường đòn bẩy chiến lược của mình trước Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác năng lượng

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang bán lại năng lượng mua từ Nga cho châu Âu nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình.

Kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi đầu tháng 9, một loạt động thái cho thấy Bắc Kinh và Moscow đã tăng cường hợp tác về năng lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak xác nhận với đài truyền hình Nga RossiyA-1 vào ngày 15/09 rằng đường ống dẫn khí đốt Force Siberia 2 đến Trung Quốc sẽ thay thế đường ống Nord Stream 2 đến châu Âu, vốn đã bị ngừng hoạt động trong chiến tranh Nga-Ukraine, và cung cấp 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm đến Trung Quốc. Con số này gần bằng 55 tỷ mét khối công suất hàng năm của Nord Stream 2 và Nord Stream 1. Việc xây dựng đường ống mới sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Công suất hàng năm của đường ống Force Siberia 1 từ vùng Viễn Đông Nga đến Trung Quốc, được đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, cũng sẽ được tăng lên 20 tỷ mét khối trong năm nay và lên 61 tỷ mét khối vào năm 2025.

Đến lúc đó, tổng công suất hàng năm của hai đường ống tới Trung Quốc - 111 tỷ mét khối - sẽ tương đương với công suất kết hợp của hai đường ống tới châu Âu - 110 tỷ mét khối - và đường ống mới đến Trung Quốc sẽ được tích hợp vào mạng lưới khí đốt nội địa của Nga, cho phép lượng khí đốt ban đầu dành cho châu Âu được chuyển hướng sang Trung Quốc.

Tuyến đường này, cùng với đường ống Nord Stream hiện có, sẽ tăng gấp đôi công suất xuất khẩu hàng năm lên 110 tỷ mét khối, chiếm khoảng một nửa tổng lượng khí đốt xuất khẩu hàng năm của Nga sang châu Âu.

Chỉ hai tuần trước đó, Nga đã đình chỉ vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 ở châu Âu vào ngày 02/09. Vào ngày 22/02, hai ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine, Đức đã đình chỉ quy trình phê duyệt đường ống Nord Stream 2 do căng thẳng với Nga.

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng nhờ bán lại khí đốt Nga cho một châu Âu 'khát năng lượng'
Khí đốt thoát ra từ một vết rò rỉ trên đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Biển Baltic vào ngày 27/09/2022. (Ảnh: Cảnh sát bờ biển Thụy Điển qua Getty Images)

Ngoài ra, hai công ty quốc doanh của hai nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Gazprom, đã thông báo vào ngày 07/09 rằng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc sẽ được thanh toán một nửa bằng CNY (đồng nhân dân tệ) và một nửa bằng RUB (đồng rúp Nga).

Động thái này tránh sử dụng USD và EUR, do đó giảm thiểu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga trong khi cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tránh được các lệnh trừng phạt thứ cấp.

ĐCSTQ bán lại khí đốt nhằm tạo ảnh hưởng tới châu Âu

Doanh số bán khí đốt của Nga qua đường ống dẫn sang Trung Quốc đã tăng gần 65% trong nửa đầu năm 2022 so với năm 2021. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, chi tiêu của Trung Quốc cho nhập khẩu năng lượng từ Nga đã tăng lên 35 tỷ USD từ 20 tỷ USD một năm trước, theo Bloomberg.

Trong khi đó, trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc cũng đạt mức kỷ lục, với các công ty Trung Quốc đã bán 4 triệu tấn LNG trên thị trường quốc tế, tương đương với khoảng 7% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu vào nửa đầu năm 2022.

Jovo, một công ty kinh doanh LNG của Trung Quốc, cho biết họ đã bán lại một hợp đồng LNG cho một bên mua châu Âu. Tờ Nikkei dẫn lời một nhà giao dịch kỳ hạn ở Thượng Hải cho biết lợi nhuận từ giao dịch như vậy có thể lên tới 100 triệu USD.

Sinopec, công ty năng lượng quốc doanh của Trung Quốc, cũng cho biết họ đã chuyển LNG “dư thừa” ra thị trường quốc tế. Công ty đã bán 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã xuất khẩu 164 triệu USD LNG sang châu Âu và 284 triệu USD sang các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đang tham gia lệnh cấm vận năng lượng chống lại Nga. Năm 2021, Trung Quốc chỉ xuất khẩu khoảng 7 triệu USD LNG. Ngay cả khi giả định giá tăng gấp 10 lần, sự gia tăng xuất khẩu khí đốt của Trung Quốc vẫn rất lớn.

Theo ông Wang Yongzhong, Giám đốc Nghiên cứu hàng hóa quốc tế tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, bị hạn chế bởi giao thông và cơ sở hạ tầng như đường ống và trạm tiếp nhận, rất khó để châu Âu nhập khẩu một lượng lớn LNG trong ngắn hạn từ các nước như Mỹ, Úc và Qatar.

Truyền thông Trung Quốc cho biết vào ngày 02/09 rằng các tàu chuyên chở LNG đã trở thành một "nút thắt cổ chai" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu và rằng Trung Quốc có khoảng 100 tàu LNG để xuất khẩu.

