Trung Quốc xây dựng thị trường quốc gia thống nhất để chuẩn bị tách rời khỏi phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau gần 70 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch tập trung bằng cách nỗ lực thiết lập một thị trường quốc gia thống nhất. Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng ĐCSTQ hy vọng có thể kích thích nhu cầu trong nước để đối phó với những thay đổi lớn từ nhu cầu bên ngoài - điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu thế giới tách rời Trung Quốc.

Trung Quốc hướng nội để chuẩn bị cho việc bị thế giới cô lập

Hôm 10/04, Hội đồng Nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành một thông tri với tên gọi: “Ý kiến ​​về đẩy nhanh việc xây dựng thị trường quốc gia thống nhất”, kêu gọi thành lập một “thị trường nội địa siêu lớn” dựa trên “nhu cầu nội địa”. Thị trường quốc gia thống nhất bao trùm các khía cạnh như tài nguyên, hàng hóa, dịch vụ và giám sát thị trường, trong khi thị trường tài nguyên bao gồm đất đai và lao động, vốn, công nghệ và dữ liệu, năng lượng và môi trường sinh thái, v.v.

Ông Albert Song, nhà nghiên cứu tại Tianjun, một tổ chức tư vấn kinh tế và chính trị, nói với The Epoch Times rằng thông tri này về cơ bản bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Ông Song nói rằng ,nếu liên kết các manh mối khác nhau gần đây, bạn có thể thấy rằng ĐCSTQ đang liên tục điều chỉnh chiến lược của mình theo những thay đổi của tình hình quốc tế. “Từ 'cải cách cơ cấu bên cung' đến 'tuần hoàn nội bộ' về kinh tế, rồi đến 'thị trường thống nhất quốc gia' tại thời điểm hiện tại, chính sách kinh tế của ĐCSTQ không ngừng hướng nội - tập trung phát triển thị trường trong nước một cách toàn diện để đối phó với sự thay đổi của nhu cầu bên ngoài gây ra bởi sự tách rời khỏi phần còn lại của thế giới".

Ông Song có 27 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính của Trung Quốc, tập trung vào nghiên cứu các lĩnh vực kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc có thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới, nhưng khi xét đến các yếu tố như sự cực đoan trong kiểm soát đại dịch của Trung Quốc và suy thoái kinh tế, ông Song không lạc quan về sức tiêu thụ của Trung Quốc.

Ông cũng tin rằng đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine đã giúp thế giới nhận ra rằng toàn cầu hóa nhất định sẽ kết thúc và mỗi quốc gia cần phải xây dựng lại ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng của mình để có thể tự bảo vệ trước các mối đe dọa từ các chế độ bất hảo.

“ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất trên toàn thế giới. Nước này lợi dụng vị thế là một trong 5 thành viên thường trực của Liên hợp quốc và các lợi thế về kinh tế để ủng hộ sự xâm lược của Nga, theo cách cả công khai và bí mật. Cuộc chiến Nga - Ukraine đã cung cấp cho ĐCSTQ một cơ hội tốt để quan sát và tìm hiểu những gì nên được thực hiện nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga được áp dụng đối với Trung Quốc”.

Thị trường quốc gia thống nhất có bản chất là kinh tế kế hoạch

Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ tuyên bố rằng thị trường quốc gia thống nhất không đồng nghĩa với quay trở lại nền kinh tế kế hoạch, một số nhà đầu tư bên ngoài Trung Quốc cho rằng bản chất của nó là nền kinh tế kế hoạch.

Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư tư nhân ở Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times rằng một mặt, ĐCSTQ muốn tăng cường quyền kiểm soát của chính quyền trung ương và làm suy yếu hơn nữa “nền kinh tế phong kiến” địa phương. Mặt khác, cần phải tăng cường cái gọi là “tuần hoàn nội bộ” vốn đang thúc đẩy tiêu dùng trong nước, để chuẩn bị đối phó với việc tách rời quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung, cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. Thị trường thống nhất về cơ bản là “nền kinh tế kế hoạch 2.0”, ông Sun nói.

Nền kinh tế kế hoạch của ĐCSTQ đẩy người dân vào đường cùng

Từ năm 1953 trở đi, ĐCSTQ đã thực thi quyền sở hữu tập thể đối với đất đai bị tịch thu, chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ giai cấp địa chủ cũ cho nhà nước Trung Quốc. Đến năm 1956, Trung Quốc đã hoàn toàn bước vào “nền kinh tế kế hoạch” khi 99% hộ gia đình sản xuất tư nhân và khoảng 85% doanh nghiệp thương mại tư nhân nằm trong “quan hệ đối tác công tư”.

Zhuge Mingyang, một nhà văn và nhà bình luận độc lập, đã chỉ ra rằng nền kinh tế kế hoạch tạo ra những khó khăn kinh tế trong dài hạn cho Trung Quốc, và cái gọi là 'quan hệ đối tác công tư' cũng đã dồn ép nhiều nhà tư bản - chủ sở hữu công ty tư nhân - vào bước đường cùng, nhiều người đã tự sát. Ông nói: “Ở một mức độ nào đó, lịch sử cai trị của ĐCSTQ là quá trình không ngừng cướp đoạt tài sản quốc gia. Như điều một giáo sư tại Đại học Hạ Môn đã nói cách đây 20 năm, ĐCSTQ chỉ thực hiện hai việc sau khi lên nắm quyền: ông Mao biến 'tài sản tư nhân' thành 'tài sản nhà nước' sau năm 1953, và ông Đặng biến 'tài sản nhà nước' thành 'tài sản của Đảng' sau năm 1983”.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc xây dựng thị trường quốc gia thống nhất để chuẩn bị tách rời khỏi phương Tây