Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Đất nước rơi vào hỗn loạn. Ngoài những tác động bởi đại dịch và chiến tranh Nga - Ukraine, nhà xuất khẩu trà lớn thứ hai thế giới và cũng là điểm đến du lịch nổi tiếng này còn phải nhận về nhiều thiệt hại nghiêm trọng bởi sa chân vào bẫy nợ Vành đai và Con đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry đã cảnh báo Quốc hội rằng nước này có dưới 50 triệu USD dự trữ ngoại hối dùng để đối phó với các cú sốc nghiêm trọng - bao gồm đại dịch, giá dầu tăng vọt và sự cắt giảm nguồn thu từ thuế của chính phủ. Ông cho biết sẽ cần khoảng 3 tỷ USD viện trợ của nước ngoài trong 6 tháng tới.

Ông Sabry cho biết các chính quyền trước đây thường dùng các khoản vay mới để trả các khoản vay cũ; đồng thời không bao giờ dùng các khoản vay để đầu tư và và không bao giờ sử dụng lợi nhuận để thanh toán các khoản vay. Đó là lý do tại sao nợ nước ngoài của Sri Lanka đã tăng lên 51 tỷ USD. Ông cảnh báo rằng đất nước sẽ gặp phải khó khăn chưa từng có về kinh tế trong vòng ít nhất 2 năm.

Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, Sri Lanka chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi bẫy nợ Vành đai và Con đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Người dân xếp hàng để đổi bình gas. Họ xếp vỏ bình chặn một đường giao thông lớn ở Colombo sau khi cửa hàng ở địa phương hết hàng, ngày 08/05/2022. (Ảnh: Ishara S. Kodikara / AFP qua Getty Images)

Người dân Sri Lanka đã phải hứng chịu nhiều tuần mất điện trên diện rộng và tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhiên liệu, thuốc men, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản khác. Trung bình, giá hàng hóa tại đây đã tăng gấp đôi và lạm phát hằng năm tính đến tháng 4 đã lên gần 30%.

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã tăng lãi suất thêm 700 điểm trong một lần, lên 14,5% đối với các khoản cho vay và 13,5% đối với tiền gửi, để đối phó với con sóng thần sụp đổ kinh tế.

Trước hoàn cảnh khó khăn như vậy, người dân Sri Lanka đã xuống đường yêu cầu chính phủ gia đình do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đứng đầu phải từ chức. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã diễn ra gần như hằng ngày kể từ hôm 31/03. Trong nỗ lực dập tắt sự phẫn nộ của công chúng, chính phủ Sri Lanka đã thông báo việc từ chức của 26 bộ trưởng nội các (ngoại trừ Tổng thống và Thủ tướng) và 41 nhà lập pháp từ đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, điều này không giúp ích được gì cho nền kinh tế đang sụp đổ của Sri Lanka.

Khoảng 180 người bị thương và 5 người, bao gồm cả một thành viên quốc hội, đã thiệt mạng trong vụ bạo lực lớn nổ ra vào ngày 09/05. Cựu Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã tuyên bố từ chức sau vụ bạo lực này. Trong khi đó, các nhà chức trách đã công bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc.

Người dân yêu cầu ông Rajapaksas, người đã nắm quyền gần 20 năm, phải từ chức. Tuyên bố từ chức của Thủ tướng dường như là một động thái để cứu nhiệm kỳ Tổng thống của anh trai ông. Ông Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới vào ngày 12/05.

Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, Sri Lanka chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi bẫy nợ Vành đai và Con đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Mọi người chụp ảnh chiếc xe buýt gần dinh thự chính thức của cựu Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Chiếc xe đã bị những người biểu tình đốt ở Colombo vào ngày 10/5/2022. (Ảnh: Ishara S. Kodikara / AFP qua Getty Images)

“Vành đai và Con đường” tạo ra thảm họa cho Sri Lanka

Kể từ khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đẩy mạnh Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), một dự án kép phát triển cả kinh tế và chính trị. Dự án này xuất khẩu tư tưởng và ảnh hưởng của chế độ cộng sản Trung Quốc bằng cách cung cấp các khoản vay khổng lồ cho các nước đang phát triển để xây dựng đường sắt, đường bộ, cầu, hệ thống thông tin liên lạc, cầu cảng, trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác, cũng như hối lộ các quan chức chính phủ.

Theo một báo cáo của Phòng nghiên cứu AidData tại Đại học William & Mary, Trung Quốc có 13.427 dự án ở 165 quốc gia, trị giá 843 tỷ USD.

Ban đầu, nhiều nước tham gia vào BRI đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Bắc Kinh vì những lợi ích ngắn hạn mà dự án mang lại. Các quan chức nhận hối lộ cũng bật đèn xanh cho các dự án.

