Viện nghiên cứu Trung Quốc: Xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với vai trò đặc biệt quan trọng của xuất khẩu đối với nền kinh tế, mức tăng trưởng âm này sẽ có ảnh hưởng lớn. Các doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc xuất khẩu sẽ phải đóng cửa, việc làm sẽ mất đi và ổn định xã hội bị đe dọa.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ chuyển sang mức âm vào năm 2023, một viện nghiên cứu nổi tiếng của Trung Quốc cho biết trong một báo cáo gần đây. Trong khi đó, Bắc Kinh thừa nhận thương mại xuất khẩu có “ý nghĩa chiến lược không thể thay thế” đối với sự ổn định kinh tế và tỷ lệ việc làm của đất nước.

Trong những năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm hơn 30% GDP. Các nhà phân tích tin rằng tỷ lệ này càng lớn thì tác động của sự suy giảm của nó đối với nền kinh tế và việc làm của Trung Quốc càng lớn.

Viện Kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết trong một báo cáo vào ngày 04/02 rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chuyển sang mức âm do nhu cầu quốc tế giảm. Và tình trạng đó có thể kéo lùi tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Báo cáo cho rằng xuất khẩu ngoại thương của Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng tốt hơn mong đợi trong hai năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các yếu tố như chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở một số nền kinh tế sẽ làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Báo cáo nói thêm rằng khi lạm phát gia tăng nhanh chóng ở một số quốc gia, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ giảm, thừa nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, vốn chịu trách nhiệm chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, có thể chuyển sang mức âm trong năm nay.

Viện nghiên cứu Trung Quốc: Xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay
Toàn cảnh Cảng nước sâu Dương Sơn, một cảng hàng hóa tự động, ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 09/04/2018. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Nguyên nhân

Ông Lu Tianming, một nhà bình luận kinh tế và chính trị có trụ sở tại Mỹ, đề cập đến mức tăng trưởng âm của xuất khẩu như là một “sự sụt giảm”.

Ông nói với The Epoch Times vào ngày 05/02 rằng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong hai năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng hiện đang phải đối mặt với sự sụt giảm.

“[Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong hai năm đầu tiên của đại dịch toàn cầu] là do các nước khác đã đóng cửa nền kinh tế của họ khi bắt đầu đại dịch, và các chính phủ đã phân phát tiền miễn phí, và người dân có tiền để chi tiêu mà không cần đi làm , nên lượng tiêu dùng tăng vọt. Kết quả là, xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên [trong thời kỳ đó]”, ông Lu nói.

“Sau đó, lạm phát toàn cầu trở nên gia tăng và giá cả hàng hóa tăng vọt. Điều này cũng có lợi cho Trung Quốc khi giá các sản phẩm xuất khẩu tăng vọt”.

Ông Lu cho biết, tuy nhiên, do lạm phát cao, các nước khác trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất từ năm ngoái, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông cho biết lý do lớn hơn là các công ty nước ngoài đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc.

“Trong hai năm qua, việc kiểm soát đại dịch hà khắc của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã sử dụng các chuỗi cung ứng đã được thiết lập của mình như một con bài thương lượng chính trị để đe dọa an ninh của các nước phương Tây. Những yếu tố này đã dẫn đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra bên ngoài [Trung Quốc] trong giai đoạn sau của đại dịch”, ông Lu nói.

“Mọi người không còn dựa vào Trung Quốc để sản xuất một số mặt hàng này nữa và nhiều người đã chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các nước ở Đông Nam Á”.

Ông Lu nói thêm rằng tình trạng thiếu lao động do suy giảm dân số của Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng.

“Lợi thế nhân khẩu học [dựa trên cấu trúc tuổi thọ] của Trung Quốc đã biến mất và giá lao động đã tăng lên trong những năm gần đây. Vì vậy, đây cũng là một trong những yếu tố chính góp phần khiến dòng vốn ngoại rút khỏi Trung Quốc và quyết tâm dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp nước ngoài. Sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc không chỉ là kết quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nước ngoài”, ông Lu nói thêm.

Ảnh hưởng đến doanh nghiệp tư nhân

Dữ liệu từ Cục Quản lý Nhà nước về Điều tiết Thị trường của Trung Quốc cho thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong 10 năm kể từ cuối năm 2012, Nhật báo Kinh tế thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đưa tin vào tháng 10/2022.

Trong khi đó, bài báo cho biết tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng từ 79,4% lên 93,3%.

Bài báo nói rằng các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc “ổn định tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới, tăng việc làm và cải thiện sinh kế của người dân, và đã trở thành một lực lượng thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội”.

Về vấn đề này, ông Lu cho biết có một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc dựa vào các đơn đặt hàng ngoại thương để tồn tại, đặc biệt là các doanh nghiệp ở tỉnh Giang Tô, tỉnh Chiết Giang và các vùng ven biển phía đông nam của đất nước. Và các doanh nghiệp đó đã hình thành một chuỗi cung ứng công nghiệp toàn diện, nơi hoạt động vận hành của họ ảnh hưởng chặt chẽ đến nhau.

