Tỷ phú Peter Thiel: Trung Quốc sử dụng Bitcoin làm 'vũ khí tài chính'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Peter Thiel, tỷ phú đồng sáng lập PayPal, lo ngại rằng Bitcoin đang được Bắc Kinh sử dụng như một vũ khí tài chính nhằm vào Mỹ. Nếu trả lời được câu hỏi ai đang thực sự nắm giữ cung - cầu và tạo sóng cho Bitcoin cũng như các rủi ro an ninh, tài chính toàn cầu khi Trung Quốc phát hành tiền kỹ thuật số, lời khuyên của ông Thiel không hề quá sớm hay quá lời với nước Mỹ và an ninh tài chính toàn cầu.

Ông Peter Thiel khuyên chính phủ Mỹ nên có những biện pháp quản lý, giám sát thỏa đáng với Bitcoin và bày tỏ lo lắng rằng người Trung Quốc đang sử dụng bitcoin để ăn mòn hệ thống tài chính của Mỹ. Ông Thiel đã đưa ra những bình luận nghe tại hội nghị bàn tròn ảo dành cho các thành viên của Quỹ Richard Nixon vào ngày 7 tháng 4 vừa qua.

Mỹ cần cẩn trọng trước công cụ Bitcoin và tiền điện tử do PBoC phát hành

Ông Thiel nói: “Mặc dù tôi là một người ủng hộ tiền điện tử, ủng hộ Bitcoin, nhưng tôi vẫn tự hỏi liệu tại thời điểm này, Bitcoin có nên được coi là một vũ khí tài chính của Trung Quốc chống lại Mỹ hay không?”

Nhận xét của Thiel về khả năng sử dụng Bitcoin như một “vũ khí tài chính của Trung Quốc” được đưa ra sau khi ông dự báo về mối đe dọa của nó [Bitcoin] đối với tiền pháp định, đặc biệt là đồng USD.

Điều này sẽ nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Theo ông Thiel, "stablecoin nội bộ" này sẽ không có gì khác ngoài, "một loại thiết bị kiểm soát toàn trị". Tuy nhiên, ông đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ xem xét các động thái quản lý, giám sát tiền điện tử này từ quan điểm địa chính trị.

Đây không phải là lần đầu tiên Thiel cảnh báo rủi ro tài chính, tiền tệ từ Trung Quốc. Vào cuối năm 2019, nhà đầu tư mạo hiểm liên tục ủng hộ công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco, Layer1. Đây là một nỗ lực để nâng Mỹ lên như một điểm nóng khai thác chống lại Trung Quốc và sự độc quyền khai thác Bitcoin của họ.

Ông Thiel không phải là người duy nhất có lập trường chống lại những ý định tiềm tàng của Trung Quốc với tiền tệ kỹ thuật số. Gần đây, nhà đầu tư nổi tiếng và chủ tịch của O'Shares ETFs, Kevin O'Leary, đã từ chối nhận bất kỳ Bitcoin nào được khai thác ở Trung Quốc.

Mặc dù ông O'Leary không đặc biệt gọi sự điên cuồng về tiền điện tử của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ, nhưng ông ấy chắc chắn sẽ nhắc lại những hành vi vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc đã vi phạm và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trong đoạn clip hơn 1 phút trên twitter của diễn đàn, ông Thiel không nhắc tới lý do tại sao cũng như cách thức mà Trung Quốc sử dụng tiền điện tử, cả Bitcoin và đồng tiền CBDC, làm vũ khí tấn công vào giá trị đồng USD cũng như chính sách kinh tế của Mỹ. Nhưng ông Thiel hoàn toàn có lý trong vấn đề này, tất cả những gì chúng ta đang chứng kiến dường như nằm trong một chiến lược toàn trị thế giới (chứ không phải chỉ nội bộ) của Trung Quốc, một chiến lược làm suy yếu và soán ngôi đồng USD trong một thập kỷ qua.

Trung Quốc đang thống trị tiền điện tử: cả ngầm và công khai

Trung Quốc chiếm tới 90% giao dịch Bitcoin và là kẻ đào tới 70% lượng Bitcoin trên toàn cầu và cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành tiền ảo pháp định. Vũ khí thực sự mà Trung Quốc sử dụng với tiền ảo để đối đầu với Mỹ, chia chác tài sản của người Mỹ sẽ là gì?

Với Bitcoin, Trung Quốc nắm giữ tới 90% lượng cầu và 70% lượng cung, như thế quyền lực thực sự với Bitcoin phải thuộc về Trung Quốc. Và hiển nhiên, sự thăng trầm của Bitcoin phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng chứa đựng rất nhiều ẩn số này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các “làn sóng” tăng, giảm do thao túng Bitcoin, Trung Quốc sẽ là kẻ "cầm dao đằng chuôi" trong việc chia chác lại nguồn lợi nhuận bằng tiền USD chảy về Trung Quốc mà Mỹ không thể giám sát được.

Thêm vào đó, Bitcoin có thể “vô hiệu hóa” phần nào đó các chính sách kinh tế cấm vận của Mỹ với các nền kinh tế đang tài trợ cho khủng bố hoặc quá độc tài như Triều Tiên, Iran (những nước này được Trung Quốc hậu thuẫn) hay chính bản thân Trung Quốc. Các giao dịch bằng tiền Bitcoin luôn là các giao dịch nằm ngoài mọi hệ thống tài chính chính thống, không có kiểm soát và giám sát đáng kể từ bất cứ chính quyền nào. Các hoạt động buôn lậu, tài trợ khủng bố, thao túng các loại tiền pháp định khác đều có thể được thỏa mãn bởi Bitcoin.

