TTCK rực lửa như 'địa ngục', 5 siêu ngân hàng Mỹ mất 300 tỷ USD vốn hoá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc họp hôm nay (15/6), Cục dự trữ liên bang Mỹ chính thức tuyên bố họ sẽ nâng lãi suất mục tiêu lần thứ ba liên tiếp trong tháng Sáu. Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và toàn cầu đỏ rực lửa như 'địa ngục' trong suốt một tuần giao dịch. 5 siêu ngân hàng thương mại Mỹ mất tới 300 tỷ USD vốn hoá thị trường sau một năm. Bóng ma khủng hoảng tài chính toàn cầu đang dần hiện hữu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nâng phạm vi lãi suất mục tiêu lần thứ ba liên tiếp trong phiên họp hôm nay (15/6) với Uỷ ban Thị trường mở liên bang; cuộc họp dự kiến diễn ra trong hai ngày. Dù chưa cho biết sẽ tăng bao nhiêu điểm, các nhà đầu tư đặt cược vào mức tăng 75 điểm phần trăm (0,75%) thay vì 50 điểm phần trăm (tương ứng với 0,5%) như dự kiến ban đầu. Lạm phát bất ngờ tăng cao ngoài dự kiến là nguyên nhân dẫn tới kỳ vọng này.

Fed sẽ đưa ra các dự báo kinh tế và mức lãi suất mới cũng như dự báo lãi suất. Cuộc họp báo của Chủ tịch Fed sau đó sẽ được xem xét kỹ lưỡng để tìm ra manh mối liệu Fed có tăng lãi suất mạnh hơn hay không. Vào tháng 3/2022, các nhà hoạch, định chính sách ước tính lãi suất chính sách của Fed vào cuối năm 2022 vào khoảng 1,9%.

Quyết định chính thức của Fed sẽ đưa ra vào ngày mai (16/6).

TTCK đỏ rực lửa

Trong những ngày đón nhận toàn tin xấu như lạm phát tăng cao, Fed dự kiến tăng lãi suất, giá hàng năng lượng tăng vọt, khủng hoảng lương thực nhãn tiền, thị trường toàn cầu đỏ rực lửa "như địa ngục".

Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm 8,48% trong 5 phiên giao dịch gần đây, mức giảm mạnh nhất trong tuần. So với đầu năm 2022, chỉ số này đã mất 16,44%. Chỉ số S&P 500 còn giảm sâu hơn, tới hơn 10% chỉ trong 5 ngày giao dịch liên tiếp; mất tới 21% so với đầu năm 2021.

Cùng với sự đổ vỡ của TTCK, thị trường tiền điện tử (hợp đồng tương lai) cũng tiếp đà lao dốc không phanh; Bitcoin giảm mất tới 17% trong ngày thứ Hai khi có thông tin rằng công ty cho vay tiền điện tử là Celsius Network bị đóng băng tài khoản.

Dòng tiền từ bỏ các thị trường đầu cơ trước đó, đổ về thị trường trái phiếu chính phủ. Trái phiếu kho bạc 5 năm đã tăng đột biến lợi tức 3,38%, tăng 50 điểm cơ bản trong một tháng, dẫn đến đường cong lợi suất đảo ngược so với trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, lợi suất 3,27%; sự đảo ngược báo hiệu trước nguy cơ suy thoái gia tăng.

Năm siêu NHTM của Mỹ mất 300 tỷ USD vốn hoá sau một năm

Tính đến giá đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước (10/6/2022), năm siêu ngân hàng của Hoa Kỳ, những NHTM cấu thành cốt lõi của hệ thống tài chính Hoa Kỳ, đã bị mất hơn 300 tỷ vốn hoá thị trường chỉ sau một năm (10/6/2021)

Citigroup, vốn bị đánh giá là tồi tệ nhất về mức giá lao dốc, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, mất 56,6 tỷ USD vốn hoá thị trường. Giá cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái; siêu NHTM này đã chứng kiến ​​vốn hóa thị trường của mình bốc hơi 120 tỷ USD trong một năm, đó là bởi vì nó có lượng cổ phiếu lưu hành lớn đến kỳ lạ là 2,94 tỷ cổ phiếu đang bị chảy máu.

Bank of America đã giảm giá cổ phiếu tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái, vốn hoá giảm tương ứng là 68,67 tỷ USD. Morgan Stanley giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, thổi bay 25 tỷ USD vốn hoá thị trường; và Goldman Sachs đã mất 23% giá trị, tương ứng 29,85 tỷ USD sau một năm.

Năm siêu NHTM Mỹ, trụ cột của nền tài chính lớn nhất toàn cầu, mất 300 tỷ USD trong một năm là một tin rất xấu. Nhưng điều tồi tệ nhất chưa phải là tin tức này, 5 siêu NHTM Mỹ nắm giữ tới 85% lượng tài sản phái sinh của Mỹ; tổng lượng tài sản phái sinh gấp 11 lần GDP toàn nước Mỹ và lượng tài sản phái sinh của 5 NHTM lớn nhất toàn cầu gấp 10 - 13 lần tổng tài sản của họ.

Tài sản phái sinh, nếu được mua bằng đúng khoản NHTM đầu tư, thì đó là để bảo hiểm rủi ro cho các khoản tiền đầu tư của họ. Nhưng thực tế, tài sản phái sinh của các NHTM đã lớn hơn 10 - 13 lần tổng tài sản có của các NHTM. Điều này cho thấy các siêu NHTM của Mỹ đã đánh một canh bạc lớn trên rủi ro thị trường cơ sở.

Tất cả các rủi ro này đang đổ lên đầu người gửi tiền và đầu tư Mỹ và toàn cầu. Bóng ma khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dần hiện hữu.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

TTCK rực lửa như 'địa ngục', 5 siêu ngân hàng Mỹ mất 300 tỷ USD vốn hoá