Trung Quốc tuyên truyền cắt giảm bất bình đẳng: Nói một đằng, làm một nẻo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cam kết mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm khắc phục “phía tổng cầu” của nền kinh tế đã khiến giới đầu tư và người dân Trung Quốc kỳ vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều chính sách công bằng hơn để kích thích tiêu dùng. Nhưng có vẻ như khẩu hiệu này đi ngược lại hoàn toàn với động thái kiểm soát khu vực tư nhân, thậm chí tư hữu hoá các ông lớn tư nhân mà chính quyền ông Tập đang theo đuổi.

Các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã sử dụng cụm từ “cải cách bên cầu” lần đầu tiên trong tháng cuối cùng của năm 2020, thay vì những thay đổi “bên cung” liên quan đến việc nâng cấp, cắt giảm các ngành công nghiệp có công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và dư cung mà chính quyền tập trung tuyên truyền trong hơn nửa thập kỷ qua.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm nay nhờ hưởng lợi từ sự hỗn loạn từ đại dịch, và sự dịch chuyển có tính toán - gần như ngay lập tức - sang các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị bảo hộ y tế. Khẩu hiệu mới cho thấy chính quyền của ông Tập đang lo lắng về sự phục hồi không đồng đều, trong đó chi tiêu hộ gia đình tụt hậu quá xa so với đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh không nêu chi tiết ý nghĩa của cụm từ này, nhưng các quan chức và các nhà kinh tế đã nhanh chóng đưa ra gợi ý.

Phía tổng cầu nội địa của Trung Quốc là "điểm nghẽn" với chiến lược tăng trưởng “lưu thông kép” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến vào tháng 5/2020. Giải thích một cách đơn giản, tăng trưởng kinh tế theo mô hình lưu thông kép mà Chủ tịch Tập đề cập chính là song song với xuất khẩu hàng hoá Trung Quốc ra thế giới thì kích thích tiêu dùng trong nước - sẽ tạo ra nền tảng tăng trưởng bền vững hơn.

Tuy nhiên, điểm nghẽn của mô hình này với Trung Quốc chính là phía tổng cầu của nền kinh tế không mạnh như vẻ bề ngoài của nó, chủ yếu là do bất công bằng trong phân phối thu nhập. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trong một cuộc họp báo trong năm 2020 rằng 600 triệu trong số 1,4 tỷ cư dân Trung Quốc sống với thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 NDT (tương đương 146 USD).

Cao Dewang, một doanh nhân và là chủ tịch của một trong những nhà sản xuất kính lớn nhất trên thế giới. Ông đã trở nên nổi tiếng quốc tế sau khi xuất hiện trong bộ phim tài liệu American Factory và nói rằng từ 900 triệu đến 1 tỷ người Trung Quốc “không có quyền tiêu dùng”. Đoạn clip đã được lan truyền rộng rãi trên mạng ở Trung Quốc.

Phân phối lại thu nhập

Thuật ngữ “bên cầu” được sử dụng để chỉ đầu tư, chi tiêu tiêu dùng và bất kỳ thặng dư thương mại nào. Bắc Kinh đã chuyển sang đầu tư để thay thế xuất khẩu như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi các đơn đặt hàng ở nước ngoài chậm lại, và từ đó phải vật lộn để “tái cân bằng” nhu cầu đối với chi tiêu của người tiêu dùng.

Các nhà kinh tế đổ lỗi cho sự mất cân bằng đó là do một số yếu tố, bao gồm bất bình đẳng về thu nhập - có nghĩa là thu nhập dồn cho các hộ gia đình giàu hơn, những người ít có khả năng chi tiêu hơn và tỷ lệ GDP tương đối cao được trả như lợi nhuận cho chủ sở hữu vốn thay vì tiền lương cho người lao động.

Các quan chức hàng đầu bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã thu hút sự chú ý đến những vấn đề đó trong năm nay. Trong một bài phát biểu được công bố vào tháng 8/2020, ông Tập đã nói về tỷ lệ tiền lương thấp trong GDP và “những vấn đề còn tồn tại trong phân phối thu nhập”; đồng thời trích dẫn “Tư bản trong thế kỷ 21” của nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty cho thấy tác hại của bất bình đẳng. Ông Lưu đã kêu gọi cải thiện cơ chế để tăng lương.

