TTCK Việt Nam giảm mạnh thứ hai thế giới, sau Nga - Cú hãm phanh 'Tay to' tạo lập thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trở thành thị trường lao dốc nhanh thứ hai thế giới (sau chỉ số MOEX của Nga) ngay sau giai đoạn tăng tốc cao nhất thế giới được ghi nhận 2 năm trước đó. Rõ ràng, sự ra đi của FLC, Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát nên là tin tốt cho thị trường. Nhưng việc xử lý các ông lớn BĐS lừa đảo trên TTTC lại dính líu tới các tổ chức tài chính vốn là kẻ tạo lập chính trên thị trường...

Từng tăng trưởng kỷ lục nhờ đòn bảy

Đã từng là thị trường chứng khoán (TTCK) có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020 - 2021, trong suốt đại dịch Covid-19. Từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2021, chỉ số HNX tăng 382% (gấp gần 4 lần) trước khi lao dốc. Cũng trong quãng thời gian này, chỉ số chứng khoán VN-Index trên HOSE tăng 148% (gần 1,5 lần).

TTCK Việt từng tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020 - 2021 và giờ đang lao dốc với tốc độ lớn thứ hai thế giới sau cú sốc kép (Nguồn: Trading Economics, ảnh chụp màn hình chỉ số HNX và VNIndex 2002 -10/10/2022 bởi NTDVN)
TTCK Việt từng tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020 - 2021 và giờ đang lao dốc với tốc độ lớn thứ hai thế giới sau cú sốc kép (Nguồn: Trading Economics, ảnh chụp màn hình chỉ số HNX và VNIndex 2002 -10/10/2022 bởi NTDVN)

Tốc độ tăng trên TTCK đã hấp dẫn lượng kỷ lục các nhà đầu tư mới (F0) mở tài khoản tại các công ty chứng khoán và tham gia giao dịch. Một dòng vốn khổng lồ từ tiết kiệm của dân cư, từ đòn bảy tài chính của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và 'margin' của các CTCK đã đổ vào thị trường. Tất cả tạo nên quãng thời gian mà khối lượng giao dịch và thanh khoản bình quân trên thị trường đạt mức kỷ lục nhất kể từ khi TTCK Việt Nam đi vào hoạt động.

Đây cũng là quãng thời gian mà TTCK không còn là hàn thử biểu của nền kinh tế, vốn trở nên rất khó khăn, kiệt quệ sau 2 năm đại dịch và nhiều tháng phong toả chống dịch. Đây là thời gian mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường, nợ xấu đang gia tăng trong hệ thống NHTM, thu nhập của người dân suy giảm và nguy cơ lạm phát trong nước bùng phát theo xu thế toàn cầu. Rõ ràng, đòn bảy tài chính, đặc biệt cơ chế đòn bảy cầm lái bởi các CTCK có hậu thuẫn của NHTM, đã tạo nên kỷ lục thị trường chứng khoán cho tới tháng 12/2021.

Fed tăng lãi suất mạnh hơn và cơn địa chấn Vạn Thịnh Phát: bề nổi của tảng băng trôi

Cho tới hôm nay 10/10/2022, thị trường chứng khoán Việt đang lao dốc nhanh nhất toàn cầu. HNX mất tới 40% trong khi VNindex mất tới 25,7% so cùng kỳ 2021.

Mức mất điểm này (so cùng kỳ 2021) trở thành mức mất điểm lớn nhất so với các chỉ số khác khắp toàn cầu, trừ chỉ số MOEX của Nga, hiện mất tới 54,11% so với cùng kỳ 2021 khi nền kinh tế này đang ngày càng bị cô lập hơn bởi các đòn trừng phạt kinh tế do thực hiện cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Giải thích cho nguyên nhân TTCK lao dốc, nguyên nhân trực tiếp phải kể đến là hai thông tin mang tính 'sóng thần' và 'động đất' với thị trường.

