Vị thế và các yếu tố hỗ trợ đồng rúp Nga trong cuộc chiến tiền tệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới đã bước vào một cuộc chiến tranh tiền tệ vô cùng nguy hiểm với những hậu quả không mong muốn.

Tuần đầu tiên của tháng 4 đã có rất nhiều bài bình luận về sự phục hồi đáng kinh ngạc của đồng rúp (RUB) Nga. Tỷ giá RUB/USD hiện dao động ngang với mức trước khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Vị thế và các yếu tố hỗ trợ đồng rúp Nga trong cuộc chiến tiền tệ
Tỷ giá RUB/USD từ tháng 12/2021 đến 04/2022. (Nguồn: https://tradingeconomics.com)

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý đến yếu tố quan trọng sau. Nga đã mạnh mẽ thực hiện việc kiểm soát vốn sau khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây. Người dân hoặc doanh nghiệp Nga không thể bán rúp để mua đô la, euro, bảng Anh hoặc đồng yên. Chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra với đồng tiền của Nga nếu Nga không thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn. Về bản chất, giá “giao dịch” của đồng rúp không phản ánh sự thay đổi đột ngột về nhu cầu, mà chỉ là tác động của việc kiểm soát vốn.

Chúng ta cũng không biết chính xác tỷ giá hối đoái trên thị trường ngầm, nhưng chúng ta có thể yên tâm mà giả định rằng tỷ giá hối đoái của đồng rúp trên thị trường tự do thấp hơn đáng kể so với tỷ giá chính thức. Theo Business Insider, có một thị trường ngầm sử dụng Telegram và các mạng xã hội khác - nơi người dân Nga có thể mua hoặc bán ngoại tệ. Tại đây, một số thông báo cho thấy giá đồng rúp thấp hơn 30–50% so với giá chính thức.

Ngoài tỷ giá hối đoái, có hai kênh mà Ngân hàng Trung ương Nga có thể dựa vào để tránh sụp đổ: Trung Quốc và xuất khẩu năng lượng sang châu Âu.

Nga tiếp tục xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, đồng nghĩa với việc hàng trăm triệu euro chảy vào nguồn dự trữ quốc tế của Nga. Hằng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn tiến hành các cuộc đấu giá với các nhà xuất khẩu năng lượng để tạo kênh thanh khoản và tránh vỡ nợ.

Nga gần đây đã đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu khu vực đồng euro không trả bằng đồng rúp. Điều này có thể buộc các quốc gia châu Âu bán euro và mua rúp với tỷ giá chính thức, qua đó làm tăng giá đồng rúp. Tuy nhiên, biện pháp này nói thì dễ hơn làm, vì hợp đồng mua bán không thể sửa đổi theo ý muốn của một bên và các nhà cung cấp năng lượng của Nga (như Gazprom) dù gì thì cũng cần dòng dự trữ quốc tế chảy vào. Việc buộc các khách hàng nhập khẩu năng lượng phải mua rúp Nga khó hơn nhiều so với những gì giới chức Nga suy tính. Nếu điều đó dễ dàng, nhu cầu toàn cầu về nội tệ của các quốc gia như Venezuela, Iran và Argentina sẽ không kém như vậy. Nga là một nền kinh tế mạnh hơn, nhưng không lớn đến mức để thực thi thành công biện pháp này.

Trong khi đó, tiền kỹ thuật số dù là một biện pháp có thể giúp công dân Nga bảo vệ sức mua (purchasing power) của số tiền mà họ tiết kiệm được, nhưng lượng tiền kỹ thuật số là rất nhỏ. Tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc được thông tin rằng người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde phát biểu: Các nhà tài phiệt Nga đang sử dụng tiền điện tử để tránh các lệnh trừng phạt. Trên thực tế, dòng tiền (bằng đồng euro) mà Nga thu về từ các nhà nhập khẩu năng lượng châu Âu và sự hỗ trợ của hệ thống tài chính Trung Quốc mới thực sự là hai chiếc phao cứu sinh chống lại các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc, thông qua xuất khẩu và sử dụng các sàn giao dịch của Hong Kong và Trung Quốc đại lục, là một kênh để chuyển dự trữ quốc tế vào Ngân hàng Trung ương Nga. Nhờ đó, Nga có thể duy trì dòng chảy tài chính và tránh sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống. Ấn Độ đang tận dụng các đợt giảm giá chưa từng có của dầu Ural của Nga; nước này đang mua được dầu thô giá rẻ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ngày một căng thẳng. Ngoài ra, chỗ đứng vững chắc của các tổ chức tài chính Trung Quốc ở châu Phi và ở các thị trường mới nổi cũng đang khiến dòng tiền dự trữ từ Venezuela, Syria và các quốc gia khác chảy vào Nga.

Những điều này không có nghĩa là các lệnh trừng phạt của phương Tây không làm tổn hại đến hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế thực của Nga. Về cơ bản, những điều này cho thấy hầu như không có cách nào để cô lập hoàn toàn một quốc gia về mặt tài chính, chứ đừng nói đến việc quốc gia này vẫn là đối tác thương mại quan trọng của rất nhiều quốc gia khác.

Chúng ta đã bước vào một cuộc chiến tranh tiền tệ vô cùng nguy hiểm với những hậu quả không mong muốn. Người chiến thắng có vẻ không phải là các loại tiền tệ pháp định do chính phủ quản lý, mà là các hệ thống thay thế và phi tập trung.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả - Tiến sĩ Daniel Lacalle - là nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis. Ông là tác giả của các cuốn sách “Tự do hay Bình đẳng” (Freedom or Equality), “Thoát khỏi Bẫy của Ngân hàng Trung ương” (Escape from the Central Bank Trap) và “Cuộc sống tại các Thị trường Tài chính” (Life in the Financial Markets).

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Vị thế và các yếu tố hỗ trợ đồng rúp Nga trong cuộc chiến tiền tệ