Công nhân từ hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com của Trung Quốc chuẩn bị bưu kiện để giao hàng tại trung tâm hậu cần chính của công ty trong chuyến tham quan có tổ chức cho Ngày Độc thân vào ngày 11 tháng 11 năm 2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lễ hội mua sắm trực tuyến, được gọi là Ngày độc thân hoặc Ngày nhân đôi 11, là sự kiện bán lẻ lớn nhất thế giới và diễn ra sau một thời gian ảnh hưởng đại dịch COVID-19, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà kinh tế học dự báo cách mà Trung Quốc sẽ làm

“Trong ngắn hạn, mục tiêu có thể sẽ là thúc đẩy nhu cầu trong nước với tiêu dùng và đầu tư công. Các chính sách dài hạn sẽ nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu trong tiêu dùng hộ gia đình sang các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn” theo chia sẻ của nhà kinh tế David Qu.

Sau cuộc họp lập kế hoạch kinh tế thường niên vào tháng cuối cùng của năm 2020, chính quyền Trung Quốc hứa sẽ “tối ưu hóa cơ cấu thu nhập và mở rộng nhóm thu nhập trung bình”. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã đưa mục tiêu phân phối thu nhập “công bằng” trong kế hoạch 5 năm tới, bao gồm cả việc “điều chỉnh thu nhập quá cao”.

Một số nhà kinh tế làm việc cho Bắc Kinh cho biết rằng mục tiêu tái cơ cấu lại thu nhập sẽ đòi hỏi sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ thông qua thuế. “Khi một quốc gia có mức thu nhập cao hơn, chính phủ sẽ tăng cường các nỗ lực phân phối lại thu nhập với các khoản thanh toán thuế và chuyển nhượng”, theo một bài phát biểu vào tháng 8/2020 của Cai Fang - phó chủ tịch tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Các biện pháp cụ thể có thể bao gồm tăng thuế thu nhập đối với những người giàu nhất, cung cấp các khoản tín dụng thuế thu nhập cho những người có thu nhập thấp hơn, đánh thuế đối với của cải như tài sản, và thu phí lãi vốn đối với các giao dịch tài chính, hầu hết các giao dịch này đều được miễn thuế.

“Tôi nghĩ rằng thuế thu nhập đã khá lũy tiến. Chìa khóa là thuế thu nhập từ vốn”, Gan Li, giám đốc Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu về Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc tại Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam Trung Quốc, cho biết.

Phúc lợi xã hội

Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ giảm khoảng cách lớn về chất lượng và mức độ bao phủ của các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và giáo dục giữa các khu vực khác nhau. Chuyển chi tiêu của chính phủ sang các dịch vụ như vậy có thể khuyến khích các hộ gia đình tiết kiệm ít hơn thu nhập của họ và chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ.

“Chi tiêu cho an sinh xã hội của Trung Quốc vào khoảng 10%GDP, thấp hơn nhiều so với mức 19% của châu Âu. Trong tương lai, xu hướng đầu tư nhiều hơn vào hệ thống an sinh xã hội và cơ cấu chi tiêu tài khóa sẽ được điều chỉnh”, các nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Guotai Junnan viết trong một báo cáo về cải cách bên cầu.

Việc cải cách hệ thống đăng ký cư trú cũng có thể tăng khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội. Vào tháng 4/2020, chính phủ nói rằng tất cả các thành phố có dân số dưới 3 triệu người nên bãi bỏ các quy tắc hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ của chính phủ - chỉ dành cho những người đã đăng ký chính thức sinh sống tại thành phố. Những thay đổi tương tự có thể cắt giảm hàng triệu chi phí dịch vụ xã hội tự trả.