Mức độ giàu có của hộ gia đình Mỹ giảm kỷ lục 6,1 nghìn tỷ USD trong quý II
Nhà giao dịch làm việc trên sàn của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 26/08/2022 tại Thành phố New York. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1000 điểm sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Jerome Powell rằng Fed sẽ lại tăng lãi suất khi lạm phát tiếp tục tác động đến nền kinh tế Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Hai tin tức đó là: thứ nhất, tương lai tăng lãi suất cơ bản của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) sau tuyên bố cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày của khối OPEC+; thứ hai, tập đoàn BĐS thứ ba trong năm là Vạn Thịnh Phát (sau Tân Hoàng Minh và FLC) bị điều tra, các CEO và quản lý cấp cao của tập đoàn bị khởi tố tội "lừa đảo trái phiếu doanh nghiệp". Về cơ bản, tội danh của tập đoàn BĐS Vạn Thịnh Phát cũng tương tự với Tập đoàn BĐS Tân Hoàng Minh (lừa đảo TPDN), trong khi tội danh của ông chủ tập đoàn BĐS FLC là giao dịch bất minh, làm giá và thao túng trên TTCK.

Thực tế, kỳ vọng Fed tăng lãi suất mạnh hơn mức dự báo 0,5% trước đó trong kỳ họp tháng 11/2022 do OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng khiến TTCK khắp toàn cầu đỏ lửa; thị trường chứng khoán Việt Nam không ngoại lệ.

Khi lãi suất điều hành của Fed tăng nhanh hơn kỳ vọng, đồng USD tăng nóng hơn, đồng nội tệ mất giá nhiều hơn khiến dòng vốn gián tiếp tháo chạy khỏi các thị trường tài chính ở các nước đang phát triển và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/10, khối ngoại trong tuần đó đã bán ròng 652 tỷ đồng trên sàn HOSE, ghi nhận tuần thứ 7 liên tiếp dòng vốn ngoại rút ra khỏi sàn này, theo Cafef. Xu hướng khối ngoại bán ròng luôn mạnh hơn trong quý 4 hàng năm. Quý 4 năm nay, áp lực khối ngoại bán ròng sẽ chịu tác động tiêu cực hơn do lãi suất đồng USD đã tăng mạnh và nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Lãi suất đồng USD chịu nhiều tác động bởi leo thang xung đột địa kinh tế chính trị khó lường.

Khi dòng vốn ngoại tháo chạy, cả dòng vốn nâng đỡ cho thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư cũng yếu hơn, thị trường trong ngắn hạn có thể tiếp tục suy giảm.

Nhưng đây chưa phải là nỗi lo ngại thực sự của thị trường. Vụ bắt giữ ông lớn BĐS lần thứ 3 trong năm và siết lại chế tài quản lý giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới là đòn hãm phanh đòn bảy mạnh nhất vào TTCK Việt Nam. Một cách khách quan, việc chính phủ Việt Nam dọn dẹp thị trường tài chính, các ông lớn BĐS đang câu kết với NHTM, CTCK để làm mưa làm gió trên thị trường, tạo cung - cầu - giá ảo ở cả thị trường BĐS và tài chính là điều đáng ca ngợi. Về dài hạn, đây là thông tin tốt.

Dù vậy, nhất thời, cú hãm phanh này lại nhằm vào chính các NHTM, CTCK, những ông lớn BĐS, vốn là kẻ tạo lập thị trường, tạo ra đòn bảy lớn nhất, sân chơi lớn nhất trên thị trường tài chính. Nôm na là, cú đòn này đánh vào nhóm có khối lượng vốn và đòn bảy mạnh nhất. Các NHTM, CTCK còn lại buộc phải dừng lại sự tham lam của họ để điều chỉnh bảng cân đối, điều chỉnh danh sách khách hàng nếu không muốn có kết cục tương tự.

NHTM và CTCK đứng sau các ông lớn BĐS bị truy tố

Chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, tội danh truy tố và điều tra của cả 3 Tập đoàn BĐS nêu trên là liên quan tới lừa đảo tài chính trên thị trường chứng khoán. Với FLC là thao túng, làm giá trên trên cả thị trường chứng khoán niêm yết (Tập đoàn này đã niêm yết trên sàn). Với Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát là trên thị trường trái phiếu do cả hai Tập đoàn BĐS này đều chưa niêm yết, chưa phải là công ty đại chúng.