Bitcoin có thể “vô hiệu hóa” phần nào đó các chính sách kinh tế cấm vận của Mỹ với các nền kinh tế đang tài trợ cho khủng bố hoặc quá độc tài như Triều Tiên, Iran (những nước này được Trung Quốc hậu thuẫn) hay chính bản thân Trung Quốc.

Dĩ nhiên, quy mô của Bitcoin còn nhỏ, mức vốn hoá khoảng 600 tỷ USD, chỉ lớn gấp 2 lần GDP của Việt Nam. Dù vậy, khi khoản tiền này bị thao túng bởi Trung Quốc và nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, lượng tiền này đủ để Trung Quốc biến nó trở thành vũ khí tài chính hiệu quả làm suy giảm giá trị đồng USD cũng như tạo sóng phân phối lại tài sản USD từ Mỹ về Trung Quốc hoặc giả làm suy giảm chính sách trừng phạt của Mỹ.

Với tiền điện tử pháp định do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phát hành, đồng CBDC, rủi ro với nền tài chính Mỹ và thế giới cũng không hề nhỏ, dù ở phương diện khác với Bitcoin.

Financial Times đã nghiên cứu 84 hồ sơ công nhận bằng sáng chế của Trung Quốc về tiền kỹ thuật số và cho thấy: việc số hóa đồng Nhân dân tệ (CNY) đi kèm với công nghệ sẽ là công cụ để Trung Quốc kiểm soát thông tin không chỉ của người dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại trong nước mà còn cả các đối tác nước ngoài chấp nhận giao dịch đồng tiền kỹ thuật số qua nền tảng công nghệ của Trung Quốc.

Các bằng sáng chế được Financial Times xem xét và xác minh bao gồm các đề xuất liên quan đến việc phát hành và cung cấp một loại tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, một hệ thống thanh toán liên ngân hàng sử dụng tiền tệ và cũng bao gồm việc tích hợp ví tiền kỹ thuật số vào trong các tài khoản ngân hàng bán lẻ hiện hữu.

Phòng Thương mại Kỹ thuật số tiết lộ rằng nội dung của các bằng sáng sáng chế chứng tỏ Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều để số hóa đồng Nhân dân tệ, một đồng tiền đã khuấy động phương Tây và thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới bắt đầu khai thác các dự án tương tự.

Bà Perianne Boring, chủ tịch Phòng Thương mại Kỹ thuật số cho biết: “Vấn đề là Trung Quốc đã đầu tư rất lớn và đang thực hiện việc này rất nghiêm túc. Đó là sự khác biệt rất lớn so với cách tiếp cận của Mỹ và điều này càng làm nổi bật điều đó”. Năm 2014, Trung Quốc đã khởi động một dự án có tên DC/EP - hay Tiền tệ kỹ thuật số/Thanh toán điện tử - với mục đích số hóa một phần cơ sở tiền tệ hiện hữu của Trung Quốc hoặc tiền mặt đang lưu hành.

Các bằng sáng chế khác tập trung vào việc xây dựng thẻ chip tiền kỹ thuật số hoặc ví tiền kỹ thuật số mà người tiêu dùng qua ngân hàng có thể sử dụng một cách dễ dàng, những thẻ chip và ví tiền này có thể được liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng của họ. Ông Marc Kaufman, một đối tác và là luật sư về bằng sáng chế của Rimon Law, người đã làm việc với Phòng Thương mại về dự án này cho biết: “Hầu như tất cả các ứng dụng bằng sáng chế này liên quan đến việc tích hợp một hệ thống tiền kỹ thuật số vào cơ sở hạ tầng của ngân hàng hiện hữu”.

Theo bà Boring, trong khi một số bằng sáng chế đề cập đến việc đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng, thì lại không có cơ chế nào ngăn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn các giao dịch của người dùng. Các đồng tiền kỹ thuật số đề xuất mà PBoC có kế hoạch tạo ra nhận được sự ủng hộ. Những tiết lộ được đưa ra khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đẩy mạnh nỗ lực phát triển tiền kỹ thuật số trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành một nhân tố mạnh mẽ không thể ngăn cản trong đổi mới tài chính và có thể gây ảnh hưởng toàn cầu, không chỉ với Mỹ.

Ông Tim Morrison, một thành viên cao cấp tại tổ chức phi lợi nhuận Hudson Institute và là cựu phó trợ lý của Tổng thống Donald Trump về an ninh quốc gia, đã cảnh báo rằng các bằng sáng chế nói đến việc “Trung Quốc có khả năng áp đặt hiệu quả hệ thống của mình lên phần còn lại của thế giới” khi nước này theo đuổi Sáng kiến Vành đai và con ​​đường. “Kế hoạch này không thể kết thúc đồng đô la chỉ sau một đêm, nhưng họ đang bắt đầu xây dựng một giải pháp thay thế”, ông nói thêm.

Như vậy, khi đồng tiền kỹ thuật số của Bắc Kinh bắt đầu quan hệ quốc tế, các quốc gia Vành Đai - Con đường, tất cả các ngân hàng toàn cầu có quan hệ với PBoC với các NHTM Trung Quốc sẽ thay đổi giao dịch tiền tệ và nhanh chóng trở thành sân sau của đồng CNY chứ không phải USD.

Đó chính là tương lai của Mỹ và đồng USD khi Trung Quốc đã và đang trên con đường thống trị duy nhất tiền kỹ thuật số cả chính thức và phi chính thức trong khi Mỹ chưa có bất kỳ động thái hoặc hành động chiến lược nào cạnh tranh hoặc bảo vệ bản thân về phương diện này.

Đức Duy - Trà Nguyễn

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Tỷ phú Peter Thiel: Trung Quốc sử dụng Bitcoin làm 'vũ khí tài chính'