Truyền thông nhà nước Trung Quốc dùng tuyên truyền lạc quan về kinh tế để cổ vũ doanh nghiệp tư nhân trong nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về những khẳng định tích cực về sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Thực tế thì, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang gặp thách thức thực sự; đất nước này khó có thể thực hiện cải cách về cơ cấu để đảo ngược suy thoái.

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã nỗ lực cổ vũ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, tuyên bố rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm phục hồi và tiếp tục tăng trưởng cao khi ĐCSTQ từ bỏ các chính sách phòng chống đại dịch.

Thách thức thực sự trong giai đoạn này đối với nền kinh tế Trung Quốc là mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư của nước này đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Theo các chuyên gia tài chính, chỉ có cải cách về cơ cấu mới có thể đảo ngược tình trạng suy thoái hiện nay, nhưng ĐCSTQ khó có thể thực hiện những cải cách đó.

Nỗ lực cổ vũ doanh nghiệp tư nhân

Vào ngày 06/01, CCTV, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã mời 21 doanh nhân tư nhân hàng đầu - bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Alibaba Trương Dũng (Zhang Yong), Giám đốc điều hành Tập đoàn Jingdong Xu Lei và Chủ tịch Fosun International Guo Guangchang - xuất hiện trên chương trình truyền hình của họ, cố gắng củng cố niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc.

Kể từ ngày 21/12 năm ngoái, CCTV đã chiếu các cuộc phỏng vấn và bình luận về các doanh nghiệp tư nhân trong hai chương trình truyền hình lớn là “News Broadcast” (Truyền hình tin tức) và “CCTV Financial Review” (Đánh giá Tài chính CCTV). Các chương trình tuyên bố rằng các doanh nghiệp tư nhân sẽ sớm phát triển mạnh ở Trung Quốc với các chính sách và biện pháp hỗ trợ của ĐCSTQ. Nhiều chính quyền tỉnh cũng bày tỏ sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân.

Theo dữ liệu khảo sát của Ngân hàng Standard Chartered, Chỉ số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Trung Quốc đã bị thu hẹp trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12, xuống dưới mốc 50, cho thấy điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trở nên sa sút. Sự suy giảm liên tục trong điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hỗ trợ việc làm ở thành thị và thị trường sơ cấp ở Trung Quốc, phản ánh tình hình kinh tế tồi tệ của cả nước nói chung.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBSC) công bố, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất đã giảm trong tháng 12. Chỉ số PMI phi sản xuất là 41,6%, giảm 5,1% và là mức thấp nhất kể từ tháng 02/2020. Đặc biệt, chỉ số hoạt động kinh doanh của các ngành bán lẻ, vận tải đường bộ, lưu trú, ăn uống và dịch vụ dân cư đều dưới 35,0%.

Về vấn đề này, ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của Nomura Securities, cho biết tại một sự kiện gần đây do Viện Tài chính Thượng Hải tổ chức rằng dữ liệu từ năm 2020 và 2021 không thể được sử dụng làm tiêu chuẩn cho tăng trưởng vào năm 2023, vì bối cảnh kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể. Ông Lu cho rằng nhiều tiền đề đằng sau sự lạc quan về phục hồi kinh tế vào năm 2023 không hoàn toàn vững chắc, chẳng hạn như tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19, nhu cầu sẽ sớm trở lại mức trước đại dịch, v.v.

Cơ sở của quyền lực bị tổn hại

Tại cuộc họp thường niên gần đây của tạp chí Tài chính Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Wei Jianguo tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt 8% vào năm 2023.

Theo dữ liệu của Bloomberg NEF, Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, chỉ có 3,6 triệu lượt đi tàu điện ngầm vào ngày 22/12 năm ngoái, thấp hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019 và tình trạng tắc nghẽn giao thông trên đường phố chỉ bằng 30% so với tháng 01/2021. Các thành phố lớn khác như Trùng Khánh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thiên Tân và Vũ Hán cũng có mức suy giảm tương tự.

Nhà kinh tế học Trung Quốc Ren Zeping đã viết trên NetEase rằng chỉ số PMI tháng 12 cho thấy sự suy giảm kinh tế mạnh mẽ. Ông cảnh báo không nên lạc quan về tình hình kinh tế năm 2023 cũng như cần cẩn trọng trước niềm tin cho rằng “miễn là đại dịch qua đi, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại cùng với mức tiêu dùng”.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Nhật Bản Ji Lin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 07/01 rằng, nhìn chung, các nền dân chủ hiện đại cai trị với sự đồng thuận của người dân, nhưng ĐCSTQ là một chế độ độc tài, vì vậy cơ sở cai trị của nó xuất phát từ tăng trưởng kinh tế. Bằng cách phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân Trung Quốc được cải thiện. Điều này sẽ làm giảm bớt sự bất bình của những người ở dưới đáy xã hội.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cổ vũ doanh nghiệp tư nhân trong nước bằng sự lạc quan về kinh tế
Một người biểu tình cầm một tờ giấy trắng và hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hà khắc đối với COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28/11/2022. (Ảnh: Bloomberg qua Getty Images)

