Vì sao các Ngân hàng Thương mại khó giảm lãi suất huy động và cho vay dù điều kiện vĩ mô cho phép?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lãi suất huy động và cho vay đều không giảm trên thị trường tài chính (TTTC) trong nước bất chấp việc xuất hiện nhiều điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất vĩ mô trong nước và quốc tế. Nhưng thực tế trong thời gian qua, một số NHTM còn tăng lãi suất huy động tại những thời điểm nhất định. Nguyên nhân là hệ thống NHTM đã không xử lý dứt điểm được nợ xấu tích tụ suốt một thập kỷ qua.

Các điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất trong nước và quốc tế

Thứ nhất, để cứu vớt tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành, dòng vốn quốc tế rẻ và dồi dào là điều kiện lý tưởng để hạ lãi suất trong nước, tái cơ cấu nợ công.

Trên thế giới, bức tranh tăng trưởng kinh tế ảm đạm khiến các tổ chức tài chính quốc tế liên tiếp giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu và các nền kinh tế lớn. Để hỗ trợ tăng trưởng, các NHTW dường như buộc phải kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ - dù dư địa chính sách tiền tệ gần như không còn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 10 này, ghi dấu lần cắt giảm thứ ba trong năm nay. Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed công bố ngày 9/10 cho thấy các quan chức của Fed tin rằng việc cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm là phù hợp khi tính đến những rủi ro kinh tế hiện tại. Thậm chí, một số còn ủng hộ việc giảm thêm 0,5 điểm phần trăm với lý lẽ rằng việc hạ lãi suất “mạnh tay” hơn sẽ làm giảm rủi ro suy thoái kinh tế. Nhóm thứ ba lại lập luận rằng Fed không nên cắt giảm lãi suất vì tình hình hiện nay của nền kinh tế chưa đủ trầm trọng để viện tới những biện pháp như vậy.

Ngày 12/9 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng hạ lãi suất điều hành xuống mức âm kỷ lục, -0.5%. Cũng trong tháng 9, Trung Quốc cắt giảm dự trữ bắt buộc lần thứ 7 kể từ năm 2018.

Tại Châu Á, các nền kinh tế hàng đầu cũng tham gia vào cuộc đua hạ lãi suất để cứu tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 16/10 tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm 2019, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục yếu đi. Lần đầu tiên trong hơn 3 năm, Ngân hàng Trung ương Singapore sẽ tiến hành hạ lãi suất trong bối cảnh sự suy giảm toàn cầu tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Embed from Getty Images

Ngày 16/10, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm 2019.

Đáng lưu ý là, dư địa cho chính sách tiền tệ quá hạn hẹp khiến các NHTW, định chế tài chính quốc tế lần đầu tiên sau khủng hoảng 2007 - 2008 đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nới lỏng chuẩn mực an toàn cho các định chế tài chính. Đây là dấu hiệu xấu trong trung và dài hạn bởi nó làm gia tăng rủi ro hoạt động các NHTM và giảm chất lượng tài sản của các định chế này. Việc hạ chuẩn mực an toàn thực chất làm tăng cung tiền ra nền kinh tế thực.

Thứ hai, các điều kiện ổn định vĩ mô trong nước đều lý tưởng cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay, cụ thể:

Ngân hàng nhà nước (SBV) đã giảm lãi suất điều hành 0,25% (lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu) sau nhiều năm duy trì mức lãi suất đi ngang…

Dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất thị trường này thấp. Dù thanh khoản dư thừa trên liên ngân hàng nhưng vốn huy động từ kênh này chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng nên tính liên thông với thị trường 1 không cao. Hầu hết các NHTM vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động, thậm chí nhiều NHTM bao gồm cả một vài NHTM lớn, vừa tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 20 - 40 tháng trong tháng qua. Lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn duy trì ở mức 4.3 - 5.5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5 - 7.5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4 - 8.1%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng.

Đồng VND không mất giá trước đồng USD trong khi đồng NDT mất giá so với đồng USD. Tỷ giá VND/USD của các ngân hàng ngày 14/10/2019 dao động ở mức: mua vào 23.100 - 23.140; Bán ra 23.250 - 23.271 VND/USD. Ủy ban giám sát tài chính nhận định năm 2019, khả năng tăng giá của USD không nhiều. TS.Nguyễn Trí Thành - nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu & quản lý Kinh tế Trung ương dự báo, năm 2019 tỷ giá VND/USD tăng khoảng 2 - 2,5%.

Nguồn: https://www.marketwatch.com/investing/index/dxy

Lạm phát trong nước giảm. Theo tổng cục thống kê, CPI 9 tháng đầu năm chỉ tăng có 2,5% - thấp nhất trong 3 năm gần đây ( 2017: 3,79%; 2018: 3,57%). Dự báo lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,17 - 3,41% ( thấp hơn con số của năm 2018 là 3,54%).

Lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm. Theo số liệu của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) 3 tháng gần đây nhất, lãi suất TPCP đều liên tục giảm trên tất cả các kỳ hạn so với tháng trước đó; Cụ thể tháng 7/2019 giảm từ 0,20 - 0,43% so với tháng 6; Tháng 8/2019 giảm 0,09 - 0,26% so với tháng 7; Tháng 9/2019 giảm 0,12 - 0,22% so với tháng 8. Các phiên đấu giá tiếp theo của tháng 10/2019 tiếp tục có xu hướng giảm.

Về lý thuyết, khi lãi suất điều hành giảm tất yếu dẫn đến giảm lãi suất huy động và cho vay. Đặc biệt lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm, 10 năm có thể được coi như chỉ số dẫn báo cho lãi suất huy động và cho vay trên thị trường 1. Tuy nhiên, bất chấp các điều kiện vĩ mô trong nước thuận lợi, xu hướng tiếp tục nới lỏng tiền tệ của thế giới (FED, EBC giảm lãi suất điều hành...) Việt Nam vẫn không thể giảm lãi suất huy động và cho vay như kỳ vọng.

Nguyên nhân nào khiến hệ thống NHTM trong không thể giảm lãi suất cho vay và huy động như kỳ vọng??

Về lý thuyết, khi lãi suất huy động và cho vay vẫn tăng cao bất chấp đầu vào của nguồn vốn (trong và ngoài nước) đều có giá thấp, lạm phát kỳ vọng thấp thì nguyên nhân xuất phát từ hai phương diện: (i) các vấn đề nội tại của hệ thống các NHTM, thông thường là do chất lượng tài sản (nợ xấu) tăng cao hoặc không xử lý được trong một thời gian dài; điều này khiến dự phòng rủi ro cao, chi phí vốn lớn, thanh khoản cũng chịu áp lực cao khiến NHTM buộc phải huy động vốn ở mức cao và cạnh tranh lãi suất gay gắt trong nội bộ; (ii) niềm tin của người gửi tiền xuống thấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị tài sản không có biến động quá lớn, các NHTM hoạt động bình ổn như hiện nay, niềm tin của người gửi tiền - về cơ bản - vẫn lạc quan.

Do vậy, chất lượng tài sản của hệ thống các NHTM có thể là nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất khó hạ theo nguyên tắc thị trường và mong muốn của chính phủ. Thực tế, kết quả thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu tại các NHTM sau 2 năm triển khai được báo cáo với thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ hỗ trợ xử lý được nợ xấu có tài sản đảm bảo (TSĐB) tốt; TSĐB có thể thanh khoản, không bị đánh giá quá cao so với giá trị thị trường và với khoản vay mà nó đảm bảo. Những TSĐB này phần lớn đều thuộc về các NHTM lớn có uy tín. Trong khi đó, các NHTM nhỏ (chiếm tới 45 - 50% nợ xấu của hệ thống) thì TSĐB khó xử lý bởi nhiều nguyên nhân: chất lượng tài sản đảm bảo thấp, TSĐB hình thành từ vốn vay còn dở dang và khó thanh khoản thậm chí mất hẳn tính thanh khoản, tính pháp lý khi nhận TSĐB cho khoản vay không được thẩm định tốt….

Chất lượng tài sản của hệ thống (nợ xấu) các NHTM có thể là nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất khó hạ. (Ảnh: Nick Youngson/Picpedia-

Khi TSĐB không được xử lý, NHTM nhỏ tiếp tục phải trích Dự phòng rủi ro (DPRR) đầy đủ cho nợ xấu không xử lý được, không có dòng tiền quay trở lại NHTM cho hoạt động kinh doanh, chi phí vốn của NHTM sẽ tăng cao, thanh khoản giảm và họ buộc phải tăng cường huy động từ dân cư và doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Do vậy, nhiều NHTM không thể cắt giảm lãi suất bất chấp các điều kiện vĩ mô và nỗ lực quản trị hành chính của Chính phủ, NHNN. Thời gian qua, và dự báo tình trạng này còn có thể tiếp tục kéo dài, sự phân hóa về lãi suất trong hệ thống NHTM khó giải quyết. Sự phân hóa này dẫn tới các NHTM lớn dù không gặp vấn đề về thanh khoản, nhưng để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng buộc phải tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tương ứng.

Kết quả là, vì vấn đề lãi suất nên khu vực doanh nghiệp mất phần nào lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu với các nền kinh tế có quy mô tương đương. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT, các nền kinh tế duy trì xu hướng nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để thúc đẩy xuất khẩu, đồng VND khó có thể hạ bởi các yếu tố địa chính trị, trong đó có tránh việc bị liệt kê vào danh sách “thao túng tiền tệ” như Mỹ nhiều lần đe dọa và cảnh báo.

Trà Nguyễn

 



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao các Ngân hàng Thương mại khó giảm lãi suất huy động và cho vay dù điều kiện vĩ mô cho phép?