Trung Quốc và Nga sẽ dẫn đầu một khối mới đối đầu với phương Tây: Chuyên gia nhận định

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã mở ra bối cảnh địa chính trị và kinh tế mới. Một khối mới đối đầu với phương Tây sẽ không xuất hiện trong một sớm một chiều. Thay vào đó, nó đang ở dạng non trẻ.

Mới đây, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc Sinopec đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư trị giá 500 triệu USD vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Tuy nhiên, sự kiện này không thể hiện rằng kinh tế Trung Quốc và kinh tế Nga sẽ tách rời nhau.

Ngược lại, nó chỉ cho thấy sự tạm dừng trong mối quan hệ đối tác kinh tế Nga - Trung. Mối quan hệ này có khả năng sẽ phát triển về cả quy mô và độ phức tạp khi mà các cường quốc trên thế giới đang tập hợp lại thành các khối đối thủ mới sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Đó là nhận xét của ông Ross Kennedy, thành viên cấp cao tại Securities Studies Group và người sáng lập của Fortis Analysis. Ông Kennedy đã có buổi nói chuyện với chương trình “China Insider” của EpochTV vào ngày 02/04.

Vài tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn". Ông Kennedy cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa vội cung cấp sự trợ giúp đáng kể về kinh tế cho Moscow là do những thận trọng trong việc tính toán tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

“Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố khá mạnh mẽ và công khai rằng sẽ không có giới hạn nào trong mối quan hệ với Moscow, nhưng họ vẫn phải xem xét tác động của các lệnh trừng phạt là gì. Và hiện tại có mảng xám [liên quan đến] dòng vốn sẽ hoạt động như thế nào giữa hai quốc gia, đặc biệt là về khía cạnh đầu tư”, ông Kennedy nói.

Ông Kennedy đánh giá Trung Quốc là một “cường quốc tiêu thụ”, họ luôn cần số lượng lớn năng lượng và nguyên liệu thô. Do vậy, nguồn hàng dồi dào được sản xuất ở khu vực Biển Đen và phía đông của Nga vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với Bắc Kinh. Lúc này, các nhà cầm quyền Trung Quốc đang cảnh giác về những tác động lên nền kinh tế nếu họ làm trái các lệnh trừng phạt lên Nga, Tuy nhiên, về lâu dài, ông Kennedy hoài nghi về quyết định ngừng đầu tư của Sinopec.

“Tôi không nghĩ đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hạ nhiệt sự ủng hộ đối với Nga. Tôi không cho rằng điều đó thực sự phản ánh bất cứ điều gì khác ngoài việc Sinopec và các công ty khác đang được Bắc Kinh chỉ thị là hãy thận trọng hơn một chút vào thời điểm này để đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhà nước không phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây”, ông nói.

Bất chấp quyết định của Sinopec, thương mại Trung - Nga vẫn hoạt động sôi nổi ở các nhóm hàng hóa như thức ăn gia súc, vitamin và khoáng chất vi lượng, axit amin, vật liệu xây dựng, và các sản phẩm có lịch sử giao dịch lâu đời khác, ông Kennedy cho biết.

Ông Kennedy nhận ra một xu hướng là các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang tăng cường mua sản phẩm năng lượng và ngũ cốc từ Nga. Theo ông, Trung Quốc, Ấn Độ và có thể là một vài cường quốc khác sẽ tận dụng việc các sản phẩm năng lượng từ Nga đang hạ giá. Đồng thời, Nga ngày càng muốn rút lui khỏi thị trường phương Tây. Rất có thể thế giới sẽ chứng kiến sự gia tăng rõ rệt trong các giao dịch không phải bằng đồng USD và đồng EUR.

“Rõ ràng là Moscow, Bắc Kinh và thậm chí một số quốc gia khác trên thế giới, như Ấn Độ và Iran, đang làm việc và hợp tác khá chặt chẽ để có khả năng giải quyết các giao dịch với nhau”, ông Kennedy nói.

Ngày càng nhiều giao dịch không liên quan đến tiền tệ hoặc hệ thống ngân hàng phương Tây được tiến hành theo các nguyên tắc của BRICS - nhóm các cường quốc bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Ông Kennedy coi BRICS là một phần của sự hình thành ngày càng vững chắc của một khối cạnh tranh với các nền dân chủ phương Tây.

Cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng đã mở ra bối cảnh địa chính trị mới. Một khối mới sẽ không xuất hiện trong một sớm một chiều. Thay vào đó, nó đang ở dạng non trẻ, ông Kennedy nói.

“Chúng ta thấy rằng sự xuất hiện của khu vực hợp tác kinh tế và địa chính trị do Nga - Trung dẫn đầu sẽ trái ngược với những gì thuộc khối các nước nói tiếng Anh Anglosphere - một loại hình liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Canada, Mỹ và các đối tác NATO”.

“Tôi nghĩ khi nhìn lại sau 3 năm, 5 năm, hay 10 năm nữa, chúng ta sẽ thấy thực sự có hai khối kinh tế đã hình thành hoàn chỉnh và có hợp tác qua lại với nhau khi cần thiết”, ông Kennedy nói thêm.

Về phạm vi hợp tác giữa hai khối đối thủ này, ông Kennedy dự đoán điều đó sẽ phụ thuộc vào những bên trung gian có sự hiện diện trong cả hai khối, chẳng hạn như Ấn Độ, Ảrập Xêút và có thể là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ông Kennedy gọi đây là cấu trúc địa chính trị mới chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc và Nga sẽ dẫn đầu một khối mới đối đầu với phương Tây: Chuyên gia nhận định