TSMC vẫn chưa có kế hoạch mở rộng sang Đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cho biết họ chưa có kế hoạch mở rộng sang Đức, sau khi xuất hiện thông tin rằng công ty này đang thảo luận với các nhà cung cấp về khả năng xây dựng nhà máy đầu tiên ở châu Âu.

Financial Times trước đó đã đưa tin rằng TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang “đàm phán nâng cao” với các nhà cung cấp để xây dựng một nhà máy ở Dresden, Đức, trích dẫn các nguồn tin giấu tên “quen thuộc với vấn đề này”.

Bài báo cho biết các giám đốc điều hành cấp cao của TSMC sẽ đến thăm Đức vào năm tới để thảo luận về mức độ hỗ trợ của chính phủ cho nhà máy và khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng địa phương.

Theo bài báo, các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp sẽ tập trung vào việc liệu họ có thể đầu tư để hỗ trợ nhà máy tiềm năng hay không và nếu được chấp thuận, họ sẽ sản xuất theo các công nghệ chip 22 nanomet và 28 nanomet.

Nhưng TSMC đã không xác nhận thông tin về kế hoạch mở rộng tại Đức.

“Mặc dù chúng tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào, nhưng chúng tôi không có kế hoạch nào vào thời điểm này”, công ty nói với The Epoch Times vào ngày 23/12 mà không giải thích thêm.

Năm ngoái, công ty cho biết họ đang trong giai đoạn “đàm phán sớm” với Đức về việc mở rộng hoạt động ở đó. TSMC cho biết họ sẽ cân nhắc các khía cạnh như trợ cấp của chính phủ và nhu cầu của khách hàng trước khi đưa ra quyết định.

Công ty Đài Loan cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy Nhật Bản đầu tiên tại tỉnh Kumamoto. Nhà lập pháp Nhật Bản Yoshihiro Seki cho biết vào hôm thứ 6 (23/12) rằng TSMC đang xem xét xây dựng nhà máy thứ hai tại Nhật Bản.

“Tôi tin rằng TSMC đang xem xét đầu tư thêm vào Nhật Bản. Chúng tôi cần tạo ra một môi trường khiến họ nghĩ rằng họ muốn thực hiện các dự án tiên tiến với chúng tôi”, ông Seki nói với Reuters.

TSMC cho biết họ không loại trừ khả năng xây dựng một nhà máy thứ hai ở Nhật Bản nhưng hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Mở rộng tại Mỹ

Nhà sản xuất chip này cũng đang xây dựng một nhà máy ở bang Arizona của Mỹ. Người sáng lập TSMC, ông Morris Chang, cho biết vào ngày 02/11 rằng công ty của ông đang đưa quy trình sản xuất chip 3 nanomet (nm) tiên tiến nhất của mình đến nhà máy sắp tới ở Arizona.

TSMC vẫn chưa có kế hoạch mở rộng sang Đức
Tổng thống Joe Biden (giữa) chào đón các công nhân khi ông đi thăm Cơ sở Sản xuất Chất bán dẫn TSMC ở Phoenix, Arizona, vào ngày 06/12/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Sự thống trị lâu dài của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip toàn cầu được coi là “lá chắn silicon” của hòn đảo này trước sự xâm lược của Trung Quốc. Được dẫn dắt bởi TSMC, hơn 90% chip tiên tiến của thế giới được sản xuất tại hòn đảo tự trị này cùng với hơn một nửa sản lượng bán dẫn của thế giới.

Trung Quốc và phần còn lại của thế giới phụ thuộc mạnh mẽ vào khả năng sản xuất chip tiên tiến của Đài Loan. Chất bán dẫn do Đài Loan sản xuất là thành phần thiết yếu trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại, từ điện thoại thông minh đến máy bay.

Là một nút thắt quan trọng đối với một loại hàng hóa quan trọng, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động vận hành của hòn đảo sẽ là thảm họa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

Về vấn đề này, nhiều người lo ngại rằng kế hoạch sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ của TSMC sẽ làm suy yếu an ninh của hòn đảo. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng TSMC sẽ giữ những công nghệ tiên tiến nhất của mình ở lại trên hòn đảo này.

Ông Hsu Chin-Huang, một chuyên gia CNTT, nói với The Epoch Times vào ngày 25/11 rằng TSMC có chính sách “N trừ 1”, nghĩa là họ sẽ luôn giữ công nghệ chip tiên tiến nhất của mình ở lại Đài Loan. Ông Hsu nói rằng nguyên tắc này vẫn không thay đổi.

Ông cho biết nếu TSMC mang quy trình 3 nm của mình đến Mỹ, công ty có thể sản xuất hàng loạt phiên bản tiên tiến hơn ở Đài Loan, chẳng hạn như chip 2 nm hoặc 1 nm.

Nói chung, trong chế tạo chất bán dẫn, quy trình công nghệ càng nhỏ thì chip càng tiên tiến. Nút công nghệ càng nhỏ, mật độ tranzito càng cao và mức tiêu thụ điện năng của chip càng thấp, dẫn đến hiệu suất cao hơn.

Tuy nhiên, quy trình sản xuất nhỏ hơn đòi hỏi vật liệu và thiết bị tiên tiến hơn và sẽ tạo ra chi phí lớn hơn trong nghiên cứu và phát triển cũng như sản xuất.

“Theo cách bố trí của TSMC, việc sản xuất chip 3 nm ở Mỹ chủ yếu để cung cấp những sản phẩm mà Washington cho là nhạy cảm hơn và phải được sản xuất trong nước. Đài Loan sẽ vẫn duy trì công suất sản xuất chip 3nm và chi phí sản xuất của Đài Loan sẽ thấp hơn”, ông Hsu nói.

“Giả sử đơn giá chip do Đài Loan sản xuất thấp hơn do Mỹ sản xuất. Trong trường hợp đó, các quốc gia khác vẫn sẽ ưu tiên mua hàng từ Đài Loan do đó việc sản xuất của phía Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến công suất sản xuất địa phương của Đài Loan”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

TSMC vẫn chưa có kế hoạch mở rộng sang Đức