Giản hóa chữ hán giúp xóa mù chữ được cho là một trong những mục tiêu của ĐCSTQ, tuy nhiên nó đã thất bại khi trải qua suốt hàng chục năm, số người mù chữ vẫn rất lớn. (Ảnh: Getty)

Nhưng tất cả các giải pháp trên đều chưa chạm vào nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng thu nhập thực sự của Trung Quốc

Hệ thống phân phối của cải của Trung Quốc vốn được xác lập dựa trên tuyên truyền là vì “giai cấp vô sản”, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Đó chính là hệ thống phân phối rất bất công của chế độ Trung Quốc.

Trên thực tế, sau khi giành được chính quyền và tư hữu hoá tài sản quốc gia, hệ thống này đặc biệt “thiên vị” tầng lớp lãnh đạo, thân cận của ĐCSTQ.

Đặc biệt sau giai đoạn “mở cửa”, các đặc quyền, đặc lợi kinh tế chỉ dành cho nhóm này, đây là lý do khoảng cách giàu - nghèo tại Trung Quốc ngày một lớn. Sức tiêu dùng của người dân cùng với sự thịnh vượng của cả Trung Hoa thực tế đang tuột dốc, nhưng khối tài sản của giới tinh hoa lại ngày một lớn hơn.

Gốc rễ của vấn đề là xoá bỏ các nút thắt về phân phối tài sản trong thể chế hiện nay tại Trung Quốc. Muốn vậy, Trung Quốc phải thiết lập lại một thị trường cạnh tranh đầy đủ, minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng. Khi đó, việc đầu tiên là giảm sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, công nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản tư nhân gồm cả cá nhân và doanh nghiệp bằng thể chế thượng tôn pháp luật. Nhưng để làm được điều này, quyền lực của Bắc Kinh hay nói trắng là quyền lực của ĐCSTQ sẽ bị phân tán. Đây là điều Bắc Kinh không bao giờ cho phép.

Thực tế, Bắc Kinh đang có các chính sách đi ngược lại hoàn toàn với tuyên truyền và mong muốn tái phân phối lại thu nhập này, đó là siết chặt quản lý khu vực kinh tế tư nhân - khi cho rằng khu vực này đã lớn quá mức và cần chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính quyền.

Sự phát triển chính sách thứ hai của ĐCSTQ là sự gia tăng hoạt động tình báo và ảnh hưởng của chính quyền trong khu vực tư nhân của nền kinh tế nước này.

Một đề cương mở rộng được Ủy ban Trung ương công bố trong tuần qua, cho thấy ĐCSTQ có kế hoạch tăng cường quyền lực tư tưởng của mình đối với các công ty tư nhân thông qua mạng lưới Mặt trận thống nhất. Chính sách này đã được phát triển trong nhiều tháng nay.

Ông Tập nói: “Các công ty là những đối tượng tham gia chính vào các hoạt động kinh tế của đất nước Trung Quốc, cũng những nhà cung cấp cơ hội việc làm và thúc đẩy của tiến bộ công nghệ”. Nhưng phải “báo trước” là, “vị trí thống trị của sở hữu công không thể bị lung lay; và vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh cũng không thể bị lung lay”.

Có nghĩa là các công ty tư nhân phải trở nên gần gũi hơn “về mặt tinh thần” với bộ máy nhà nước, tham gia vào Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Ngay từ tháng 9/2020, các khu vực địa phương và các đảng bộ được chỉ thị bắt đầu thực hiện kế hoạch này nhằm thống nhất chặt chẽ các “nhân vật kinh tế xung quanh ĐCSTQ”.

“Giương cao ngọn cờ yêu nước và chủ nghĩa xã hội, tăng cường chỉ đạo chính trị, tư tưởng, tiếp tục xây dựng nền tảng cho công tác chính trị tư tưởng của những người làm kinh tế tư nhân”, chỉ đạo nêu rõ.

Điều đó có nghĩa là ĐCSTQ sẽ "tăng tốc" trong việc hình thành các ủy ban thuộc ĐCSTQ hoạt động bên trong các công ty tư nhân, và rộng hơn là sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với hoạt động kinh doanh thông qua việc thay đổi quản lý.