Dòng khí đốt của Nga qua các đường ống đến châu Âu đã giảm xuống dưới 20% và tiếp tục giảm. Đến tháng 01/2023, nó có thể dừng hoàn toàn.

Theo nền tảng thông tin năng lượng của Liên minh châu Âu, AGSI, châu Âu đã có được hơn 91% trữ lượng khí đốt tự nhiên tính đến ngày 24/09. Con số này sớm hơn mức 80% dự kiến ​​vào tháng 11 và phụ thuộc một phần vào xuất khẩu LNG của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối mặt với một mùa đông lạnh giá phía trước, châu Âu vẫn cần mua LNG trên thị trường giao ngay để có thể tách rời khí đốt của Nga, ngay cả khi họ phải trả thêm tiền.

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng nhờ bán lại khí đốt Nga cho một châu Âu 'khát năng lượng'
Một điểm tiếp nhận kết nối các trạm nổi cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang được xây dựng vào ngày 08/07/2022 gần Wilhelmshaven, Đức. Điểm tiếp nhận mới, dự kiến ​​hoàn thành vào cuối năm nay, sẽ cho phép Đức nhập khẩu LNG bằng tàu từ các nước bao gồm Mỹ và Qatar để giảm sự phụ thuộc của Đức vào nhập khẩu khí đốt từ Nga. (Ảnh: David Hecker / Getty Images)

Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư tiếp thị tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, cho biết châu Âu có thể trở nên phụ thuộc vào ĐCSTQ về năng lượng để xa rời nguồn cung năng lượng của Nga.

“Nó đột nhiên mang lại cho ĐCSTQ đòn bẩy mới”, ông nói với The Epoch Times. "ĐCSTQ hiện có năng lực, và khả năng, để cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để đáp ứng các yêu cầu của Nga".

Ngư ông đắc lợi

Nga đã hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây vì chiếm Crimea vào tháng 05/2014. Sau đó, CNPC và Gazprom đã ký một thỏa thuận kéo dài 30 năm trị giá 400 tỷ USD, bao gồm cả việc xây dựng đường ống Force Siberia 1. Hoàn thành vào năm 2019, đường ống sẽ nâng công suất lên 20 tỷ mét khối vào năm 2022.

Theo báo chí Trung Quốc, các công ty năng lượng Trung Quốc đã kiếm được khoản chênh lệch bằng cách bán lại LNG “dư thừa” trên thị trường quốc tế. Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu khí đốt tự nhiên đường ống từ Nga đã tăng 63,4% so với một năm trước đó, dẫn đến tình trạng dư thừa khí đốt hóa lỏng.

Giáo sư Tạ Điền cho biết nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc và mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn đã tạo điều kiện cho các công ty năng lượng Trung Quốc bán lại khí đốt giá rẻ nhập khẩu từ Nga.

Dầu là một nguồn năng lượng đang bị thiếu hụt nhiều hơn ở Trung Quốc. Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng dầu kỷ lục từ Nga trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 6.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 9, Ursa Space Systems, một công ty dữ liệu vệ tinh, phát hiện ra rằng tồn kho dầu thô ở Trung Quốc đã giảm thêm 7,5 triệu thùng so với tuần trước, mức giảm thứ 4 trong vòng 5 tuần. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu và thương nhân Trung Quốc đã xin hạn ngạch xuất khẩu thêm 15 triệu tấn.

Trung Quốc cũng tăng mạnh nhập khẩu than từ Nga. Nhập khẩu than của Nga từ Trung Quốc đã tăng lên 8,54 triệu tấn trong tháng trước, tăng 57% so với một năm trước đó.

Ông Li Yanming, một chuyên gia về Trung Quốc làm việc tại Mỹ, tin rằng châu Âu càng khao khát nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc, thì ĐCSTQ càng có khả năng gây ảnh hưởng đến châu Âu.

“Với việc Nga đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và sự cô lập quốc tế ngày càng tăng của ĐCSTQ, Bắc Kinh và Moscow cần phải gắn bó với nhau để chống lại phương Tây”, ông Li nói.

“Nhưng rõ ràng là ĐCSTQ có nhiều lợi ích nhất. Ngoài việc tận dụng lợi thế của việc Nga đang nỗ lực một cách tuyệt vọng để tìm kiếm thị trường mới nhằm chiếm được lượng lớn năng lượng giá rẻ và đảm bảo vị thế của mình trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nước này có thể tránh được các lệnh trừng phạt thứ cấp do vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga".

“Nước này cũng có thể kiếm lợi nhuận từ việc bán lại, khiến châu Âu, nơi đang trong cuộc khủng hoảng năng lượng do các lệnh trừng phạt chống lại Nga, phụ thuộc vào nước này, do đó tăng cường đòn bẩy chiến lược của mình chống lại Mỹ và châu Âu”.

Bảo Nguyên

Theo Jennifer Bateman - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng nhờ bán lại khí đốt Nga cho một châu Âu 'khát' năng lượng