Ứng cử viên Tổng thống Mỹ DeSantis: Mỹ vẫn lao thẳng đến 'vỡ nợ' dù có thỏa thuận trần nợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thống đốc nổi tiếng của Florida không ủng hộ thỏa thuận trần nợ. Thỏa thuận này cũng nhận nhiều chỉ trích từ phe Cộng hòa, trong khi phe Dân chủ tỏ ra lưỡng lự.

Thống đốc Ron DeSantis (Cộng hòa - Florida) cho biết Mỹ vẫn sẽ “lao thẳng đến tình trạng vỡ nợ” cho dù Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa - California) đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ thêm 4 nghìn tỷ USD.

Ứng cử viên tổng thống năm 2024 đã xuất hiện trên “Fox & Friends” (Fox và những người bạn) vào Ngày Tưởng niệm của Mỹ và được hỏi về khả năng rạn nứt trong đảng Cộng hòa sau khi Tòa Bạch Ốc và lãnh đạo đảng Cộng hòa thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài chính, thứ bị một số người chỉ trích gọi là “Đạo luật Vô Trách nhiệm Tài chính”.

Ông DeSantis nói: “Trước thỏa thuận này, đất nước của chúng ta đang lao thẳng đến tình trạng vỡ nợ". “Và sau thỏa thuận này, đất nước chúng ta vẫn sẽ lao thẳng đến tình trạng vỡ nợ”.

Ông lưu ý rằng, việc thêm 4 nghìn tỷ USD vào khoản nợ quốc gia trong 18 tháng tới là một sự mở rộng của chi tiêu trong thời kỳ đại dịch và chính phủ liên bang đang duy trì mức chi tiêu COVID đó. Ông DeSantis cho biết, thỏa thuận này “hoàn toàn không đủ” để cải thiện tình hình ngân sách.

Ông nói thêm: “Họ tiến hành những chu kỳ này chỉ để vượt qua cuộc bầu cử tiếp theo". “Và cuối cùng, đó là một trong những lý do tại sao chúng tiếp tục thất bại”.

Thống đốc tuyên bố rằng nền kinh tế trị giá 1,2 nghìn tỷ USD của Florida duy trì thặng dư ngân sách lớn với tỷ lệ nợ trên đầu người thuộc hàng thấp nhất nước Mỹ.

Trong năm tài chính vừa qua, Florida đã đạt mức thặng dư kỷ lục 21,8 tỷ USD và giảm được 1,3 tỷ USD nợ, với mức tăng doanh thu khoảng 17%.

Suy nghĩ của phe Cộng hòa

Đang có một phản ứng dữ dội đang gia tăng từ các thành viên nhóm lập pháp Cộng hòa xung quanh các chi tiết trong kế hoạch của ông McCarthy.

Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng hòa - Kentucky) đã chỉ trích kịch liệt “những người bảo thủ giả tạo” đã đồng ý “các cắt giảm chi tiêu giả tạo”.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ DeSantis: Nước Mỹ vẫn hướng đến phá sản sau thỏa thuận trần nợ
Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng hòa - Kentucky) lắng nghe trong phiên điều trần của Thượng viện trên Đồi Capitol ở Washington, Mỹ, vào ngày 14/09/2022. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images)

“Thỏa thuận sẽ tăng chi tiêu bắt buộc ~5%, tăng chi tiêu quân sự ~3% và duy trì chi tiêu tùy ý phi quân sự hiện tại ở mức hậu COVID. Không có sự cắt giảm thực sự nào ở đây”, ông Paul đăng lên Twitter vào ngày 28/05. “Những người bảo thủ lại một lần nữa bị phản bội!”

Theo Dân biểu Matt Rosendale (Cộng hòa - Montana), gói tài chính “tiếp tục tài trợ cho kế hoạch chính sách cấp tiến của đảng Dân chủ và chính quyền Biden”, gọi thỏa thuận này là “Đạo luật Vô Trách nhiệm Tài chính”.