Cổ phiếu Alibaba giảm sau báo cáo về cuộc điều tra chống độc quyền của Trung Quốc. (Ảnh của Wang He / Getty Images)
Cổ phiếu Alibaba giảm sau báo cáo về cuộc điều tra chống độc quyền của Trung Quốc. (Ảnh của Wang He / Getty Images)

“Hướng dẫn các doanh nghiệp tư nhân cải thiện cấu trúc quản trị công ty của họ và thiết lập một hệ thống công ty hiện đại với đặc điểm ĐCSTQ. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình cải cách sở hữu hỗn hợp”, Ủy ban Trung ương viết.

Carl Minzner, giáo sư luật và chính trị Trung Quốc tại Trường Luật Fordham ở New York, giải thích về kế hoạch rằng: “Lực đẩy của điều này hoàn toàn rõ ràng: khu vực tư nhân cần phải tuân theo đường lối của ĐCSTQ. Điều đó có cảm giác như chúng ta đang quay trở lại đầu những năm 1950. Doanh nghiệp tư nhân tồn tại, nhưng chỉ cho đến khi họ có thể tự biến mình thành những người trung thành".

Ông viết trên Twitter: “Đây là một đợt triển khai chính sách chặt chẽ. Xin lưu ý rằng ông Tập vừa tổ chức một hội nghị tương tự khác [với] các nhà khoa học chỉ vài ngày trước. Đó là cách mà ĐCSTQ yêu cầu về việc mở rộng sự trong sạch về tư tưởng".

Và không cần đợi lâu, ngay trong năm 2020, sự kiện Ant Group bị siết chặt đường sống và phải quốc hữu hoá một phần tài sản của mình cho Bắc Kinh - cho thấy Bắc Kinh không mặn mà gì với việc nguyện ý thay đổi thể chế phân chia lại của cải cả trong ngắn và dài hạn. Đây là bước lùi rất lớn và rất rõ ràng trong con đường duy trì quyền lực và tăng trưởng kinh tế mà Bắc Kinh lựa chọn.

Giáo sư Michael Pettis, chuyên gia kinh tế- tài chính hàng đầu về Trung Quốc cũng có những nhận định tương tự để khẳng định rằng tuyên truyền về “tái phân phối thu nhập” hầu như sẽ chỉ là khẩu hiệu mới mà thôi.

Điều đáng mừng là có sự công nhận rộng khắp ở Trung Quốc và nước ngoài rằng trung tâm của sự tăng trưởng không cân bằng của Trung Quốc, và hậu quả là nợ nần kinh niên - là do sự phân phối thu nhập trong nước bị bóp méo. Cho đến khi có sự phân phối lại thu nhập lớn, thì về mặt số học, Trung Quốc không thể thay đổi mô hình tăng trưởng của mình, đó là lý do tại sao tôi không bao giờ đưa ra dự báo lạc quan trong thập kỷ qua về những hứa hẹn về cải cách cung và cải cách khu vực tài chính. Trong cả hai trường hợp, họ đều đang cố gắng giải quyết nhầm vấn đề.

Nhưng có hai thành phần để chuyển giao thu nhập: "đích" và "nguồn". Có nhiều cuộc thảo luận về tầm quan trọng của việc thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội. Nhưng tăng thuế và tăng an sinh xã hội chưa giải quyết được "một nửa của vấn đề".

Có sự khác biệt giữa việc tài trợ cho một hệ thống an sinh xã hội được cải thiện với việc đi vay của chính quyền địa phương và tài trợ bằng việc thanh lý tài sản. Nhiều cải tiến gần đây trong mạng lưới an sinh xã hội ít tác động đến tổng tiết kiệm. Chính “nguồn” để chuyển giao mới nằm ở trọng tâm của vấn đề tái cân bằng. Giải pháp thực sự là buộc các chính quyền địa phương phải chi trả cho phía "nguồn" của việc chuyển nhượng.

Tuy nhiên, thừa nhận rằng việc phân phối lại thu nhập là trọng tâm của sự điều chỉnh của Trung Quốc là một bước khởi đầu.

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tuyên truyền cắt giảm bất bình đẳng: Nói một đằng, làm một nẻo?