Trung Quốc và Nga nỗ lực thay thế USD bằng đồng tiền BRICS

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khó chịu trước sự thống trị của đồng USD và hệ thống SWIFT, Trung Quốc và Nga đang kêu gọi BRICS phát triển một hệ thống thanh toán xuyên biên giới để chống lại sức ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, một đồng tiền chung của BRICS, hay hệ thống thanh toán do Trung Quốc và Nga xây dựng đều khó có thể được sử dụng rộng rãi.

BRICS hợp tác thanh toán xuyên biên giới

Các thành viên BRICS đang kêu gọi thanh toán xuyên biên giới bằng đồng tiền của BRICS nhằm thách thức vị thế của đồng USD.

Nhóm BRICS - từ viết tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào hôm 23/06. Cuộc họp do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, nằm trong một chuỗi dài sự kiện hợp tác BRICS. Các sự kiện được bắt đầu vào tháng 06/06 với cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương và kết thúc bằng cuộc họp của ủy ban các quan chức năng lượng cấp cao vào hôm 28/06.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Tập nói: “Chúng ta cũng nên mở rộng hợp tác BRICS trong thanh toán xuyên biên giới và xếp hạng tín dụng để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và tài chính giữa các quốc gia của chúng ta”.

Ông tiếp tục tái khẳng định cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc hợp tác với các quốc gia BRICS để đạt được những mục tiêu của ĐCSTQ về Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu (GDI).

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trình GDI lên Liên hợp quốc vào tháng 04/2022 như một sáng kiến ​​phát triển toàn cầu do ĐCSTQ dẫn dắt. Điều đó đã được LHQ hoan nghênh và đã nhận được thông điệp ủng hộ từ 100 quốc gia. Nhóm Những Người bạn của GDI được thành lập trên nền tảng của Liên hợp quốc. Cho đến nay, đã có hơn 50 quốc gia tham gia. Nhìn bề ngoài, việc phát triển một hệ thống thanh toán không dùng USD do Trung Quốc dẫn dắt sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến phát triển của CCP.

Tuyên bố Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 được ban hành vào hôm 23/06, thiết lập các mục tiêu cho năm tới, bao gồm việc tiếp tục hợp tác đối với “Lực lượng đặc nhiệm thanh toán BRICS (BPTF) như một nền tảng để trao đổi kinh nghiệm và kiến ​​thức, đồng thời hoan nghênh sự hợp tác hơn nữa của các Ngân hàng Trung ương về lĩnh vực thanh toán".

Bực bội trước sự thống trị của USD và SWIFT

Cả ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều ủng hộ các phương án thanh toán khác (với đồng USD) nhằm làm giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế và giảm bớt sự kiểm soát mà Mỹ đang có đối với hệ thống SWIFT.

Trung Quốc và Nga nỗ lực thay thế USD bằng đồng tiền BRICS
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, ngày 04/02/2022. (Ảnh: ALEXEI DRUZHININ / Sputnik / AFP qua Getty Images)

Theo tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc, các chủ ngân hàng và nhà kinh tế ở các nước BRICS đã khuyến nghị khối này “mở rộng việc thanh toán và cho vay tiền tệ quốc gia để chống lại việc Mỹ vũ khí hóa đồng USD”.

Hãng thông tấn Nga TASS ngày 22/06 đưa tin, trong bài phát biểu của ông Putin tại diễn đàn BRICS, ông đã kêu gọi phát triển một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ.

Ông Sergey Storchak, Giám đốc ngân hàng Nga VEB.RF, nói với Global Times hôm 21/06, “BRICS và các quốc gia quan tâm khác cần thảo luận về việc thiết lập hệ thống tài chính toàn cầu độc lập của riêng họ - cho dù nó dựa trên đồng tiền Trung Quốc hay họ sẽ chấp thuận một thứ khác”. VERB.RF là một trong những tổ chức bị trừng phạt đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của Mỹ.

Ông Tập, ông Putin và VEB.RF quan tâm tới 3 vấn đề về tiền tệ. Họ đang bực bội với sự thống trị của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ. Họ không muốn đồng USD là đồng tiền thanh toán quốc tế. Và họ đang bị đe dọa bởi sự cần thiết phải giao dịch thanh toán quốc tế thông qua hệ thống SWIFT của Mỹ, trong khi hệ thống này phụ thuộc vào các ngân hàng Mỹ.

USD được dùng phổ biến trong thanh toán quốc tế

Lý do các quốc gia sử dụng USD trong thanh toán quốc tế là vì các hàng hóa như dầu mỏ được định giá bằng USD. Ngoài ra USD là một loại tiền tệ ổn định, có thể được chuyển đổi dễ dàng ở mọi nơi trên thế giới. Không có đồng tiền BRICS nào được coi là có thể chuyển đổi hoàn toàn. Đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc là đồng tiền nằm trong rổ tiền SDR (đồng dự trữ quốc tế) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), điều biến nó trở thành loại tiền tệ quốc tế. Nhưng ngay cả đồng CNY cũng có khả năng chuyển đổi hạn chế.

Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới nắm giữ một tỷ lệ lớn USD trong dự trữ ngoại tệ của họ không chỉ do tính ổn định và khả năng chuyển đổi của đồng USD, mà còn vì tính hữu ích của nó trong việc thanh toán thương mại quốc tế. Đồng ZAR (đồng rand Nam Phi), BRL (đồng real Brazil), INR (đồng rupee Ấn Độ) và RUB (đồng rúp Nga) đều là những đồng tiền tương đối yếu; do đó, các quốc gia khác không muốn giữ những đồng tiền này làm nguồn dự trữ ngoại tệ.

Nếu các quốc gia BRICS có thể đạt được các thỏa thuận thanh toán quốc tế, thì các đồng tiền BRICS sẽ chỉ hữu ích trong thương mại giữa các quốc gia trong khối này. Cụ thể, trong khi Nam Phi và Ấn Độ có thể đồng ý giao dịch thương mại bằng đồng INR, thì khó có khả năng các quốc gia khác chấp nhận đồng INR trong thương mại với Nam Phi. Hơn nữa, một số quốc gia BRICS đang gánh một lượng lớn nợ nước ngoài, khoản nợ này phải được trả bằng USD, không phải đồng INR.

Do đó, Nam Phi sẽ ngồi trên một đống INR vô dụng không thể dùng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài giao dịch thương mại với Ấn Độ. Tệ hơn nữa, trong khi giữ đồng INR làm dự trữ, Nam Phi sẽ phải đối mặt với rủi ro mất giá tiền tệ.

Giải pháp thay thế cho SWIFT

Các nhà giao dịch quốc tế sử dụng hệ thống SWIFT của Mỹ để xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới vì nó an toàn, nhanh chóng và chính xác. Quan trọng nhất, nó rất thuận tiện vì nó kết nối với các ngân hàng lớn ở hơn 100 quốc gia. Trung Quốc và Nga đã cố gắng xây dựng các giải pháp thay thế SWIFT, nhưng cả hai hệ thống của các quốc gia này đều không kết nối với các ngân hàng ở các quốc gia phương Tây.

Trung Quốc và Nga nỗ lực thay thế USD bằng đồng tiền BRICS
Logo SWIFT tại trụ sở chính ở Brussels, ngày 26/06/2006. (Ảnh: JACQUES COLLET / AFP qua Getty Images)

Do đó, trừ khi thế giới đồng ý sử dụng hệ thống của Trung Quốc hoặc Nga, các quốc gia BRICS sẽ vẫn phụ thuộc vào SWIFT. Và ngay cả khi hệ thống thanh toán của Trung Quốc hoặc Nga được sử dụng, vẫn sẽ có vấn đề về việc sử dụng loại tiền tệ nào cho thương mại quốc tế.

Đồng tiền chung BRIC

Có thể cho rằng, đồng CNY của Trung Quốc sẽ là đồng tiền hợp lý nhất để các quốc gia BRICS sử dụng cho thương mại nội bộ. Hiện tại, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) được thiết lập để xử lý thương mại bằng đồng CNY. Nhưng nếu đồng ý tiến hành kinh doanh bằng đồng CNY và thông qua CIPS, các quốc gia BRICS khác sẽ thay thế quyền kiểm soát của Mỹ đối với thương mại xuyên biên giới của họ bằng sự kiểm soát của ĐCSTQ, điều mà họ có thể không cảm thấy thoải mái.

Một đề nghị thay thế của ông Putin và các chủ ngân hàng ở Nga là sử dụng một rổ tiền tệ. Ý tưởng này mô phỏng theo SDR của IMF, bao gồm một rổ tiền tệ quốc tế, bao gồm USD, EUR, CNY, JPY (đồng yên Nhật) và GBP (bảng Anh). SDR có thể được trao đổi hoặc làm nguồn dự trữ. Có lẽ, BRICS sẽ tạo ra một rổ gồm 5 loại tiền tệ của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên điều này sẽ khó giúp giảm thiểu các vấn đề tương tự như khi các quốc gia BRICS sử dụng đồng nội tệ để giao dịch với nhau. Các quốc gia khác sẽ không muốn dự trữ một rổ tiền tệ BRICS. Và cuối cùng, hệ thống SWIFT của Mỹ sẽ không chấp nhận các giao dịch được thực hiện bởi một rổ tiền tệ BRICS.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Đức Duy

Theo Antonio Graceffo - The Epoch Times

 

Tác giả - Tiến sĩ Antonio Graceffo - đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc và Nga nỗ lực thay thế USD bằng đồng tiền BRICS