Việt Nam cần cẩn trọng xu hướng đảo chiều dòng vốn - hiện tượng Taper Tantrum năm 2013 đang lặp lại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có thể thấy, xu hướng chứng khoán châu Á giảm đã manh nha từ cuối tháng 2 chứ không phải đến khi căng thẳng EU-Trung Quốc hình thành. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính là do đồng USD phục hồi và lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 1,7%/năm, mức cao nhất trong 1 năm qua. Khi lợi suất TPCP Mỹ phục hồi, dòng tiền đầu tư vào Châu Á, các nền kinh tế mới nổi, vốn bị đe dọa bởi lạm phát tăng, tăng trưởng kinh tế bất ổn tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn, đó là TPCP của nước Mỹ, nơi đồng USD vẫn vững vàng thống trị trong thanh toán quốc tế toàn cầu (40,88% vào năm 2020).

Chứng khoán Châu Á lao dốc khi USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi

Những ngày qua, thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là Trung Quốc giảm mạnh, các chỉ số chứng khoán tương lai châu Âu tại thị trường châu Á lao dốc trong phiên ngày 23/3, với chỉ số EUROSTOXX 50 giảm 0,42% và FTSE sụt 0,61%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 kỳ hạn tại khu vực cũng mất 0,28%.

Thị trường chứng khoán giảm mạnh trên các sàn giao dịch lớn nhất của Châu Á trong một tháng qua (Nguồn Trading Economics)

Thị trường chứng khoán Việt Nam không có xu hướng giảm mạnh và kéo dài như TTCK tại Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng thị trường chứng khoán HNX và HOSE lần lượt giảm -3,35% và -2,67% trong một tuần qua.

Bên cạnh đó, trong phiên ngày thứ Ba, giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi những tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 23/3.

Phát biểu trước phiên điều trần, Chủ tịch Powell nói rằng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tiến triển "nhanh hơn dự báo và đang tiếp tục tăng tốc”.

Chỉ số MSCI về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản hạ 0,76%, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi đà lao dốc 1,42% của các cổ phiếu blue-chip của Trung Quốc.

Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng giảm 1,62%.

Các thị trường khác trong khu vực đều ghi nhận sắc đỏ, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 0,61%, chỉ số của chứng khoán Australia mất 0,11%.

Trong phiên ngày 23/3, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở 1,6717%, giảm so với mức 1,732% trong phiên cuối tuần trước.

Một số nhà quan sát lý giải sự sụt giảm này là do căng thẳng EU-Trung Quốc leo thang, 2 bên có các động thái “trả đũa” ngoại giao với nhau sau khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt lên Trung Quốc do vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Tuy nhiên, có thể thấy, xu hướng chứng khoán châu Á giảm đã manh nha từ cuối tháng 2 chứ không phải đến khi căng thẳng EU-Trung Quốc hình thành. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính là do đồng USD phục hồi và lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 1,7%/năm, mức cao nhất trong 1 năm qua. Khi lợi suất TPCP Mỹ phục hồi, dòng tiền đầu tư vào Châu Á, các nền kinh tế mới nổi, vốn bị đe dọa bởi lạm phát tăng, tăng trưởng kinh tế bất ổn tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn, đó là TPCP của nước Mỹ, nơi đồng USD vẫn vững vàng thống trị trong thanh toán quốc tế toàn cầu (40,88% vào năm 2020).

Theo Reuters, Ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs dự báo lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể tăng lên tới 1,9% vào cuối năm 2021 nhờ các số liệu kinh tế lạc quan.

Xu hướng đảo chiều dòng vốn đã rất rõ

Dòng vốn đầu tư chứng khoán và trái phiếu có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường mới nổi do lo ngại lạm phát khiến chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU đảo chiều chính sách lãi suất. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh từ 0,9% lên 1,7%.

Về mặt lý thuyết, lợi suất trái phiếu tính bằng tiền lãi trái phiếu hàng năm tính theo lãi suất cuống phiếu chia cho giá trái phiếu. Khi trái phiếu hút vốn từ nhà đầu tư, giá trái phiếu tăng, thì lợi suất giảm; và ngược lại, khi trái phiếu bị nhà đầu tư bán mạnh, giá trái phiếu giảm, lợi suất sẽ tăng. Tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên gần 1,4%, ngưỡng cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Điều này cho thấy trái phiếu - loại tài sản được ưa chuộng trong môi trường lạm phát thấp - đang mất đi sức hấp dẫn. Điều đó được lý giải, nhà đầu kỳ vọng lãi suất tại Mỹ trong tương lai sẽ tăng lên có thể do kinh tế Mỹ được kỳ vọng phục hồi hoặc có thể kỳ vọng lạm phát tại Mỹ cao trong tương lai.