Do vậy, mỗi vụ án đình đám đều đi kèm các cuộc điều tra mở rộng, liên đới tới CTCK.

Đi kèm với khởi tố FLC là Công ty chứng khoán BOS (theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT ngày 29/3/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.)

Bộ Tư pháp theo dõi việc kê biên tài sản vụ FLC, Tân Hoàng Minh
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. (Ảnh: chinhphu.vn/mps.gov.vn)

Đi kèm với khởi tố Tập đoàn BĐS Tân Hoàng Minh là việc rà soát lại hàng loạt các công ty chứng khoán.

Bộ Tài chính khẳng định, vụ án Tân Hoàng Minh xảy ra vì một số tổ chức phân phối trái phiếu (được hiểu là cả NHTM và CTCK) đã lôi kéo khách hàng cá nhân từ danh sách khách hàng sẵn có nhưng cung cấp thông tin không đầy đủ, không đúng bản chất của sản phẩm trái phiếu để chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Do vậy, Bộ Tài chính đã lên danh sách kiểm tra các công ty chứng khoán có hoạt động tư vấn đối với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, phát hành trái phiếu không rõ mục đích phát hành… Từ nay tới cuối năm, bộ này sẽ tiếp tục triển khai các đoàn kiểm tra hoạt động phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Còn với Vạn Thịnh Phát thì sao? Mặc dù chưa có thông tin liên quan hay liên đới tới CTCK cụ thể nhưng biến cố với ít nhất 01 CTCK đã xảy ra trong sự việc này. CTCP Chứng khoán Tân Việt cũng là công ty có liên quan tới Vạn Thịnh Phát. Mới đây, dư luận xôn xao khi Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành qua đời đột ngột hưởng dương 50 tuổi, chỉ vài giờ trước khi thông tin điều tra, khởi tố Tập đoàn BĐS Vạn Thịnh Phát được đưa ra. Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, trong danh sách đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan, có ông Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tăng kỷ lục bởi nguyên nhân nào sẽ giảm kỷ lục bởi nguyên nhân đó

Có nhiều phân tích lạc quan lan truyền trên mạng xã hội so sánh về cú sụp đổ TTCK hồi năm 2008 - 2009 và năm 2022 hiện nay ở Việt Nam. Người phân tích so sánh các chỉ số vĩ mô về quy mô nền kinh tế, dự trữ ngoại hối, lạm phát, lãi suất, các chuẩn mực giám sát hệ thống ngân hàng (Basel I, II)... để nhìn thấy rằng nền tảng vĩ mô 2022 cũng như các tiêu chuẩn giám sát ngân hàng thương mại đã hiện nay đã vững chắc hơn nhiều hồi năm 2008 - 2009. Điều này là sở cứ để đi tới kết luận rằng TTCK sẽ không 'đứt thắng phanh' như giai đoạn 2008 - 2009 trước đó.

Phân tích này không phải không có lý. Nhưng vấn đề ở chỗ, như trình bày về lý do tăng trưởng TTCK khó hiểu trong 2 năm đại dịch: sự thăng trầm của TTCK đã không còn xuất phát từ các phân tích cơ bản về vĩ mô, phân tích cơ bản về doanh nghiệp.

Ngoài ra, dù NHTM được quản lý tốt hơn bởi tiêu chuẩn Basel II hay thậm chí là Basel III thì rủi ro chung trên thị trường tài chính sẽ không giảm nếu NHTM vẫn có thể gạt các khoản đầu tư rủi ro từ bảng cân đối của họ sang cho các công ty con là CTCK. Rủi ro không vì các tiêu chuẩn Basel mà biến mất, nó chỉ chuyển từ bảng cân đối bị kiểm soát chặt chẽ này sang bảng cân đối không bị kiểm soát khác mà thôi.

Đáng buồn, TTCK Việt Nam, trong thời gian qua, đã tăng bởi một nguyên nhân khác, bởi vậy, nó sẽ giảm như 'mất phanh' bởi chính nguyên nhân đó.

CTCK là kẻ dẫn dắt thị trường bởi 'xung đột lợi ích'

Không phải là nền tảng vĩ mô hay triển vọng của doanh nghiệp đang dẫn dắt sự tăng trưởng hay điều chỉnh của TTCK Việt Nam. Mà chính các CTCK, đứng sau đó là dòng vốn từ NHTM và có 'thông đồng' hoặc 'thao túng' bởi sân sau BĐS đang thao túng và dẫn dắt TTCK.

Tại Việt Nam, theo một nguồn tin chính thống từ chính quyền, có tới 10 NHTM có công ty con là CTCK. Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận rằng hiện tượng sở hữu chéo, sân sau BĐS của các NHTM vẫn còn. Vấn đề cũ chưa được giải quyết thì vấn đề mới đã phát sinh. Hiện nay, làn sóng các doanh nghiệp BĐS mua bán và sáp nhập CTCK đang diễn ra rầm rộ. Tại sao các doanh nghiệp BĐS lại thích sở hữu hoặc là một NHTM có công ty con là CTCK hoặc là một CTCK đến thế?

Trên thị trường TPDN

Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát hay bất cứ công ty phát hành nợ nào khác, không thể phát hành nợ nếu không có các tổ chức tài chính, là công ty chứng khoán (CTCK) và ngân hàng thương mại (NHTM), song hành với vai trò độc lập: tư vấn phát hành, định giá tài sản đảm bảo, quản lý tài sản đảm bảo, quản lý tài khoản thanh toán…

Các tổ chức tài chính này là bên thứ 3 độc lập xác nhận giá trị tài sản, xác nhận giá trị doanh nghiệp, xác nhận tài khoản tài chính và đánh giá dự án độc lập, là đại lý phát hành, đại lý quản lý tài sản đảm bảo …Đây là các ‘công cụ’ bảo chứng, một trụ cột niềm tin cho các nhà đầu tư bỏ tiền ra mua TPDN.

Vấn đề ở chỗ, hệ thống thể chế hiện nay quy định quyền, nghĩa vụ với NHTM, CTCK đã tạo ra các xung đột lợi ích cực lớn. Bản thân các xung đột lợi ích tồn tại trên thị trường tài chính tạo ra ‘đồng phạm’, khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vàng thau lẫn lộn. Vì thể chế quá mất an toàn như vậy, các công ty chứng khoán và ngân hàng cũng không vi phạm luật, nhưng lại chính là ‘đồng phạm’ trong các cú lừa đảo tỷ USD như thế này.

Các NHTM và CTCK là những định chế vừa tư vấn phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp BĐS, vừa định giá TPDN, vừa bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành, vừa là người mua, nắm giữ TPDN BĐS cũng đồng thời là người bán TPDN cho các nhà đầu tư tư nhân. Điều này tạo ra xung đột lợi ích rất lớn trên thị trường tài chính. Ví dụ, nghi vấn các tổ chức tín dụng, các CTCK cấu kết với doanh nghiệp BĐS yếu kém phát hành TPDN để đáo nợ.

Tờ rơi giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, phát hành bởi công ty con trong hệ thống là Công ty CP Cung điện Mùa đông (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Thực tế, khủng hoảng TTCK ở Mỹ năm 2001 sau sự sụp đổ của Tập đoàn Enron do Tập đoàn kiểm toán Anderson vừa đóng vai trò tư vấn, vừa kiểm toán cho Enron. Trong trường hợp tại Việt Nam, các NHTM trong nước hiện còn đóng nhiều vai trò hơn Anderson cách đây 2 thập kỷ; xung đột lợi ích còn lớn hơn nhiều.

Bản thân các NHTM và CTCK ở Việt Nam sau khi tư vấn phát hành không có thực sự bảo lãnh cho khoản TPDN đó. Cam kết của họ chỉ dừng lại ở mức "bảo chứng" theo kiểu: "dòng tiền dự án của công ty A (công ty phát hành trái phiếu) cam kết đi qua tài khoản tại ngân hàng của chúng tôi, chúng tôi đảm bảo sẽ sử dụng nguồn tiền qua tài khoản của công ty A này thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho các trái chủ của công ty A như đã cam kết".

