Trung Quốc tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, các nước láng giềng Đông Nam Á khi căng thẳng với Mỹ gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đã chuyển sang làm lành với Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á khác bằng cách tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và cung cấp viện trợ phục hồi virus corona trong bối cảnh căng thẳng bùng lên với Washington trên Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách xoa dịu một Hà Nội ngày càng thù địch hơn vào hôm thứ Ba (21/7) trong một cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh. Một ngày sau khi Thứ trưởng của ông Vương, La Chiếu Huy, cố gắng trấn an các nước láng giềng Trung Quốc rằng họ muốn hòa bình và ổn định khu vực.

Bắc Kinh cũng cho biết họ đã hoàn tất các cuộc đàm phán hôm thứ Hai (20/7) về hiệp định thương mại tự do với Campuchia, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên và là đối trọng với Việt Nam, đối thủ có tiếng nói mạnh nhất trong khu vực đòi quyền lãnh thổ bị xâm lấn của mình ở Biển Đông. Trong khi hiệp định chủ yếu mang tính biểu tượng với khối lượng thương mại hạn chế, các nhà phân tích nói rằng nó cho thấy rõ chiến lược ve vãn các nước để rời bỏ Hoa Kỳ bằng các ưu đãi kinh tế của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố tuần trước rằng tuyên bố của Bắc Kinh đòi chủ quyền gần 90% Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”, một động thái gây căng thẳng giữa các siêu cường.

“Đối mặt với đại dịch Covid-19, Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cường tình hữu nghị của chúng ta để hỗ trợ lẫn nhau”, ông Vương nói trong cuộc gặp với ông Phạm Bình Minh khi trích dẫn một cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cách đây 6 tháng.

“Cả hai nước chúng ta đã kiểm soát thành công dịch bệnh và chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại”, ông nói.

Ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao và là Phó Thủ tướng Việt Nam, cam kết quyên góp 100.000 USD như là “một bằng chứng thể hiện tình bạn của chúng tôi”, để giúp Trung Quốc chống lại trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã tấn công 27 tỉnh và ảnh hưởng đến hơn 38 triệu người. “Tôi muốn gửi sự đồng cảm chân thành của chúng tôi tới Trung Quốc, nơi đang chống lại các thảm họa thiên tai”, ông nói.

Cuộc họp này được dự kiến sẽ bao gồm nhiều chủ đề, trong đó có các tranh chấp hàng hải gây tranh cãi, theo ông Xu Liping, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. “Sự kiện xảy ra trong bối cảnh các bên liên quan đang gia tăng tranh cãi khi các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và [ASEAN] đang bước vào giai đoạn quan trọng”, ông nói.

Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á đã thảo luận về tài liệu thiết lập quy tắc trong nhiều năm và Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn tất vào năm 2021. Nhưng các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn vì đại dịch virus Corona Vũ Hán và các nước vẫn chia rẽ sâu sắc về cách xác định rõ ràng những yêu sách gây tranh cãi của họ và cách giải quyết tranh chấp trong tương lai.

Không chắc chắn với các cuộc đàm phán này, Việt Nam rất muốn sử dụng vị trí chủ tịch ASEAN của mình năm nay và đường lối cứng rắn hơn của Mỹ trên Biển Đông để chống lại Bắc Kinh, theo ông Xu.

Việt Nam và Trung Quốc thường tuyên bố sẽ gác lại tranh chấp lãnh thổ và bất bình trong lịch sử, nhưng mối quan hệ của 2 nước vẫn còn nhiều căng thẳng đối với việc Hà Nội xoay trục về Washington và các tuyên bố đối đầu của 2 nước về tuyến đường thủy giàu năng lượng. Hà Nội đã cáo buộc Bắc Kinh về “hành vi bắt nạt” trong các vụ tranh chấp trên biển, kể cả vụ việc vào tháng Tư khi một tàu đánh cá của Việt Nam bị một tàu Trung Quốc đâm chìm.

Ông La, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tỏ ra kiên quyết hơn hôm thứ Hai (20/7) khi đả kích lập trường của Washington về tranh chấp Biển Đông và về việc hải quân Mỹ đã gửi hai tàu sân bay qua khu vực này để làm bằng chứng cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng tôi tin rằng các thành viên của ASEAN sẽ có thể nhìn thấy âm mưu chơi quân bài Biển Đông của Mỹ, tiếp tục áp dụng một cách tiếp cận độc lập về chính sách đối ngoại, và hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành sớm bộ luật đàm phán ứng xử”, ông phát biểu trong một cuộc họp với các đại diện của ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Trung Quốc về Biển Đông tại Đại học Nam Kinh cho biết, các nước ASEAN đã bị cuốn vào cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Chúng ta đang chứng kiến ​​những căng thẳng trầm trọng trong khu vực và ưu tiên hàng đầu của chúng ta bây giờ là làm thế nào để quản lý khủng hoảng và ngăn chặn các cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm”, ông chia sẻ.

Thủy Tiên

Theo South China Morning Post



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, các nước láng giềng Đông Nam Á khi căng thẳng với Mỹ gia tăng