Trung Quốc và Nga mới là bên giành chiến thắng với Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo lời cựu cố vấn kinh tế của ông Trump, Trung Quốc và Nga, chứ không phải người dân Mỹ, mới là những bên giành chiến thắng nhờ các điều khoản về giảm carbon trong Đạo luật Giảm Lạm phát mà Hạ viện Mỹ mới thông qua gần đây.

Ông Stephen Moore, cố vấn thời Trump và là thành viên cấp cao tại The Heritage Foundation, nói với NTD trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng các điều khoản liên quan đến khí hậu của Đạo luật Giảm Lạm phát sẽ cản trở hoạt động sản xuất năng lượng của Mỹ và mang lại lợi ích cho các đối thủ. Các điều khoản này yêu cầu nước Mỹ đến năm 2030 phải cắt giảm 40% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

“Hai bên giành thắng lợi lớn từ dự luật này rõ ràng là Nga và Trung Quốc”, ông Moore nói. Ông cho rằng dự luật không chỉ có hại cho nền kinh tế Mỹ mà còn “thực sự tồi tệ cho an ninh quốc gia nếu từ bỏ sự thống trị về năng lượng của chúng ta”.

Ông Moore chỉ ra rằng Trung Quốc - quốc gia tạo ra lượng khí thải carbon nhiều hơn Mỹ khoảng 5 lần - hiện đang xây dựng hàng chục nhà máy than quy mô lớn và “chắc chắn rằng, họ không quan tâm đến biến đổi khí hậu”.

Là nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, Nga cũng sẽ thu về nhiều lợi ích từ nỗ lực tăng tốc việc hạn chế khí thải carbon của Mỹ. Động thái của Mỹ sẽ khiến giá dầu thô tăng cao, qua đó giúp Nga kiếm được nhiều tiền hơn, ông Moore nói.

Nhà kinh tế cho rằng chính quyền Biden “về cơ bản đã tuyên chiến với nhiên liệu hóa thạch” trong khi quên mất “thử nghiệm” hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch cách đây một thập kỷ của Đức; thử nghiệm này “đã dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn về kinh tế [của Đức]”.

“Đừng đi theo bước chân của họ”, ông Moore nhắc nhở.

Trung Quốc và Nga mới là bên giành chiến thắng với Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ
Phó Tổng thống Kamala Harris nói chuyện với các phóng viên sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát, tại Điện Capitol, ở Washington, Mỹ, ngày 07/08/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Cơ chế thị trường hay Trợ cấp của chính phủ?

Đạo luật Giảm Lạm phát bao gồm các điều khoản về khí hậu và năng lượng trị giá 369 tỷ USD, với các biện pháp như tín dụng thuế (trợ cấp chính phủ được khấu trừ vào thuế mà mỗi cá nhân phải đóng hàng năm) để mua xe điện, thiết kế cho các ngôi nhà tiết kiệm năng lượng hơn và lắp đặt các tấm pin và hệ thống năng lượng mặt trời tại khu dân cư.

Nước Mỹ cũng sẽ khôi phục thuế áp lên dầu thô và dầu nhập khẩu; điều này có thể khiến các hộ gia đình phải trả hóa đơn năng lượng cao hơn. Các điều khoản mới cũng bao gồm loại phí lên tới 1.500 USD/tấn cho phát thải khí metan.

Nhìn chung, dự luật được thiết kế để thúc đẩy việc sản xuất nhiều hơn gấp 3 lần sản lượng điện gió và điện mặt trời, cũng như khả năng lưu trữ năng lượng, theo một phân tích từ Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ (ACP).

“Nói một cách đơn giản hơn, điều đó có nghĩa là vào năm 2030, khoảng 40% điện năng của đất nước sẽ đến từ gió, mặt trời và lượng năng lượng được lưu trữ”, ACP cho biết. Cũng theo ACP, Đạo luật Giảm Lạm phát nhìn chung sẽ giúp cung cấp khoảng 525 đến 550 gigawatt điện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào cuối thập kỷ này, tăng từ mức 211 gigawatt hiện tại.

Dự luật cũng dự kiến ​​sẽ tạo ra các hoạt động kinh tế trị giá hơn 900 tỷ USD bằng việc xây dựng các dự án năng lượng sạch từ nay đến năm 2030, theo ACP.

Ông Moore khẳng định ông không phản đối các nguồn năng lượng tái tạo nhưng cho rằng động lực để các nguồn năng lượng tái tạo phát triển nên là các lực lượng thị trường thay vì trợ cấp của chính phủ.