Ông Rosendale cho biết: “Đây rõ ràng là một sự xúc phạm đối với người dân Mỹ khi ủng hộ một đạo luật tiếp tục khiến tương lai tài chính của đất nước chúng ta gặp rủi ro". “Những người Montana đã không cử tôi đến Washington để ủng hộ công việc như thường lệ, đó là lý do tại sao tôi sẽ bỏ phiếu CHỐNG LẠI Đạo luật Vô trách nhiệm Tài chính”.

Ông Justin Amash, một cựu Nghị sĩ từ Michigan, đã mô tả đạo luật trên Twitter là “thỏa thuận trì hoãn tột cùng”.

Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng hòa - Utah) đã lên mạng xã hội để chỉ trích thỏa thuận này, nói rằng “lời hứa cắt giảm chi tiêu trong tương lai là giả tạo”. Thượng nghị sĩ cũng nhắc lại lời nhiều đồng nghiệp của ông nói, rằng đảng Dân chủ “thích thỏa thuận này”.

“Dự luật trần nợ là một thành công đáng kinh ngạc trong việc đoàn kết các đảng viên đảng Dân chủ”, ông Lee viết.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Utah, ông Mitt Romney, đã ăn mừng thỏa thuận này, viết trong một tuyên bố rằng nó "đại diện cho một thỏa hiệp lưỡng đảng có thiện chí".

“Thỏa thuận này tốt cho đất nước ở chỗ nó ngăn ngừa vỡ nợ và khủng hoảng tài chính sau đó, đồng thời hạn chế chi tiêu. Ngoài ra, lãnh đạo Hạ viện đã đấu tranh thành công cho các ưu tiên bảo thủ”, ông Romney nói.

Một ứng cử viên cuộc đua tổng thống năm 2024 khác, ông Vivek Ramaswamy, đã xác nhận trên Twitter rằng ông không tán thành thỏa thuận trần nợ.

“Chúng ta cần suy nghĩ theo khung thời gian của lịch sử, chứ không phải chu kỳ bầu cử 2 năm. Chúng ta nên ủng hộ các nguyên tắc, chứ không phải chủ nghĩa gia tăng dần dần hoặc việc làm đẹp tình hình. Tôi sẽ không xin lỗi vì điều đó”, ông nói.

Ông Ramaswamy đã khuyến khích những người Cộng hòa muốn thách thức Tòa Bạch Ốc thông báo cho công chúng biết quan điểm của họ về thỏa thuận.

Ngoài ông DeSantis và ông Ramaswamy, các ứng viên Tổng thống còn lại của đảng Cộng hòa vẫn đang im lặng về thỏa thuận.

Tình hình phe Dân chủ

Tòa Bạch Ốc sẽ tổ chức trao đổi với các đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện vào ngày 29 và 30 tháng 5 để thảo luận chi tiết về thỏa thuận trần nợ. Các cuộc họp dự kiến sẽ tập trung vào chính sách năng lượng và việc điều chỉnh các chương trình viện trợ liên bang, bao gồm Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) và Hỗ trợ Tạm thời cho các Gia đình Nghèo khó (TANF).

Dân biểu Ro Khanna (Dân chủ - California) nói với NBC News vào ngày 28/05 rằng, ông vẫn chưa quyết định về vấn đề này và rằng “phần lớn” các thành viên trong nhóm Dân chủ Hạ viện đang liên tục thay đổi lập trường của họ về vấn đề.

Tổng thống Biden và các đảng viên đảng Dân chủ cấp cao khác đã thúc giục Hạ viện và Thượng viện thông qua thỏa thuận vì “nó loại bỏ mối đe dọa vỡ nợ thảm khốc”.

Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa sẽ được chuyển đến hạ viện để bỏ phiếu vào ngày 30/05.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ DeSantis: Mỹ vẫn lao thẳng đến 'vỡ nợ' dù có thỏa thuận trần nợ