Ngoài ra, chính sách loại bỏ danh mục tài sản là TPCP Mỹ, ký quỹ tại FED ra khỏi tổng tài sản tính đòn bẩy (một chỉ tiêu an toàn của hệ thống ngân hàng Mỹ) được áp dụng suốt 1 năm qua trong đại dịch nhằm tăng nguồn cung tiền của các ngân hàng ra thị trường sẽ không được gia hạn vào ngày 1/4/2021 tới đây. Điều này có nghĩa, các ngân hàng thương mại của Mỹ sẽ phải bán tháo một lượng lớn TPCP Mỹ mà họ đã nắm giữ trong danh mục tài sản đầu tư hiện có để đảm bảo tỷ lệ đòn bẩy an toàn theo tiêu chuẩn của Fed. Điều này sẽ thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng.

Lo ngại lạm phát tại Mỹ tăng là bởi, 27/2 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Dự kiến, dự luật này sẽ được đưa lên Thượng viện Mỹ xem xét thông qua. Trong số gần 2 nghìn tỷ USD chi tiêu của dự luật, tờ PolitiFact báo cáo rằng chỉ 14 đến 20 tỷ USD là dành cho việc phân phối vaccine và các nỗ lực liên quan đến vaccine. Đây là một phần nhỏ, chỉ chiếm 1 - 2% trong gói kích thích. Nhìn chung, chi tiêu thực sự dành cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe - ít hơn so với hàng trăm tỷ được dành cho các ưu tiên đảng phái.

Nguy cơ lặp lại hiện tượng Taper tantrum đang đến gần?

Hiện tượng Taper tantrum chỉ sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn.

Khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc (TPKB) trở nên dốc hơn với sự tăng mạnh của lợi suất kỳ hạn dài sẽ kéo theo lãi suất đô la Mỹ tăng cao trong tương lai. Đây là một rủi ro lớn tới các thị trường mới nổi (Emerging Markets - EMs) vì lãi suất đô la Mỹ tăng sẽ gây áp lực bán tháo đồng tiền của các EMs có nền tảng vĩ mô thiếu ổn định.

Sự hỗn loạn trên thị trường ngoại hối này sẽ dẫn tới đà rút vốn khỏi khu vực EMs, cộng hưởng từ triển vọng lạc quan từ kinh tế Mỹ sẽ càng chi phối dòng vốn tại khu vực EMs, càng khiến áp lực rút vốn căng thẳng hơn tại các nước EMs. Tỷ giá và thị trường chứng khoán của các nước EMs là hai biến số thể hiện rõ nhất tác động của sự kiện Taper Tantrum này.

Ngoài ra, khi kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn môi trường lãi suất thấp. Thị trường tiền tệ kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất cho đến cuối năm 2023, đồng thời tiếp tục duy trì các gói mua trái phiếu và chấp nhận một mức lạm phát cao hơn. Như vậy, Fed sẽ không ngừng bơm tiền, dẫu cho vừa trải qua một năm bơm tiền kỷ lục.

Quy mô bảng cân đối của Fed vào đầu tháng 2 năm nay đạt hơn 7.400 tỷ USD; tăng hơn 3.200 tỷ USD so với thời điểm một năm về trước. Mức tăng trong một năm qua còn cao hơn nhiều so với tổng tài sản Fed ghi nhận cuối năm 2012 - giai đoạn Fed đang mở rộng quy mô bảng cân đối và mua vào TPKB. Đồng nghĩa với việc lượng lớn thanh khoản bơm ra thị trường trong năm qua.

Theo Bloomberg, báo cáo về lạm phát lõi (Core consumer-price inflation) cả năm 2020 của Mỹ chỉ đạt 1,4%, thấp hơn kỳ vọng, nhưng nguy cơ lạm phát sẽ tăng mạnh trong năm nay không vì thế mà được đẩy lùi. Lợi suất TPKB kỳ hạn dài liên tục tăng mạnh thời gian qua đã phản ánh về kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai và một chính sách tiền tệ lỏng lẻo được Fed duy trì sẽ càng thúc đẩy lạm phát. Khảo sát của Đại học Michigan về kỳ vọng lạm phát năm 2021 có thể tăng 3,3%; cao nhất kể từ năm 2014.

Lạm phát tăng mạnh trong tương lai hàm ý Fed có thể thắt chặt lại chính sách tiền tệ sớm hơn kỳ vọng vào cuối năm 2023, nếu kinh tế Mỹ có những tín hiệu về tăng trưởng tốt hơn sau dịch. Nó hoàn toàn có thể là cú sốc với thị trường và một sự kiện Taper Tantrum khác có thể sẽ lặp lại.

Hiện tượng Taper Tantrum dường như không còn là điều quá xa vời nữa, khi trên thực tế, dòng tiền rút ra trung bình 290 triệu USD/ngày tại 30 nền kinh tế mới nổi trong tuần đầu của tháng 3.

 

(Nguồn: viện tài chính quốc tế)

 

Số liệu theo dõi dòng vốn toàn cầu do Viện nghiên cứu Tài chính quốc tế (Institute of International Finance – IIF) cho thấy, đầu tư nước ngoài tại các thị trường chứng khoán mới nổi tăng trưởng âm tính tới đầu tháng 3/2021. Theo đó, các thị trường mới nổi chứng kiến đợt bán ròng đầu tiên kể từ tháng 10/2020.