Rõ ràng, đây hoàn toàn không phải là cam kết bảo lãnh cho TPDN đó. Cách làm này vừa giúp các NHTM không phải trích lập dự phòng rủi ro cho bảo lãnh TPDN như một khoản tín dụng (theo luật), vừa không phải chịu trách nhiệm gì với các nhà đầu tư TPDN mà NHTM đó tư vấn bán. Đáng tiếc, một lượng lớn nhà đầu tư trong nước hiện còn nhầm lẫn khái niệm 'bảo chứng' với 'bảo lãnh'.

Bản thân nhân viên ngân hàng, nhân viên của công ty chứng khoán hoặc cả các doanh nghiệp phát hành TPDN như Tân Hoàng Minh, khi bán TPDN BĐS cho nhà đầu tư luôn dùng từ 'bảo lãnh', họ đã đánh tráo khái niệm tài chính căn bản chỉ để bán được hàng.

Kẻ tạo lập cho sự sôi động của thị trường TPDN chính là CTCK và đứng sau là NHTM (đầu tư, đổ vốn vào CTCK). Dòng vốn đầu tiên đổ ra, đỡ đầu cho các loại TPDN rủi ro này chính là tiền từ huy động vốn của NHTM mà ra.

Với thị trường cổ phiếu

Hiện nay, theo luật, các CTCK ở Việt Nam vừa được phép kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu để kiếm lời cho bản thân (gọi là tự doanh), vừa được phép thực hiện kinh doanh môi giới. Kinh doanh môi giới là quản lý tài khoản của nhà đầu tư tư nhân và cho họ vay 'margin' (cho vay một tỷ lệ nhất định theo các mã chứng khoán nhất định).
Các CTCK tự quyết định tỷ lệ cho vay margin. Như vậy, nếu các CTCK (một hoặc nhiều CTCK bắt tay với nhau) muốn thổi phồng giá của một mã nào đó, họ cho tỷ lệ margin cao, bản thân họ đổ tiền vào đầu cơ, mã cổ phiếu đó sẽ tăng. Họ có thể cùng nhau tạo thanh khoản, mất thanh khoản cho một số mã cổ phiếu, trái phiếu. Về lý thuyết là như vậy và thực tế vụ việc của FLC cũng chính là như thế.
Có vẻ như, các NHTM và CTCK (mà đứng sau hoặc cùng nhóm lợi ích là các ông lớn BĐS như nêu ở trên) vừa được đá bóng, vừa thổi còi vừa chọn cầu thủ trong sân chơi TTTC. Việc này hiển nhiên không chỉ đẩy mọi rủi ro về phía các nhà đầu tư nhỏ mà còn tạo ra thành tích tăng trưởng kỷ lục cho TTCK Việt Nam trong 2 năm đại dịch.
Lý do là chính các tổ chức, định chế tài chính như vậy mới đóng góp nguồn tiền lớn nhất tạo cầu và thanh khoản cho thị trường. Nguồn tiền từ các nhà đầu tư nhỏ, các nhà đầu tư mới F0 dù lớn đến đâu cũng được định hướng bởi các định chế này do tỷ lệ Margin, do tư vấn đầu tư và phân tích định hướng mà họ gửi đến.

Bởi vậy, nếu họ chính là nguyên nhân tạo ra tăng trưởng thần kỳ thì khi bị điều tra trong 3 vụ việc liên quan tới các đại gia BĐS nêu trên thì họ cũng sẽ là nguyên nhân khiến TTCK suy giảm 'ngoài sức tưởng tượng' như hiện nay.

Sức tàn phá của cơn sóng thần này có thể còn kéo dài bởi lần này nó chịu tác động kép từ rủi ro quốc tế với đồng USD, tăng trưởng trì trệ, xung đột, rủi ro khủng hoảng tài chính - ngân hàng gia tăng ở Mỹ và Trung Quốc... Về cơ bản, một tương lai không mấy sáng sủa sẽ tiếp diễn, ít nhất trong ngắn và trung hạn.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

TTCK Việt Nam giảm mạnh thứ hai thế giới, sau Nga - Cú hãm phanh 'Tay to' tạo lập thị trường