“Chính phủ không trợ cấp cho Henry Ford khi ông ấy phát minh ra ô tô. Chính phủ liên bang không trợ cấp cho Standard Oil khi doanh nghiệp này bắt đầu mang đến… nguồn khí đốt dồi dào và giá rẻ cho tất cả mọi người. Vậy tại sao chúng ta cần chính phủ ném hàng trăm, hàng trăm tỷ USD vào ngành công nghiệp này?”, ông Moore đặt câu hỏi.

Ông Moore cũng lập luận rằng, trái với tên gọi của dự luật, dự luật này sẽ không làm giảm lạm phát tại Mỹ.

Giảm lạm phát?

Đạo luật Giảm Lạm phát “sẽ làm tăng lạm phát”; “lý do chúng ta có mức lạm phát 9% hiện nay là do mức chi tiêu quá lớn của [chính phủ] ông Biden”, ông Moore nói.

“Có hai điều bạn không muốn làm khi lạm phát ở mức cao. Bạn không muốn tiêu thêm tiền chính phủ. Và khi suy thoái kinh tế, bạn không muốn tăng thuế. Dự luật này mắc cả hai sai lầm đó”, ông cho biết.

Một số quan chức Mỹ không đồng ý với ông Moore về tác động của dự luật đối với lạm phát.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 09/08 trên tờ Harvard Gazette rằng dự luật này có xu hướng sẽ làm giảm lạm phát vì theo thời gian, nó làm giảm thâm hụt ngân sách; tăng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu - đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng; và giảm giá thành sản phẩm - đáng chú ý nhất là giá thuốc.

Những người khác cũng ủng hộ dự luật, như Dân biểu Ro Khanna (Dân chủ - California), nói rằng trợ cấp chính phủ cho năng lượng sạch sẽ có tác dụng kích thích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này, đồng thời đẩy nhanh việc cắt giảm lượng khí thải carbon.

Ông Khanna nói với Politico trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Nó sẽ [có tác động] lớn hơn những gì mọi người nhận ra”.

Ông nói thêm: “Nếu chính phủ đầu tư 300 tỷ USD vào năng lượng mặt trời, gió, pin và máy bơm nhiệt, thì điều đó có thể mở khóa hàng nghìn tỷ USD đầu tư của khu vực tư nhân vào khí hậu”.

Ông Moore lập luận rằng dự luật này ít có tác động đến môi trường mà chủ yếu là về tiền.

“Đây là một ngành công nghiệp khổng lồ, hiện trị giá hàng nghìn tỷ USD. Đây là vấn đề về tiền bạc, mọi người ạ, điều này không liên quan gì đến việc làm sạch môi trường hoặc giữ cho môi trường của chúng ta an toàn”, ông nói.

“Sẽ có rất rất nhiều các công ty khổng lồ và các nhà đầu tư khổng lồ. Họ sẽ trở nên rất, rất giàu từ hàng trăm, hàng trăm tỷ USD trợ cấp này”, ông Moore nói thêm.

Viện Dầu mỏ Mỹ (API), một tổ chức về ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, đã chỉ ra 6 điều khoản có vấn đề trong Đạo luật Giảm Lạm phát. API cho rằng các điều khoản sẽ làm suy yếu khả năng của ngành trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho người tiêu dùng Mỹ.

Bên cạnh thuế áp lên dầu thô và dầu nhập khẩu, cùng với phí phát thải metan, API lưu ý thêm rằng nhiều chi phí bổ sung khác cũng sẽ bị áp đặt lên các công ty năng lượng và chi phí thuê trong các hợp đồng khai thác năng lượng trên đất liền sẽ tăng lên.

API cũng phản đối việc dự luật bỏ qua những cải cách toàn diện về cấp phép - những cải cách được đề xuất để đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng bằng cách rút ngắn thời gian đánh giá dự án. API tin rằng cải cách toàn diện về cấp phép là chìa khóa để thúc đẩy sản xuất năng lượng trong nước, giảm chi phí cho người tiêu dùng và giúp nước Mỹ đạt được các mục tiêu phát thải.

Ông Mike Sommers, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành API, cho biết: “Những cải cách về cấp phép - những điều cần thiết cho nhu cầu cơ sở hạ tầng của Mỹ, cho tăng cường nguồn cung dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại và tương lai của chúng ta - đã không xuất hiện trong dự luật”.

Chi Anh

Theo Tom Ozimek - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc và Nga mới là bên giành chiến thắng với Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