Tỷ giá gần chạm mốc 24.500 VND/USD chỉ sau một ngày NHNN nới biên độ lên 5%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay, tỷ giá tăng thêm 120 đồng, tương ứng với 0,49% trong phiên giao dịch. Tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng đang tiến gần tới mốc 24.500 VND cho mỗi USD, hiện ở mức 24.430 VND/USD. USD tự do vượt mốc 24,500 VND/USD. Sức ép tăng tỷ giá USD/VND tiếp tục mạnh hơn từ cả môi trường kinh tế trong nước và quốc tế.

Trước sức ép mất giá đồng VND ngày một lớn, tình trạng khan USD tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hôm qua, ngày 17/10, đã có động thái tăng biên độ tỷ giá điều hành lên +/-5% từ mức biên độ +/-3% trước đó.

Giá trị đồng VND so với các đồng tiền mạnh khác không được thả nổi tự do như nội tệ của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. NHNN điều hành tỷ giá bằng cách xây dựng một rổ các đồng ngoại tệ mạnh, có giao thương lớn với Việt Nam, tỷ giá VND được tính toán trên rổ ngoại tệ này. NHNN sẽ ấn định một mức tỷ giá trung tâm và đưa ra biên độ giao động quanh tỷ giá trung tâm này.

Các thực thể trong nền kinh tế như ngân hàng thương mại, doanh nghiệp chỉ được mua, bán ngoại tệ theo tỷ giá trung tâm cộng hoặc trừ đi biên độ biến động. Nói một cách khác, giá trị đồng VND bị neo lại theo tỷ giá chính sách, không hoàn toàn cố định nhưng cũng không phải là thả nổi. Mặc dù tuyên bố tỷ giá trung tâm dựa vào một rổ tiền tệ mạnh nhưng thực tế tỷ giá VND vẫn dao động theo xu hướng của đồng USD là chính.

NHNN nâng biên độ tỷ giá sau 3 lần bán mạnh USD để 'bình ổn' tỷ giá trên thị trường.

VinaCapital và ACBS ước tính NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 cho tới giữa tháng 9/2022. Tới thời điểm đó, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước giảm xuống mức 89 - 90 tỷ USD, tương đương với 12 tuần nhập khẩu. Mức dự trữ ngoại hối tương đương với 12 tuần nhập khẩu là tiêu chuẩn tối thiểu để đảm bảo ổn định ngoại hối, tỷ giá cho nền kinh tế. Đến nay, mức dự trữ ngoại hối có thể mỏng hơn so với ước tính hồi giữa tháng 9/2022.

Rõ ràng, bán ngoại hối dự trữ để ổn định tỷ giá không thể là quyết sách lâu dài. Việc để biên độ tỷ giá lỏng hơn, điều tiết tỷ giá ít sốc hơn đáng lẽ nên thực thi sớm hơn. Thực tế, áp lực đồng VND mất giá so với USD ngày một lớn, ở cả môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.

Cầu ngoại tệ đang lớn hơn cung tạo nên áp lực mất giá cho đồng nội tệ. Mặc dù Việt Nam có xuất siêu 9 tháng đầu năm 2022 lên tới 6,8 tỷ USD nhưng cầu tiêu dùng thế giới đang giảm dần, điều này sẽ tác động tới xuất khẩu và thu hẹp nguồn cung ngoại tệ.

Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chính, đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng giá do lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ dự kiến tiếp tục tăng mạnh trước thông tin tiêu cực về lạm phát. Điều này đã khiến dòng vốn, cả dài hạn và ngắn hạn, đổ về Mỹ để tìm trú ẩn an toàn. Thực tế, các nền kinh tế Châu Á đều đang chịu tác động tiêu cực từ xu hướng này, dự trữ ngoại hối của NHTW khắp Châu Á đang giảm đi, không chỉ riêng Việt Nam. Dòng vốn đặc biệt tháo chạy mạnh khỏi Trung Quốc nơi rủi ro tăng trưởng và bất ổn thị trường tài chính gia tăng bởi 'zero Covid'.

Dòng vốn ngoại đầu tư tài chính ngắn hạn đang bán ròng trên thị trường chứng khoán; đây là xu hướng khá rõ nét vào quý 4 hàng năm. Năm nay, trước biến động đồng USD, nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng vốn nóng bỏ chay khỏi các thị trường mới nổi và đang phát triển trở nên mạnh mẽ nhất trong 10 năm trở lại đây.

Thêm vào đó, cầu ngoại tệ phục vụ cho nhập khẩu hàng hoá để sản xuất theo mùa vụ tăng mạnh.

Một lý do nữa khiến tỷ giá tăng là kỳ vọng lạm phát đang tăng mạnh. Lãi suất huy động và cho vay hệ thống NHTM tăng mạnh do kỳ vọng lạm phát tăng, nợ xấu bộc lộ sau 2 năm khoanh, giãn nợ cũng như sau khi siết chặt các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Khó khăn tiếp cận nguồn vốn, chi phí vốn cao,.. đang tạo áp lực lớn doanh nghiệp cũng như thanh khoản của hệ thống NHTM. Dòng tiền tiết kiệm của người dân trong nước cũng trú ẩn ở USD, trong khi NHTM không thể huy động USD. Đó là chưa kể buôn lậu vàng cũng thúc đẩy cầu ngoại tệ tăng trên thị trường chợ đen. Tất cả đều đang tăng áp lực lên tỷ giá

Cầu ngoại tệ tăng, cung ngoại tệ có xu hướng giảm trong khi bộ đệm bảo vệ cho tỷ giá là dự trữ ngoại hối giảm dần đã khiến NHNN buộc phải nới lỏng hơn nữa tỷ giá trung tâm, giúp tỷ giá của khu vực liên ngân hàng tiến sát tới thị trường chợ đen hơn nữa, giảm méo mó về giá cả, thông tin trong hệ thống. Dù vậy, áp lực lên tỷ giá USD/VND vẫn đang tiếp tục cao, biến động tỷ giá về cơ bản là tiêu cực trong bối cảnh môi trường kinh tế trong và ngoài nước ngày một xấu đi như hiện nay.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ giá gần chạm mốc 24.500 VND/USD chỉ sau một ngày NHNN nới biên độ lên 5%