Chính sách zero-COVID của Bắc Kinh đã tàn phá ngành thương mại điện tử và nhiều ngành khác trong ba năm qua. Mức sống của người dân giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến sự bất mãn gia tăng và các cuộc biểu tình rầm rộ, chẳng hạn như phong trào Giấy Trắng. Điều này gây áp lực buộc ĐCSTQ phải duy trì sự ổn định chính trị vì cơ sở cai trị thông qua ổn định kinh tế đã bị tổn hại. Nhà bình luận Ji tin rằng chế độ Trung Quốc có thể sắp sụp đổ vì nó hiện đang mất đi cơ sở quyền lực một cách toàn diện.

Ông Gary Hufbauer, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với Voice of America: “Ông ấy [Tập Cận Bình] cần mức tăng trưởng hơn 4% để duy trì tính hợp pháp của ĐCSTQ và một khu vực tư nhân tích cực là cách duy nhất để kích thích tăng trưởng”.

Thách thức về mô hình tăng trưởng

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, tăng trưởng GDP của nước này đã được thúc đẩy bởi sự tích lũy vốn thông qua thu nhập từ xuất khẩu, trở thành cơ sở tạo ra tiền của Ngân hàng Trung ương và vốn của ngân hàng thương mại dưới dạng tài khoản ngoại hối, và sau đó thiết lập tín dụng thông qua cơ sở hạ tầng bất động sản. Giờ đây, mô hình tăng trưởng “thu nhập từ xuất khẩu + bất động sản” của Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2022 là 296,09 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 12, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc được CICC Macro, CITIC Securities và Guotai Junan Futures dự đoán sẽ giảm lần lượt là 9,5%, 10% và 6,7%.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cổ vũ doanh nghiệp tư nhân trong nước bằng sự lạc quan về kinh tế
Những chiếc ô tô đang chờ xuất khẩu tại một cảng ở Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 07/09/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Nhìn vào bất động sản Trung Quốc, một báo cáo do Kerry Property Ltd. Research and Ratings công bố cho thấy trong tháng 12, doanh số bán bất động sản mới của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đạt 677,51 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 98,2 tỷ USD), giảm 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức giảm là 25,5% trong tháng 11. Xét về kết quả tích lũy, 100 công ty bất động sản hàng đầu đạt doanh thu 6.462,22 tỷ CNY (khoảng 936,56 tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 12, giảm 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Thách thức kinh tế thực sự ở Trung Quốc là mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng”, nhà kinh tế học, Tiến sĩ Andy Xie cho biết trong một bài bình luận trên tờ South China Morning Post. “Một thập kỷ bong bóng bất động sản liên kết với nhau và tỷ giá hối đoái bị định giá thấp đã trợ cấp cho chi phí vốn. Lãi suất thấp hoặc âm do tỷ giá hối đoái bị định giá thấp đã bù đắp một phần cho sự suy giảm tỷ suất lợi nhuận trong đầu tư cố định”, ông viết. Sự méo mó này phải trả giá bằng việc suy giảm tiêu dùng tính theo tỷ trọng GDP và tăng nợ hộ gia đình.

Theo số liệu thống kê do Ủy ban Cải cách và Phát triển của ĐCSTQ công bố, GDP của Trung Quốc trong ba quý đầu năm 2022 là 87,03 nghìn tỷ CNY (khoảng 12,04 nghìn tỷ USD); chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người trên toàn quốc là 17.878 CNY (khoảng 2.472,75 USD), khi nhân với số người sẽ chuyển thành khoảng 25,25 nghìn tỷ CNY (khoảng 3,6 nghìn tỷ USD), tương đương 29% GDP. So với mức 43,38% GDP của năm ngoái, con số này giảm 14,4%, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1990.

Nhà kinh tế trưởng Li Xunlei của China Securities, đã viết trên một blog rằng lý do đằng sau kết quả chính sách không đạt yêu cầu là trong những năm qua, các chính sách ở Trung Quốc chủ yếu động chạm tới những lĩnh vực dễ quản lý, trong khi những lĩnh vực không dễ quản lý lại chủ yếu chứa những vấn đề sâu xa hoặc ở những khu vực chưa có ý chí quyết liệt để thực hiện chính sách mới. Việc ưu tiên khôi phục và mở rộng tiêu dùng ở Trung Quốc ngụ ý rằng ĐCSTQ cần thực hiện cải cách cơ cấu, một điều khá khó khăn.

Ông Xie nói: “Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng thay đổi nào. Đó là lý do tại sao tăng trưởng kinh tế của nó sẽ thấp trong vài năm tới”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dùng tuyên truyền lạc quan về kinh tế để cổ vũ doanh nghiệp tư nhân trong nước