Vị thế của các đồng tiền qua các năm: USD vững chắc, CNY tăng mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi vị thế của đồng USD được duy trì vững chắc và ít thay đổi theo thời gian, đồng EUR có xu hướng đi xuống. Ngược lại, đồng CNY đang tăng mạnh, dù đóng vai trò là đồng tiền dự trữ nhiều hơn là phương tiện giao dịch.

Vị thế của tiền tệ đã là một chủ đề nóng trong một thời gian dài. Khi đồng EUR nổi lên vào năm 1999, nhiều người nghĩ rằng nó sẽ chiếm lấy hoặc ít nhất là chia sẻ tỷ lệ nắm giữ của đồng USD. Theo hồ sơ dự trữ ngoại hối tính theo các đồng tiền do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổng hợp, đồng USD vẫn được duy trì ở mức khoảng 65% trước (1998) và sau (2003 đến 2007) sự xuất hiện của đồng EUR, nó vẫn được giữ ở mức tương tự như vậy tính đến vài năm trước (2014 đến 2016), ngay sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu do Hy Lạp dẫn dắt.

Mặc dù thông tin trên cho thấy vị thế của các đồng tiền cùng với chức năng lưu trữ giá trị của tiền, nhưng một chức năng quan trọng không kém khác của tiền tệ là phương tiện trao đổi. Một bộ dữ liệu thường được trích dẫn là tỷ lệ tiền tệ trong hệ thống thanh toán SWIFT, nhưng hồ sơ dữ liệu này là ngắn và không thể truy dấu được trước năm 2010. Một thước đo tiêu chuẩn hơn là khảo sát doanh thu ngoại hối theo loại tiền tệ, dựa trên báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Thước đo này ghi lại cách mỗi loại tiền được sử dụng không chỉ trong thương mại hàng hóa và dịch vụ mà còn trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, cuộc khảo sát chỉ được thực hiện ba năm một lần.

Cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện vào tháng 4 năm nay và chính thức được công bố vào tháng trước. Cuộc khảo sát bao gồm hơn 40 loại tiền tệ, nhưng ở đây chúng tôi chỉ lập biểu đồ cho 5 loại tiền tệ hàng đầu. Dữ liệu có thể được tính từ năm 1992, nhưng ở đây chúng ta bắt đầu từ năm 1998, năm ngay trước giai đoạn đồng euro ra đời. Vì mỗi giao dịch ngoại hối có liên quan tới 2 đồng tiền, nên tổng số tỷ lệ phần trăm cộng lại lên tới 200%; nhưng ở đây, chúng tôi chia mọi thứ cho hai để tổng số tất cả các tỷ lệ được chuẩn hóa thành mức tối đa tiêu chuẩn là 100%. So với cuộc khảo sát trước đó vào năm 2019, tổng doanh số ngoại hối đã tăng hơn 70%, đây là một bước nhảy vọt.

Vị thế của các đồng tiền qua các năm: USD vững chắc, CNY tăng mạnh
Biểu đồ: Tỷ lệ 5 đồng tiền hàng đầu trong doanh thu ngoại hối - Khảo sát Ngân hàng Trung ương 3 năm một lần của BIS. Đường màu tím: đô la Mỹ. Đường màu xanh dương: đồng euro. Đường màu xanh lá cây: đồng yên Nhật. Đường màu da cam: đồng bảng Anh. Đường màu đỏ: đồng nhân dân tệ. (Ảnh: Law Ka-Chung)

Từ biểu đồ đi kèm, trạng thái của đồng USD ít thay đổi theo thời gian bằng cách duy trì ở mức 43% đến 45% doanh thu. Một phần tư thế kỷ lịch sử của đồng EUR đã không củng cố tỷ lệ doanh thu của nó, mà trái lại, tỷ lệ của nó giảm từ gần 20% xuống còn gần 15%. Khoản mất mát đã được bù đắp bởi các loại tiền tệ không phải USD khác. Điều này có liên quan đến tỷ giá hối đoái nhưng mối quan hệ là không đối xứng: Khi đồng EUR lên dốc trước năm 2008 từ 0,8 lên 1,6 (1 EUR đổi được bao nhiêu USD), tỷ lệ này không thay đổi; khi nó xuống dốc sau đó từ 1,6 xuống dưới 1, nó đã mất 5% trong tỷ lệ doanh thu. Nhiều Ngân hàng Trung ương cắt lỗ từ EUR.

Nhìn bề ngoài, đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc là người chiến thắng khi giành được nhiều tỷ lệ nhất so với ba năm trước. Tuy nhiên, thống kê thanh toán SWIFT cho thấy tỷ trọng CNY không tăng nhiều mà chỉ tăng từ 1,9% lên 2,1% từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ, tỷ lệ nắm giữ ngoại tệ bằng đồng CNY trong hồ sơ của IMF đã tăng từ 1,9% lên 2,9%, một tiến bộ tương đối rõ ràng.

Từ đó, người ta có thể thấy vai trò của đồng CNY bị giới hạn như là đồng tiền lưu trữ giá trị trong dự trữ chính thức hơn là một phương tiện giao dịch. Vai trò lưu trữ phụ thuộc nhiều vào giá trị tiền tệ. Khi đồng CNY tiếp tục mất giá trong bối cảnh nền kinh tế đang xấu đi, liệu điều này có thể kéo dài được lâu?

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Law Ka-Chung - The Epoch Times

Tác giả Law Ka-Chung là nhà bình luận về kinh tế vĩ mô và thị trường toàn cầu. Ông đã viết cho nhiều tờ báo và tạp chí; nói chuyện trên nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh và cả trực tuyến về các vấn đề thị trường kể từ năm 2005. Các chủ đề của ông rất đa dạng: từ kinh tế vĩ mô đến triển vọng thị trường đối với chứng khoán, tiền tệ, tỷ giá, lợi tức và hàng hóa ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Ông Ka-chung có bằng Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Toán học và Thạc sĩ Vật lý thiên văn. Email: [email protected]



BÀI CHỌN LỌC

Vị thế của các đồng tiền qua các năm: USD vững chắc, CNY tăng mạnh