Vải thiều chín đúng lúc làn sóng Covid-19 thứ tư kéo đến, người dân trồng vải có ‘gặp khó’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 27-5 vừa qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về trường hợp người dân đi bán vải chín sớm bị thương lái thu mua ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg. Thực hư ra sao?

Theo tìm hiểu, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, huyện Lục Ngạn đã vào vụ thu hoạch vải chín sớm, nhìn chung việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi.

Đối với sản phẩm quả vải chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, được cấp mã số vùng trồng thì có giá bán ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg. Các loại vải chín sớm khác có giá bán dao động theo phân loại sản phẩm và nhu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Bắc Giang cho biết trên báo Tiền Phong, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, 20 tấn vải thiều tỉnh Bắc Giang xuất sang Nhật Bản (ngày 26/5) đã bán gần hết trong vòng 1 ngày. Vải thiều Bắc Giang được đưa vào siêu thị tại Nhật với giá niêm yết 1.650 yên/kg (tương đương khoảng 340 nghìn đồng Việt Nam).

Trước những phản hồi, đánh giá tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản, thời gian tới, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng một 1.000 tấn sang "Đất nước mặt trời mọc" này. Được biết, Nhật Bản là một trong những thị trường cao cấp, khó tính. Khi vải thiều tiêu thụ được vào quốc gia này càng sẽ càng khẳng định uy tín của sản phẩm, như một giấy “thông hành” có thể tiếp cận các thị trường khác.

Cũng theo ông Thọ, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với doanh nghiệp nước này tạo kênh bán vải Bắc Giang thông qua hình thức online, qua đó quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản.

Chuyến khởi đầu “thuận buồm, xuôi gió” giúp người trồng vải, doanh nghiệp xuất khẩu thêm động lực, tự tin đưa vải thiều sang thị trường khó tính bậc nhất này.

Sau khi xuất khẩu thành công 20 tấn vải thiều sang Nhật Bản, ngày 28/5, Công ty cổ phần New Ag Tecnologies Việt Nam (Hà Nội) thu mua 5 tấn vải thiều sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) xuất khẩu đi thị trường Mỹ.

Theo báo Bắc Giang, toàn bộ số vải này được chăm sóc theo quy trình GlobalGAP cho quả chất lượng, cùi dày, giòn, ngọt thanh, mã đẹp. Vải được cắt cuống, đóng gói tạm thời trong thùng xốp, sau đó được xử lý tại một cơ sở tại tỉnh Nam Định, xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, ngày 27-5, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về trường hợp người dân đi bán vải chín sớm bị thương lái thu mua ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg. Nhưng qua quá trình UBND huyện Lục Ngạn tổ chức kiểm tra, tìm hiểu thì thông tin này là không đúng sự thật.

Năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 30 mã vùng trồng, tương đương 219,45 ha vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Sản lượng xuất khẩu ước khoảng 1.800 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020. Toàn bộ diện tích vải này được chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, tiêu thụ trong và ngoài nước.

Hoàng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Vải thiều chín đúng lúc làn sóng Covid-19 thứ tư kéo đến, người dân trồng vải có ‘gặp khó’?