Tương lai của giá vàng đằng sau 2 kịch bản của nền kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bối cảnh kinh tế trong năm nay đang rất phù hợp để vàng tăng giá. Mặc dù vậy, đồng USD mạnh, lãi suất đang tăng tại Mỹ khiến giá vàng có phần suy yếu so với đầu năm. Đánh giá giá vàng sắp tới sẽ tăng hay giảm phụ thuộc vào cách nhìn nhận về nền kinh tế Mỹ.

Bối cảnh hoàn hảo để vàng tăng giá

Vàng, theo truyền thống là một tài sản chống lạm phát và một kênh đầu tư trú ẩn trong thời kỳ thị trường khó khăn, đang không phải là một khoản đầu tư hiệu quả trong năm nay.

Lạm phát đang tăng cao. Chỉ số Giá Tiêu dùng đã tăng 8,5% trong tháng 7 so với một năm trước, thấp hơn một chút so với mức 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6. Và mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi đôi chút thời gian gần đây, chỉ số S&P 500 vẫn giảm 17% tính từ đầu năm. Và kẻ thù trên lý thuyết của vàng, bitcoin - mà một số chuyên gia gọi là “vàng kỹ thuật số” - giảm khoảng 50% trong năm nay.

Tương lai của giá vàng đằng sau 2 kịch bản của nền kinh tế Mỹ
Nhà giao dịch làm việc trên sàn của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 14/06/2022 tại thành phố New York, Mỹ. Chỉ số Dow Jones tăng trong phiên giao dịch buổi sáng sau khi giảm hơn 800 điểm vào thứ Hai (13/06/2022), khiến thị trường rơi vào vùng giảm điểm do lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Tất cả những điều này gợi ý một bối cảnh hoàn hảo để vàng tăng giá mạnh, phải không? Nhưng đây là một kết luận sai lầm.

Mặc dù vàng không phải là loại tài sản có giá trị biến động xấu nhất, nhưng nó vẫn bị suy yếu. Giá vàng đã giảm khoảng 6% kể từ hôm 01/01. Chỉ số khai thác vàng NYSE Arca cũng giảm hơn 24% trong năm.

Có một vài lý do giải thích cho điều này, mặc dù các điều kiện để vàng tăng giá dường như đã chín muồi.

Lý do vàng không tăng giá

Đầu tiên, vàng được định giá bằng USD. Vì vậy, đồng USD càng mạnh thì càng cần ít USD hơn để mua một ounce vàng. Đó là một sự thật về mặt toán học và kỹ thuật.

Trong khi lạm phát của Mỹ đang tăng nóng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đang tập trung vào việc tăng lãi suất chuẩn. Và quan trọng hơn, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào các đợt tăng lãi suất nữa trong tương lai. Trong khi nhiều nhà kinh tế tin rằng Fed đã đi sau đường cong trong việc “bình thường hóa” lãi suất (vẫn cần tăng thêm lãi suất), trên cơ sở tương đối, Fed đã hành động nhanh hơn trong việc tăng lãi suất so với các Ngân hàng Trung ương quốc gia khác.

Lãi suất tương đối cao so với các quốc gia khác đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ và củng cố đồng USD. Tính từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng hơn 13% so với đồng EUR và hơn 20% so với đồng JPY (yên Nhật).

Sức mạnh này của đồng USD đã giới hạn mức tăng giá vàng trong thực tế.

Yếu tố cản trở khác là lãi suất. Việc Fed tăng lãi suất cũng đã làm giảm giá trái phiếu (trái phiếu mới với lãi suất cao hơn sẽ khiến các trái phiếu cũ giảm giá). Điều này có nghĩa là lợi suất của các loại công cụ đem lại thu nhập cố định khác nhau, chẳng hạn như nợ của chính phủ, công ty, thành phố và người tiêu dùng, sẽ tăng lên khi giá của chúng giảm xuống. Những cơ chế như vậy làm cho trái phiếu trở thành một khoản đầu tư ngày càng hấp dẫn.

Tương lai của giá vàng đằng sau 2 kịch bản của nền kinh tế Mỹ
Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều trần trước Ủy ban Các vấn đề Đô thị, Nhà ở và Ngân hàng Thượng viện ngày 22/06/2022 tại Washington, DC. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

Lãi suất cao có lẽ là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến vàng. Vàng, như một loại hàng hóa, không trả lãi. Vì vậy, lợi suất trái phiếu cao hơn là một cơ sở chống lại lại việc đầu tư vào vàng.

Kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại khoảng 2.100 USD / ounce vào năm 2020, vàng đã liên tục giảm giá.

Vậy liệu sức hấp dẫn của vàng như là một loại tài sản phòng ngừa lạm phát và kênh đầu tư trú ẩn đã kết thúc?

Điều đó phụ thuộc vào việc bạn đánh giá triển vọng kinh tế Mỹ như thế nào.

Sức hấp dẫn của vàng phụ thuộc vào cách đánh giá kinh tế Mỹ

Lập luận chống lại vàng nằm ở niềm tin rằng Ngân hàng Trung ương có thể kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất và cố gắng đạt được "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ và tránh suy thoái sâu (hạ nhiệt nền kinh tế mà không gây suy thoái nặng).

Đó thực sự là luận điểm của Capital Economics, tổ chức dự báo giá vàng cuối năm là 1.650 USD. Đó không phải là sự sụt giảm quá lớn so với mức giá hôm nay, nhưng mức giảm khiêm tốn sẽ được củng cố bởi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm nằm trong phạm vi 3%.

Cho đến nay, đó là con đường mà Fed hy vọng nền kinh tế quốc gia đang trải qua. Biên bản cuộc họp tháng 8 cho thấy các nhà hoạch định chính sách có ý định tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức có thể hạn chế tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đó luôn là kế hoạch, nhưng có một ranh giới nhỏ giữa việc hạn chế sự tăng trưởng và gây ra sự suy giảm sâu.

Nhưng nếu các bạn tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào thảm họa và Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ bị áp lực phải hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng, thì giá vàng có thể sẽ tăng cao hơn.

Một lập luận như vậy được đưa ra bởi nhà kinh tế học Nouriel Roubini - có biệt danh khá phù hợp là “Dr. Doom" (Tiến sĩ Diệt vong) - trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg TV.

Ông Roubini nhận thấy có hai lựa chọn cho nền kinh tế Mỹ. Một là Fed mạnh tay tăng lãi suất lên phạm vi 4 – 5,0%, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Lựa chọn khác là duy trì lạm phát cao trên 8% với lãi suất tương đối thấp hơn vì Fed sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng tăng lãi suất hoặc thậm chí giảm lãi suất do nền kinh tế yếu kém.

Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs & Co. cũng tin rằng Mỹ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái sâu.

Lạm phát tương đối cao và lãi suất tương đối vừa phải. Đó là môi trường chín muồi để vàng tăng giá.

Cát Duyên

Theo Fan Yu - The Epoch Times

Tác giả Fan Yu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đã có nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.



BÀI CHỌN LỌC

Tương lai của giá vàng đằng sau 2 kịch bản của nền kinh tế Mỹ