Vì sao Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại ở châu Á?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các mô hình thương mại của Trung Quốc dường như sẽ thay đổi trong vài năm tới khi mà Mỹ và EU đã có những thỏa thuận thúc đẩy việc ‘thoát Trung’. Bắc Kinh đang nỗ lực xúc tiến các hiệp định ở châu Á. Dòng chảy thương mại giữa Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Mỹ và EU gần đây đã hoàn tất một thỏa thuận vượt ra khỏi phạm vi của nỗ lực ‘thoát Trung’, để chuyển sang trạng thái đấu tranh toàn diện đối với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ thuế quan đối với thép và nhôm mà cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt lên EU. Hai bên cùng tham gia vào “một thỏa thuận toàn cầu bền vững về thép và nhôm […] giữa các quốc gia cùng chí hướng”.

Nói theo ngôn ngữ ngoại giao, điều đó thúc đẩy việc loại trừ Trung Quốc. Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis đã nói rõ rằng thỏa thuận sẽ “hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với những bên không tham gia”. Ông Biden còn nói trực tiếp hơn: “Những thỏa thuận này sẽ hạn chế quyền tiếp cận của thép bẩn từ các quốc gia như Trung Quốc và các quốc gia bán phá giá thép đối với thị trường của chúng tôi”.

Trong khi Tòa Bạch Ốc và Brussels đạt được một đồng thuận chống Trung Quốc, Bắc Kinh đã nỗ lực ký kết một số thỏa thuận thương mại hấp dẫn ở châu Á. Cơ sở của các thỏa thuận này được thiết lập vào cuối năm ngoái khi Trung Quốc, cùng 10 thành viên của ASEAN, và cả Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong khuôn khổ RCEP, hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã được thiết lập.

Trước khi ký kết, thương mại giữa các đại gia kinh tế này được thiết lập bởi nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dưới nguyên tắc đó, thương mại giữa những quốc gia này chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong thương mại toàn cầu của họ.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc chỉ chiếm 23% lượng hàng nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc; trong khi Nhật Bản chiếm 22% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc và 25% của Hàn Quốc.

Khi các quy tắc của hiệp định mới hồi năm ngoái được áp dụng, Trung Quốc đã cam kết cắt giảm đáng kể thuế quan đối với các sản phẩm của Nhật Bản. 7,8% hàng hóa Nhật Bản chảy vào Trung Quốc được miễn thuế hoàn toàn. Về phía mình, Nhật Bản cởi mở hơn, cho phép miễn thuế khoảng 60% sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhưng giờ đây, cả hai nước thậm chí còn cam kết cắt giảm nhiều thuế quan hơn. Cuối cùng, khoảng 85% sản phẩm của Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ được miễn thuế; trong khi 88% sản phẩm của Trung Quốc vào Nhật Bản được miễn thuế. Các sản phẩm này bao gồm khoáng sản, dệt may, hóa chất, và kim loại từ Nhật Bản; và nhựa, sản phẩm làm từ cao su, dệt may, và hóa chất từ ​​Trung Quốc. Các thỏa thuận tương tự đã được thực hiện giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Hàn Quốc và Trung Quốc.

Do đó, thương mại nội trong châu Á sẽ mở rộng, có lẽ đủ để thay thế những gì Trung Quốc mất mát ở phương Tây. Nhưng vẫn chưa có thông tin nào về kết quả của các chính sách. Những thỏa thuận này đòi hỏi sự điều chỉnh dần dần. Việc cắt giảm thuế quan sẽ diễn ra theo giai đoạn, cụ thể là vào năm thứ 11, 16, và 21 kể từ khi các thỏa thuận RCEP có hiệu lực. Đó là một khoảng thời gian dài và để lại nhiều dư địa cho việc điều chỉnh và đàm phán lại trước khi các nước này đạt được bất kỳ mục tiêu tham vọng nào của hiệp định.

Với nỗ lực rõ ràng của phương Tây trong vấn đề ‘thoát Trung’, thương mại của Trung Quốc trong tương lai sẽ hướng sang châu Á.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại ở châu Á?