Sri Lanka đã vay tới 3,5 tỷ USD từ Bắc Kinh cho các dự án BRI bao gồm:

  • Dự án đường cao tốc Ruwanpura (do một số công ty Trung Quốc xây dựng)
  • Đường cao tốc Trung tâm Sri Lanka (do China MCC20 Group Corp., Ltd. thi công)
  • Dự án Đổi mới và Mở rộng Nhiên liệu Hàng không của Sân bay Quốc tế Colombo (do Công ty TNHH Xây dựng Số 14 của Tập đoàn Kỹ thuật Hóa chất Quốc gia Trung Quốc chịu trách nhiệm)
  • Giai đoạn đầu của dự án Đường sắt phía Nam Sri Lanka (với khoản vay do ĐCSTQ cung cấp và việc xây dựng do Tập đoàn Xuất nhập khẩu Máy móc Quốc gia Trung Quốc đảm nhận)
  • Dự án Xây dựng Trung tâm Kinh tế Công nông nghiệp tại Quận Polonnaruvo (do Công ty TNHH Sinohydro 14 Bureau đảm nhận)
    • Dự án cấp nước tại khu vực chiến sự cũ của Sri Lanka (do liên doanh Công ty TNHH Kỹ thuật Thiết bị Máy móc Trung Quốc và Siri Lanka’s Business Promoters & Partners Engineering Pvt., Ltd. cùng thi công)
  • Dự án Bệnh viện Thận ở Sri Lanka (được xây dựng với sự hỗ trợ của ĐCSTQ)
  • Dự án xây dựng bệnh viện ngoại trú của Bệnh viện Quốc gia (được xây dựng với sự hỗ trợ của ĐCSTQ)
  • Dự án Thành phố Cảng Colombo (do Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc đầu tư và phát triển)
  • Dự án Căn hộ Bãi biển Duxi Tianli (Shenzhou International đã trúng thầu giai đoạn 1, 2 và 3 của dự án)
  • Dự án Đập K ở Sri Lanka (Cục Kỹ thuật số 14 của Thủy điện Trung Quốc làm tổng thầu)
  • Dự án Nâng đập Minipe ở Sri Lanka (do Tập đoàn TNHH Gezhouba Trung Quốc thực hiện)

Ông Ray Washburne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) - một tổ chức về tài chính và phát triển của chính phủ Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng BRI không giúp các quốc gia mà chỉ cướp tài sản của họ.

Bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước khác, ĐCSTQ đặt mục tiêu đẩy các nước nhận đầu tư sa vào các khoản nợ nần chồng chất và sau đó cố gắng lấy “đất hiếm và khoáng sản và những thứ tương tự đã làm tài sản thế chấp cho các khoản vay đó”, ông Washburne nói.

Năm 2017, do mất khả năng thanh toán, chính phủ Sri Lanka đã cho Bắc Kinh thuê lại 15.000 mẫu đất trong và xung quanh cảng Hambantota, nơi có vị trí chiến lược quan trọng ở phía nam, với thời hạn 99 năm.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe (phía sau, trái) nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phía sau, phải) trong buổi lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 16/5/2017. (Ảnh: Nicolas Asfouri / Getty Images)
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe (phía sau, trái) nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phía sau, phải) trong buổi lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 16/5/2017. (Ảnh: Nicolas Asfouri / Getty Images)

Bắc Kinh không giúp đỡ vào những thời điểm quan trọng

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka. Trong số 51 tỷ USD nợ nước ngoài của nước này thì 11 tỷ USD là nợ Trung Quốc.

Trước một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng, Sri Lanka đã đề nghị ĐCSTQ viện trợ khẩn cấp 2,5 tỷ USD nhưng ĐCSTQ chỉ đáp ứng với 31 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Ngay từ đầu năm 2022, chính phủ Sri Lanka đã nhiều lần công khai đề nghị Bắc Kinh cung cấp các khoản cứu trợ, đồng thời gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để đàm phán với hy vọng có thể có được các khoản vay mới để trả nợ cũ hoặc hoãn thời hạn thanh toán. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ hời hợt đáp lại.

Và tất cả các cuộc thảo luận, bao gồm cả khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 31 triệu USD, vẫn đang ở giai đoạn đầu, ông Nalaka Godahewa - Bộ trưởng Thông tin Sri Lanka cho biết.

Theo ông Gulbin Sultana tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar của Ấn Độ, Trung Quốc không giúp đỡ Sri Lanka là do họ không muốn tạo tiền lệ cho các quốc gia đang nợ nần chồng chất khác. Ngoài ra, Sri Lanka hiện đang ở một vị thế bất lợi; đây là thời điểm tốt để ĐCSTQ thực hiện “hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu” nhằm tăng cường khả năng kiểm soát của Bắc Kinh.

Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, Sri Lanka chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi bẫy nợ Vành đai và Con đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Toàn cảnh khu cảng Colombo chụp từ lối đi dạo Galle Face ở Colombo, Sri Lanka, ngày 02/02/2021. (Ảnh: Ishara S. Kodikara / AFP qua Getty Images)

Phức tạp và khó khăn khi đàm phán với IMF

Tháng 4/2022, Sri Lanka đã quay sang Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi không nhận được sự hỗ trợ tín dụng 2,5 tỷ USD từ Bắc Kinh.

Theo Bloomberg, Citigroup Global Markets cho rằng việc từ chức của Thủ tướng Sri Lanka đã gây ra bất ổn chính trị, và các cuộc đàm phán về gói cứu trợ giữa quốc gia này với IMF phải đối mặt với nhiều phức tạp và chậm trễ.

Chính phủ Sri Lanka, hiện đang đối mặt với tình trạng vỡ nợ, đã đàm phán với IMF và Ngân hàng Thế giới kể từ đầu năm 2022 để có được một khoản vay, nhưng IMF đã yêu cầu Sri Lanka phải trình bày kế hoạch nợ bền vững trước khi tính đến việc vay.

Ông Masahiro Nozaki, người đứng đầu chương trình Sri Lanka của IMF, cho biết: “Khi IMF xác định rằng nợ của một quốc gia nào đó là không bền vững, thì quốc gia đó cần phải thực hiện các bước để khôi phục tính bền vững của nợ trước khi nhận được khoản cho vay từ IMF”.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka