Việt Nam cần làm gì khi bị Mỹ đưa ra khỏi danh sách 'quốc gia đang phát triển'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có nhiều thay đổi để tránh bị Mỹ điều tra bán phá giá, sau khi không còn là "quốc gia đang phát triển".

Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) hôm 11/2 thông báo thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ xóa bỏ ưu đãi của WTO với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

25 nền kinh tế tự nhận là “đang phát triển” sẽ bị ảnh hưởng từ quyết định của Washington, bao gồm: Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, Georgia, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyz, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Rumani, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam, theo SCMP.

Hiện nay các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước đang phát triển có thời gian trì hoãn áp dụng những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, nhân quyền, và chỉ bị điều tra chống bán phá giá nếu họ trợ giá cho hàng hóa trên 2%.

Như vậy, phía Mỹ sẽ không còn dành các ưu đãi về thuế quan cho những quan hệ thương mại giữa phía Hoa Kỳ và các nước này, trong đó có Việt Nam.

USTR cho biết sửa đổi phương pháp xét tiêu chí nước đang phát triển là để điều tra thuế chống bán phá giá.

Việt Nam cần làm gì?

Trong cuộc phỏng vấn với hãng RFI hôm 12/2, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam cần có nhiều thay đổi để tránh bị Mỹ điều tra bán phá giá.

"Việt Nam cần phải kiểm soát rất kỹ càng, bởi vì trong tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, có nguy cơ một số công ty của Trung Quốc sẽ chuyển công đoạn lắp ráp sang phía Việt Nam. Thay vì họ có nhãn mác là ‘Made in China’ là sản xuất tại Trung Quốc, thì họ lại sẽ gắn nhãn mác là ‘Made in Vietnam’ và tránh được thuế quan," Tiến sĩ Doanh nói.

Ông nói tiếp: "Đây là điều tôi rất mong phía chính phủ Việt Nam, sẽ tránh được, sẽ chứng minh được là phía Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ, cởi mở, chân thành với phía Hoa Kỳ, để không có những gian lận thương mại đó."

Trong khi đó, Giáo sư Khương Hữu Lộc, từ trường Keller Graduate School of Management, lưu ý đến 2 việc lớn Việt Nam cần làm, bao gồm kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, tránh việc Trung Quốc và một số nước lợi dụng nhãn mác “Made in Vietnam” và bảo đảm hệ thống tiền tệ “công minh”, trong đó, tỷ giá hối đoái thả nổi theo thế giới.

Ông nói với hãng tin VOA: "Việt Nam cần phải ráo riết thu hẹp lại sự mất cân bằng thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Việt Nam tuyệt đối không thể nào vi phạm những điều Việt Nam đã vi phạm trong quá khứ và đã bị Hoa Kỳ phạt. Đó là xuất cảng về thép và nhôm."

"Đó là những điều thiết thực Việt Nam cần làm để tránh lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc, để thuyết phục Hoa Kỳ không đưa vào danh sách các nước phát triển cùng một lượt với Trung Quốc, Hàn Quốc hay là Singapore,” Ông Lộc nói tiếp.

Hiện Việt Nam đang hưởng thặng dư thương mại lớn trong buôn bán với Mỹ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tới hết tháng 11/2019 đạt 68,6 tỷ đô la, trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ trên 55 tỷ đô la, và nhập từ Mỹ hơn 13 tỷ đô la.

Việt Nam lên tiếng về quyết định của Mỹ

Ngày 20/2, trả lời câu hỏi về việc USTR đưa Việt Nam và Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết: "Hiện Việt Nam vẫn đang hưởng quy chế quốc gia đang phát triển của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)."

"Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá tác động của việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong luật chống trợ cấp của Mỹ, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp với phía Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại kết quả cho cả Việt Nam và Mỹ," theo báo Quốc tế.

Ông Việt cũng cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Mỹ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 76 tỷ USD năm 2019, tăng 25% so với năm 2018. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Nguyễn Sơn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam cần làm gì khi bị Mỹ đưa ra khỏi danh sách 'quốc gia đang phát triển'?