Việt Nam chờ đợi vụ IPO lớn nhất lịch sử trên sàn giao dịch Mỹ nhờ VinFast

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang lên kế hoạch IPO trị giá 2 tỷ USD cho công ty sản xuất xe hơi Vinfast trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ IPO lớn nhất Việt Nam, giúp ông Vượng lọt danh sách top 50 người giàu nhất thế giới.

Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận với nội bộ của Tập đoàn Vingroup cho biết tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho công ty sản xuất xe hơi Vinfast - một công ty con trong tập đoàn, sản xuất xe hơi với thương hiệu cùng tên, đồng thời cũng là hãng xe nội địa duy nhất của Việt Nam hiện nay - trên sàn giao dịch Mỹ.

Theo kế hoạch, tổng giá trị IPO có thể lên tới 2 tỷ USD. Vinfast kỳ vọng mức định giá 50 tỷ USD sau khi niêm yết. Con số này gây ngạc nhiên cho các chuyên gia kinh tế và giới kinh doanh, vì quy mô tài sản 50 tỷ USD của một hãng sản xuất ô tô nội địa Việt Nam là rất lớn, tương đương với giá trị của các nhà sản xuất xe nổi tiếng thế giới như Ferrari (52 tỷ USD), Hyundai (51,22 tỷ USD), Honda (50,94 tỷ USD) và xếp trên nhiều ông lớn khác như Ford (49,41 tỷ USD), Volvo (48,73 tỷ USD)… (theo Cafef.vn).

Mặt khác, cho tới thời điểm hiện tại, quy mô vốn hóa của Vingroup trên sàn giao dịch Việt Nam mới chỉ đạt 20 tỷ USD. Thêm vào đó, cập nhật tại thời điểm 15/3/2021, vốn điều lệ của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast mới đạt 42 nghìn tỷ VND, chưa tới 2 tỷ USD.

Với giá trị 50 tỷ USD (nếu được định giá theo đúng kỳ vọng của tỷ phú Vượng), Vinfast có thể trở thành hãng sản xuất xe hơi lớn thứ 13 toàn cầu (sau Tesla, Toyota, Volkswagen, Daimler, Ferari … ).

Theo Cafef, VinFast được sở hữu 51,522% bởi Tập đoàn Vingroup (công ty mẹ). Phần còn lại 48,478% được nắm giữ bởi ông Phạm Nhật Vượng và những người có liên quan.

Cuối năm 2020, cá nhân ông Phạm Nhật Vượng sở hữu gần 49% cổ phần của VinFast tuy nhiên trước kế hoạch IPO, cá nhân ông Vượng chỉ còn trực tiếp nắm 5%.

Phần lớn vốn góp tại VinFast (40,98%) đã được chuyển nhượng sang cho sang CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - công ty holding do ông Vượng sở hữu gần như toàn bộ. CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam hiện cũng là cổ đông lớn nhất của Vingroup.

Bloomberg không đề cập đến phương án IPO cụ thể. Tuy nhiên, nếu IPO thành công 2 tỷ USD và sau đó đạt mức vốn hóa thị trường 50 tỷ USD, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng sẽ tăng vọt. Theo tính toán của Cafef, vị tỷ phú này thậm chí có thể trở thành tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á, lọt danh sách 50 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Giá cổ phiếu của tập đoàn Vingroup (mã VIC) đã tăng tới 10,6% trong 5 ngày giao dịch gần đây, đạt mức 140,700 đồng/cổ phiếu sau các tin tức về IPO.

Không chỉ IPO trên đất Mỹ cho VinFast, vị tỷ phú này đã không che dấu tham vọng thành lập công ty sản xuất ô tô điện tại Mỹ và bán cho người Mỹ bằng cách thành lập công ty khởi nghiệp tại Mỹ. Vào tháng 3/2021, VinFast đã thành lập văn phòng nghiên cứu 50 thành viên tại San Francisco để chuẩn bị cho việc bán ô tô tại California vào năm 2022.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Giám đốc điều hành VinFast Thái Thanh Hải cho biết trong một email rằng công ty có kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ. Tuy nhiên, bà Hải cũng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về thời gian hoặc địa điểm có thể đặt nhà máy. Công ty cũng cho biết đang lên kế hoạch bán hàng tại Canada và Châu Âu vào năm tới.

Bà nói: “Tầm nhìn của VinFast là trở thành một công ty sản xuất ô tô điện thông minh toàn cầu và thị trường Hoa Kỳ là một trong những thị trường quốc tế đầu tiên mà chúng tôi sẽ tập trung vào. Ban đầu chúng tôi sẽ phát triển các mẫu cao cấp cho Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, rào cản thị trường xe hơi Bắc Mỹ rất cao và rất khó xâm nhập. Thị trường này có các nhà sản xuất ô tô lớn và giàu kinh nghiệm như Ford Motor Co. và General Motors Co., những hãng này đang chi hàng tỷ đô la vào ô tô điện trong khi các nhà đầu tư đã đổ thêm hàng tỷ đô la vào các công ty khởi nghiệp trong ngành để sau đó có thể thôn tính thông qua mua bán và sáp nhập.

Rất nhiều công ty khởi nghiệp ô tô điện vẫn chưa tung ra các sản phẩm thương mại, đã tận dụng xu hướng này để nhận đầu tư và phát triển sản phẩm. Trong đó có các gương mặt như Nikola Corp. là công ty nổi tiếng đầu tiên công khai thông qua danh sách SPAC, tiếp theo là các công ty khác như Lucid Motors Inc., Lordstown Motors Corp., Fisker Inc., Canoo Inc. và Xos, một nhà sản xuất xe thương mại chạy điện.

Điều này có nghĩa một công ty khởi nghiệp mới đến từ Việt Nam như VinFast sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể hoàn thành ước mơ “bán xe ô tô điện cho người Mỹ”.

Trà Nguyễn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam chờ đợi vụ IPO lớn nhất lịch sử trên sàn giao dịch Mỹ nhờ VinFast