Trung Quốc tích trữ và buôn lậu chip khiến thị trường toàn cầu khan hiếm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang có lợi thế tạm thời nhờ buôn lậu và tích trữ vi mạch công nghệ cao (chip); qua đó gây hại cho ngành sản xuất ô tô toàn cầu và tạo ra khan hiếm trên toàn thế giới về chip. Quả là một chiêu cạnh tranh rất không lành mạnh! Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào chip nhập khẩu có thể gây "nguy hiểm" cho ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế Trung Quốc.

Hôm 23/11, Tân Hoa Xã đưa tin, chip ô tô sản xuất trong nước của Trung Quốc chủ yếu được sử dụng trong các bộ phận xe ít phức tạp hơn như thiết bị điện tử thân xe; trong khi nước này phải nhập khẩu các chip công nghệ cao sử dụng trong các tính năng phức tạp như hệ thống điều khiển ổn định điện tử, mạng giao tiếp trên ô tô, và hệ thống hỗ trợ người lái công nghệ cao.

Theo Tân Hoa Xã, “sự phụ thuộc quá nhiều vào các kênh nhập khẩu [đối với chip công nghệ cao] có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế” Trung Quốc.

Trong Diễn đàn Ô tô Trung Quốc năm 2021 được tổ chức vào tháng 6, kỹ sư trưởng Ye Shengji của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết khả năng tự cung tự cấp của Trung Quốc đối với chip mới chỉ đáp ứng khoảng 15% tổng cầu của thị trường trong nước, trong đó chip ô tô mới đáp ứng chưa đến 5% nhu cầu.

Một báo cáo gần đây về ngành công nghiệp ô tô của công ty nghiên cứu thị trường EMIS cho thấy doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện của Trung Quốc trong quý II/2021 đã tăng 183,8% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số bán xe hybrid cũng tăng 99,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi thị trường xe điện mới của nước này mở rộng, nhu cầu về chip ô tô công nghệ cao tiếp tục tăng.

Theo dữ liệu chính thức được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 07/12, nhập khẩu hàng hóa liên quan đến chất bán dẫn trong tháng 11 đã tăng 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tích trữ chip

“Các nhà phân phối [Trung Quốc] đang tích trữ chip vì các lý do liên quan đến giá bán. Chip hiện có thể được mua trên nhiều nền tảng thương mại trực tuyến ở Trung Quốc", Phó Chủ nhiệm hiệp hội CAAM, ông Li Shaohua, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí China Auto Pictorial hồi tháng 4. “Trong những tháng tới, việc sản xuất và bán xe hơi sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung chip”, ông Li nói với tờ Securities Daily có trụ sở tại Bắc Kinh vào ngày 10/09/2021.

Theo National Business Daily, một tờ báo được Bắc Kinh kiểm soát, một khi nhà phân phối chip phát hiện ra họ có vị thế độc quyền tạm thời đối với một loại chip cụ thể, họ sẽ ngay lập tức ngừng vận chuyển, tích trữ và chờ đợi để bán chip với giá tốt hơn. Điều này rất phổ biến ở Trung Quốc, là nguyên nhân phá vỡ thị trường chip trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trung tâm Đổi mới Công nghệ Phương tiện Năng lượng Mới Quốc gia của Trung Quốc, ông Yuan Chengyin, lại tin rằng tích trữ chip không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu chip nói chung. Ông Yuan nói thêm: “Mặc dù vậy, việc tích trữ chip trong chuỗi cung ứng vẫn tồn tại ở Trung Quốc”.

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nhà sản xuất chip bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Khách hàng của TSMC bao gồm Apple, Intel, Qualcomm, AMD và Nvidia.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 với Time Magazine, Chủ tịch điều hành TSMC Mark Liu từng đề cập đến việc một bên nào đó trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang tích trữ chip. Ông cho biết trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu, số lượng chip được sử dụng trong sản phẩm ít hơn số lượng chip đầu vào được gửi đến các nhà máy. Điều này có nghĩa là "chắc chắn có ai đó đã tích lũy chip ở khâu nào đó trong chuỗi cung ứng".

“Chúng tôi cũng đang học hỏi bởi vì chúng tôi chưa từng phải đối diện với vấn đề như vậy trước đây”, ông Liu nói. Ông đã yêu cầu nhân viên phân tích các nguồn dữ liệu khác nhau để tìm hiểu xem khách hàng nào thực sự có nhu cầu sử dụng và khách hàng nào đang tích trữ chip.

Buôn lậu chip

Ngoài nạn tích trữ, các vụ buôn lậu chip ở Trung Quốc đã trở nên phổ biến từ đầu những năm 2000.

Năm 2006, chính quyền Thâm Quyến đã bắt quả tang những kẻ buôn lậu di chuyển 120.000 con chip qua các đường hầm dưới lòng đất. Vào tháng 06/2008, chính quyền Quảng Châu đã thu giữ số chip mạch tích hợp trị giá 12,8 triệu USD trong một vụ buôn lậu, theo China Business News.

Các thủ đoạn buôn lậu dường như đã trở nên tinh vi hơn trong những năm gần đây.

Vào tháng 01/2021, chính quyền Quảng Đông đã thu giữ khoảng 1,44 triệu USD hàng hóa liên quan đến chất bán dẫn được buôn lậu từ Hong Kong đến Quảng Đông bằng máy bay không người lái, theo Tân Hoa Xã. Vào tháng 7, hai tài xế xe buýt đã bị bắt quả tang - với những con chip quấn quanh người - khi cố gắng nhập cảnh qua cầu Hong Kong-Chu Hải-Ma Cao, theo National Business Daily.

Cũng có nhiều báo cáo khác về việc buôn lậu chip thông qua các tàu cao tốc chạy giữa các bến cảng ở Thâm Quyến và Hong Kong.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng cao bất chấp suy giảm toàn cầu

Năm 2020, sự thiếu hụt chip ô tô toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến Đức, Nhật Bản và Mỹ, ba cường quốc xuất khẩu ô tô.

Theo số liệu tạm thời phát hành bởi Tổng cục Thống kê Liên bang Đức hôm 29/11, xuất khẩu xe chở khách của Đức đã giảm 17,2% trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hôm 26/11, Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố dữ liệu (pdf) cho thấy xuất khẩu xe có động cơ của nước này trong tháng 10 đã giảm 35,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, xuất khẩu ô tô của Mỹ đã giảm 2% trong tháng 9 và 0,4% trong tháng 10, so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ (pdf) được công bố hôm 24/11.

Bất chấp sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu ô tô trên toàn cầu, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc dường như vẫn tăng trưởng theo chiều hướng tích cực. Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, tổng lượng xe xuất khẩu từ tháng 1 - 11/2021 đã tăng 101,9% và doanh số bán hàng tăng 124,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 10, China Auto Pictorial đã đăng một bài báo cho rằng Trung Quốc có “lợi thế độc nhất” trong xuất khẩu ô tô trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là những lợi thế này có phải là “nhập cảng, tích trữ và buôn lậu” chip? Lợi thế này sẽ kéo dài bao lâu nếu dựa vào các phương pháp này?

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tích trữ và buôn lậu chip khiến thị trường toàn cầu khan hiếm