“Dòng tiền rút ra khiến chúng tôi ngạc nhiên, bởi các thị trường mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự hồi phục sau sự kiện đại dịch năm 2020. Giai đoạn dòng tiền chảy mạnh vào các thị trường mới nổi mới chỉ bắt đầu khi các thông tin tích cực về vắc xin được công bố. Chúng ta có thể đang lặp lại sự kiện taper tantrum năm 2013”, ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng IIF cho biết.

Tài sản tại các thị trường mới nổi thường mang tới lợi nhuận cao hơn so với tại các thị trường phát triển, nhưng rủi ro khi nắm giữ loại tài sản này cũng cao hơn. Một khi lãi suất tại các thị trường phát triển gia tăng, sức hấp dẫn của tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi sẽ giảm xuống.

Ông Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tiền tệ toàn cầu của HSBC cho biết: “Chúng tôi lo sợ hiện tượng tantrum với các thị trường mới nổi và diễn biến đột ngột của lãi suất trái phiếu Mỹ rõ ràng tạo ảnh hưởng tiêu cực”.

Một số liệu độc lập khác từ EPFR, được Barclays tập hợp cũng nhấn mạnh tới sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư sở hữu trái phiếu tại thị trường mới nổi bằng đồng tiền của các quốc gia phát triển, như USD, euro và yên, là nhóm chứng kiến dòng vốn bị rút ra mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 tới nay trong tuần đầu tiên của tháng 3/2021.

“Tâm lý ưa thích với các tài sản rủi ro tại các thị trường mới nổi vẫn được duy trì, thể hiện bởi việc các quỹ đầu tư cổ phiếu tại thị trường mới nổi vẫn đón nhận dòng tiền”, Andreas Kolbe, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng các thị trường mới nổi tại Barclays cho biết. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nhà đầu tư ngày càng có nhận thức rõ ràng hơn về các loại tài sản đầu tư cũng như mục tiêu đầu tư.

“Theo đó, chúng tôi tin rằng, trong ngắn hạn, rủi ro dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi các thị trường mới nổi là hiện hữu”, ông Andreas Kolbe cho biết.

Việt Nam cần thận trọng trước xu hướng này

Các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, cần chuẩn bị tâm lý khi dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường.

Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi giảm 3% trong phiên giao dịch cuối tuần (26/2/2021), trong khi đồng rand Nam Phi và peso Mexico đều giảm gần 3% so với USD.

Diễn biến chỉ số MSCI các thị trường mới nổi (đường màu trắng) và chỉ số MSCI các đồng tiền tại thị trường mới nổi (đường màu xanh)

Tài sản tại các thị trường mới nổi trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư khi chính sách tiền tệ toàn cầu được thắt chặt và lạm phát quay trở lại.

“Giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đã bắt đầu phản ảnh dự báo diễn ra “taper tantrum, dù Fed có nói gì đi nữa. Tương tự năm 2013, diễn biến mới gây ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường mới nổi”, Alvin T. Tan, người đứng đầu bộ phận giao dịch ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets cho biết. Trong đó, các đồng tiền rupiah Indonesia, rand Nam Phi và real Brazil là những đồng tiền dễ tổn thương nhất ở thời điểm hiện tại.

Thực tế, hàng loạt đồng tiền tại khu vực mới nổi đã giảm giá trong phiên giao dịch thứ Sáu (26/2/2021). Chẳng hạn, rupee Ấn Độ là đồng tiền giảm giá mạnh nhất, hơn 1,4%, trong khi đồng won Hàn Quốc giảm 1,4%. Các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan giảm khoảng 3%.

Ông Mitul Kotecha, chiến lược gia trưởng khu vực các thị trường mới nổi châu Á và châu Âu tại TD Securities cho biết, tính chất bất ổn cao hơn, áp lực lên lãi suất trái phiếu và động lực tăng trưởng tổn thương vì đại dịch đang là những yếu tố bất lợi đối với các loại tài sản đầu tư, trong đó có chứng khoán tại khu vực thị trường mới nổi.

“Tuy nhiên, dòng vốn rút ra khỏi thị trường sẽ không mạnh như năm 2013 và có thể chỉ là hiện tượng trong ngắn hạn, bởi Fed chưa có động thái nào cho thấy sẽ siết chặt chính sách tiền tệ”, ông Kotecha cho biết.

Tâm Chính

NGUỒN THAM KHẢO

https://tinnhanhchungkhoan.vn/lai-trai-phieu-my-tang-von-chuan-bi-rut-khoi-cac-thi-truong-moi-noi-post263025.html

https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-dao-chieu-cac-thi-truong-chung-khoan-moi-noi-doi-dien-hien-tuong-taper-tantrum-2013-post264542.html

https://www.thesaigontimes.vn/314217/duong-den-taper-tantrum.html



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam cần cẩn trọng xu hướng đảo chiều dòng vốn - hiện tượng Taper Tantrum năm 2013 đang lặp lại?