Ông Lu cho biết nếu xuất khẩu của Trung Quốc giảm, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu đóng cửa, ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ ngành.

Ông Lu cho biết: “Các doanh nghiệp tư nhân này ở Trung Quốc cung cấp số lượng việc làm lớn nhất cả nước, lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước".

“Khi các công ty nước ngoài chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc này sẽ ngừng nhận được đơn đặt hàng và do đó sẽ đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, nhiều người lao động sẽ mất việc làm, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp toàn xã hội tăng cao, càng ảnh hưởng đến ổn định xã hội”.

Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu

ĐCSTQ dựa vào tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, cái mà họ gọi là "Troika" (Bộ ba).

Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cho biết vào tháng 05/2021 rằng Troika thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại xuất khẩu có “ý nghĩa chiến lược không thể thay thế” đối với sự ổn định kinh tế, tăng trưởng việc làm và cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế của đất nước.

Trong những năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong GDP.

Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc cho biết vào tháng 2 năm ngoái rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong năm 2021 đã vượt quá mong đợi và đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của nước này. Tỷ lệ đóng góp của xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vào GDP đạt 20,9%, thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 1,7%.

Vào tháng 01/2021, ông Ning Jizhe, khi đó là Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết tổng khối lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc tương đương hơn 30% GDP của nước này vào năm 2020. Và tỷ trọng của tổng khối lượng xuất nhập khẩu so với GDP là tương đối cao trong số các cường quốc kinh tế lớn.

Ông Ning nói rằng “các nước lớn thường tập trung vào nhu cầu trong nước và thực hiện các chu kỳ kinh tế trong điều kiện mở. Tỷ lệ [xuất nhập khẩu của Trung Quốc] cao hơn so với Mỹ và Nhật Bản, hai cường quốc kinh tế lớn”.

Tác động

Về vấn đề này, ông Lu cho biết xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc và “tỷ trọng càng lớn thì tác động của tình trạng suy giảm hiện tại đối với nền kinh tế Trung Quốc càng lớn”.

“Nhu cầu nội địa của Trung Quốc từ lâu đã trì trệ. Điều đó có nghĩa là dân thường không có tiền, nhất là trong hai năm đại dịch. Thương mại xuất nhập khẩu [của đất nước] chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP, trong khi các nước châu Âu và châu Mỹ nhỏ hơn tương đối nhiều".

“Tại sao chúng lại nhỏ hơn nhiều như vậy [ở các nước đó]? Họ đều là những nền kinh tế lành mạnh được chi phối bởi tiêu dùng trong nước. Tổng tiền lương của họ chiếm tỷ lệ GDP cao hơn nhiều so với Trung Quốc nên người dân của họ có đủ tiền, mức tiêu dùng sinh hoạt bình thường của họ có thể duy trì hoạt động kinh tế của đất nước. Nhưng ở Trung Quốc, điều này là phi thực tế. Đó không phải là một cấu trúc kinh tế lành mạnh và khả năng chi tiêu của người dân thấp hơn nhiều”.

Ông Lu cho biết, ví dụ, Trung Quốc thường trả đũa Đài Loan về kinh tế bằng cách áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với một số hàng hóa của Đài Loan. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi người nhận ra rằng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Đài Loan chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong GDP của hòn đảo. Ngay cả khi Trung Quốc không nhập khẩu bất cứ thứ gì từ Đài Loan, thì tác động kinh tế đối với hòn đảo này vẫn là hạn chế.

Viện nghiên cứu Trung Quốc: Xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay
Những thùng dứa được phân loại tại một nhà kho ở huyện Bình Đông, Đài Loan vào ngày 16/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)

“Tuy nhiên, xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc”, ông Lu nói.

“Về mặt lý thuyết, nếu ĐCSTQ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%, thì Troika cũng sẽ tăng hàng năm. Mỗi thành phần cần tăng trưởng khoảng 5% để có thể đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 5%.

“Tuy nhiên, nếu 5% xuất khẩu không còn, hoặc không tăng, thậm chí giảm 5%, thì 2 thành phần còn lại có thể phải tăng lên 10% để đưa tăng trưởng GDP chung lên 5%, điều này cực kỳ khó khăn”.

Ông nói thêm rằng không chỉ xuất khẩu của Trung Quốc giảm mà cả nhập khẩu cũng vậy.

“Trung Quốc nhập khẩu một số nguyên liệu thô, xử lý rồi xuất khẩu để kiếm phí gia công tại quê nhà. Giờ đây, nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp đang chuyển ra khỏi đất nước, loại hình nhập khẩu này cũng sẽ giảm. Lý do khác là khi nền kinh tế nói chung đi xuống và nhu cầu trong nước trì trệ, nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng cũng sẽ giảm. Người dân bình thường không có tiền, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn và mức tiêu thụ các sản phẩm nước ngoài giá cao cũng sẽ giảm”, ông Lu nói thêm.

“Vì vậy, tỷ trọng [trong GDP] của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia càng lớn thì tác động đối với nền kinh tế và GDP tổng thể của quốc gia đó càng lớn nếu con số giảm xuống”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Viện nghiên cứu Trung Quốc: Xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay