Việt Nam đứng đầu về tiềm năng phát triển thị trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số trong khu vực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia được đánh giá là hai thị trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số (Fintech) tiềm năng nhất bởi quy mô và cấu trúc dân số, mức độ tiếp cận công nghệ, hạ tầng Internet… Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là một khuôn khổ pháp lý quản lý và giám sát hiệu quả cho Fintech chứ không phải là công nghệ hay năng lực tiếp cận của các định chế tài chính hay người tiêu dùng của thị trường này...

Ngày 8/11 vừa qua tại Hà Nội, Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) 2019 trong khuôn khổ Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam - FCV) đã diễn ra. Chương trình do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) tổ chức với sự trợ hỗ của Chương trình Sáng kiến Kinh doanh Mê Kông (Mekong Business Initiative - MBI), một dự án do Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 8/11/2019.

Fintech – khái niệm ngụ ý về các mô hình kinh doanh sáng tạo và công nghệ mới nổi có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính (theo định nghĩa của IOSCO 2017) – không còn xa lạ với Việt Nam nói riêng cũng như châu Á nói chung, bởi sự phát triển mạnh mẽ, sức ảnh hưởng và lan tỏa ngày một sâu rộng của nó trong ngành tài chính – ngân hàng. Các công ty khởi nghiệp Fintech sử dụng những tiến bộ công nghệ để cải tiến các dịch vụ tài chính như quá trình thanh toán, bảo hiểm, phân tích dữ liệu, lập kế hoạch tài chính, quản lý tài sản, cho vay và gây quỹ… theo các cách thức tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn và chi phí thấp hơn so với cách thức truyền thống.

Hiển nhiên, sự phát triển của Fintech trở thành một tất yếu khách quan trong làn sóng công nghệ 4.0. Và không nghi ngờ rằng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng - nền kinh tế trẻ và năng động – là mảnh đất màu mỡ hội tụ đầy đủ cơ hội để Fintech phát triển.

Đây là năm thứ hai Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam được tổ chức với sự tham gia của 208 doanh nghiệp đến từ 28 quốc gia trên khắp thế giới. Số lượng các định chế tài chính và doanh nghiệp Fintech đăng ký tham gia Diễn đàn tăng gấp đôi so với năm 2018 cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường Fintech Việt Nam.

Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á cho Fintech

Việt Nam có cấu trúc dân số trẻ và hệ thống hạ tầng Internet tốt. Năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 36%. Cùng trong năm nay, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017; trong đó, số lượng người dùng truy cập bằng thiết bị di động là 61,73 triệu người (chiếm 96% số người sử dụng Internet và chiếm tới 64% dân số Việt Nam). Trong số 143,3 triệu số thuê bao được đăng ký thì có tới 45% đã đăng ký 3G&4G; theo thống kê có tới hơn 2,7 tỷ lượt tải về các ứng dụng trên điện thoại và số tiền người tiêu dùng chi ra cho những ứng dụng này là 161,6 triệu USD.

Trong bài tham luận về thực trạng ngân hàng số Việt Nam tại Diễn đàn, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán (SBV) - cho biết: 62% dân số trưởng thành của Việt Nam đã có tài khoản ở NHTM (Ngân hàng thương mại). Đặc biệt số người giao tiếp với NHTM qua điện thoại di động tăng mạnh, một phần do NHTM tạo ra được hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng tốt và thiết lập được các ứng dụng mobile - banking hiệu quả. Giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động cũng tăng trưởng đột biến thời gian gần đây. Trong năm 2018, thanh toán qua kênh Internet đạt hơn 255 triệu giao dịch với giá trị khoảng 16 triệu tỷ đồng. Trong đó, thanh toán qua kênh điện thoại di động là hơn 185 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 1,86 triệu tỷ đồng, có mức độ tăng trưởng nhanh hơn các kênh khác.

Ông Dũng cũng cho biết: số lượng doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam tăng mạnh, chỉ trong 4 năm từ 2015 đến 2019, số lượng doanh nghiệp Fintech đã tăng từ 40 lên tới 150 doanh nghiệp; trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Mô hình hoạt động Fintech chủ yếu là mô hình hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Bản thân các NHTM, các định chế tài chính trong nước cũng rất sẵn sàng cho các giải pháp Fintech, các sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ mới

Sự sẵn sàng này để tránh việc các NHTM phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Fintech, đồng thời có thể chuyển đổi thành ngân hàng số đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như hài hòa với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này.

“Sự sẵn sàng của các NHTM rất lớn. Nếu 5 năm trước kia, các NHTM đều coi ứng dụng công nghệ thông tin như các dự án cụ thể thì hiện nay các NHTM coi ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi thành ngân hàng số như một chiến lược”, ông Dũng cho biết. Ông cũng nói thêm: Có hai NHTM trong nước đã áp dụng giải pháp Fintech được giải trong năm 2018, trong đó có giải pháp nhận và phân tích hồ sơ vay bằng công nghệ. Giải pháp này đã hỗ trợ NHTM đó rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ từ 7-10 ngày xuống còn dưới 1 ngày; điều này không chỉ tiết kiệm rất nhiều chi phí hoạt động cho ngân hàng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Tuy nhiên, thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý và giám sát bảo vệ người tiêu dùng cho khu vực này là rào cản phát triển lớn nhất cho Fintech Việt Nam

Cũng theo ông Dũng và nhiều doanh nghiệp, chuyên gia có mặt trong Diễn đàn, khó khăn lớn nhất hiện nay là khuôn khổ pháp lý tốt để quản lý và giám sát được sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ này.

Cho tới nay nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính của Fintech vẫn đang chờ đợi một khuôn khổ pháp lý của Việt Nam ra đời để được hoạt động hợp pháp, chẳng hạn như P2P lending (cho vay ngang hàng). Không những vậy, ngay cả các giải pháp Fintech cho các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống cũng cần khuôn khổ pháp lý thay đổi để các định chế tài chính có thể ứng dụng. Đơn cử một ví dụ, các NHTM cần một Nghị định cho phép các NHTM có thể cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng mà không cần gặp mặt trực tiếp. Ngoài ra, hầu hết các ứng dụng Fintech đều xử lý và khai thác dữ liệu điện toán đám mây trong khi khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa có quy định về lưu trữ, bảo mật, khai thác dữ liệu theo phương thức này. Đây chính là rào cản pháp lý lớn hiện nay đối với các doanh nghiệp Fintech muốn phát triển trên thị trường Việt Nam.

Sự thiếu vắng các quy định pháp lý như vậy không chỉ dựng lên một rào cản gia nhập thị trường đối với các startup Fintech trong nước, hạn chế sự thâm nhập của các Fintech nước ngoài mà còn hạn chế quá trình số hóa của các định chế tài chính trong nước.

Trà Nguyễn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam đứng đầu về tiềm năng phát triển thị trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số trong khu vực