Việt Nam nỗ lực trở thành người chiến thắng trong thương chiến Mỹ - Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam đang chịu sức ép gia tăng của Mỹ trong vấn đề ngăn chặn việc trung chuyển hàng hóa trốn thuế có xuất xứ từ Trung Quốc...

Việt Nam, được coi là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ thương chiến Mỹ - Trung, đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn việc Trung Quốc vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ của mình để tránh thuế quan của Mỹ.

Việc các quan chức thương mại Mỹ có bị thuyết phục rằng nỗ lực này là có thật và có hiệu quả hay không sẽ quyết định liệu Việt Nam sẽ được hưởng lợi hay tổn thất từ thương chiến trong những tháng tới.

Chính phủ gần đây đã đưa ra một danh sách 25 sản phẩm có nguy cơ bị Trung Quốc lợi dụng nhằm tránh các biện pháp trả đũa của Mỹ. Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ áp thuế 400% đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu của Việt Nam vào hồi tháng 7.

Trong một nỗ lực khác nhằm xoa dịu những lo ngại của Mỹ về việc chuyển tuyến của hàng hóa Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam tuyên bố sẽ đình chỉ xuất khẩu một số mặt hàng gỗ dán sang Mỹ từ cuối tháng 12.

Các nhà điều tra đã phát hiện ra rằng một số sản phẩm sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan đã được chuyển đến Việt Nam để xử lý một chút trước khi được đóng gói lại và xuất khẩu dưới mác “Made in Vietnam”.

Với việc Mỹ áp thuế 25% lên một số sản phẩm của Trung Quốc, và dự kiến nhiều thuế hơn sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12, thì việc vận chuyển hàng hóa qua Việt Nam - vốn có hầu hết mặt hàng không bị đánh thuế khi xuất khẩu sang Mỹ - đáng để nhiều nhà sản xuất Trung Quốc mạo hiểm.

Hiện tại, Mỹ vẫn đặt Việt Nam vào tầm ngắm do thặng dư thương mại với Mỹ ở mức cao và đang gia tăng. Thặng dư Việt Nam đã tăng lên 41 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước sự mất cân bằng đó, vào tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đã thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi các nước thao túng tiền tệ. Một tháng sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Tổng thống Trump đã lên án Việt Nam là “một kẻ lạm dụng tồi tệ nhất”.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á được hưởng lợi rõ ràng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì Trung Quốc và các nhà sản xuất khác đã chuyển chuỗi cung ứng của họ về phía nam qua biên giới, nơi mức lương thấp hơn và cơ sở hạ tầng thương mại phù hợp cho các chuyến hàng quốc tế quy mô lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc hưởng lợi thì Việt Nam cũng có thể sẽ phải gánh chịu tổn thất khi lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ đang gia tăng, làm tăng thặng dư thương mại và làm Washington dấy lên nghi ngờ rằng Việt Nam đang bí mật cho phép hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng qua lãnh thổ của mình.

Hai vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rõ ràng để giảm thặng dư thương mại với Mỹ, nhưng thặng dư vẫn tiếp tục gia tăng. Các nhà phân tích thị trường cho rằng, có một khả năng khác là thặng dư hiện đang tăng lên một cách giả tạo do hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc.

Để giảm thiểu tổn thất nếu bị áp thuế chống lẩn thuế, tránh thuế bởi Mỹ, chính quyền đã bắt đầu thiết kế nhiều phương án, giải pháp để giải quyết việc chuyển tải và dán nhãn trái phép của hàng hóa Trung Quốc vào tháng 6, những nỗ lực này đặc biệt được tăng cường sau chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross vào đầu tháng 11 vừa qua.

Theo các nhà quan sát, các nhà điều tra Mỹ và Việt Nam hiện đang giám sát các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Số liệu về quy mô và mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ có một sự trùng hợp đáng ngờ khi hàng hóa nhập từ Trung Quốc giảm và hàng hóa nhập từ Việt Nam tăng.

Quyết định đình chỉ xuất khẩu một số mặt hàng gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ hiển nhiên là một phần kết quả của cuộc điều tra này.

Nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng 37% trong quý đầu năm nay, trong khi xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ tăng 95% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ đã áp thuế 25% đối với gỗ dán do Trung Quốc sản xuất. Đây chính là lý do để Trung Quốc lẩn tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ bằng cách thông qua thị trường Việt Nam vốn còn nhiều kẽ hở về giám sát, quản lý và quy định về xuất xứ hàng hóa. Một mức thuế tương tự của Mỹ đối với các sản phẩm gỗ dán Việt Nam có thể sẽ là thảm họa đối với lĩnh vực sản xuất này, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ trị giá khoảng 190 triệu đô la trong năm 2018.

Cũng trong tháng 11, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ đã tịch thu khoảng 4,3 tỷ USD các sản phẩm nhôm sản xuất từ ​​Trung Quốc đã được chuyển đến Việt Nam và dán nhãn giả là “Made In Vietnam”.

Tuy nhiên, việc nỗ lực ngăn cản hàng lẩn thuế, trốn thuế từ Trung Quốc qua Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề thể chế nhất định. Theo News Asian, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ chỉ có thể xác minh 5% trong số tất cả các tờ khai xuất nhập khẩu, có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc có thể dễ dàng được đóng gói lại với nhãn hiệu “Made in Vietnam” nhằm lẩn tránh thuế trừng phạt của Mỹ.

Các quan chức Mỹ có lẽ hiểu những vấn đề mà Hà Nội phải đối mặt, nhưng đồng thời họ vẫn muốn gây sức ép để Việt Nam phải thay đổi, nhất là trong khi sự việc này có thể được sử dụng để gây áp lực cho Việt Nam giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Đây rõ ràng là một trong những điểm chính khi Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Ross dẫn đầu một phái đoàn đến Hà Nội vào đầu tháng 11, và một số thỏa thuận mới được ký kết có thể làm giảm nhẹ sự mất cân bằng thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ.

AES - một công ty năng lượng khổng lồ có trụ sở tại Virginia, đã ký một Biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương Việt Nam để giúp xây dựng Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2 trị giá 3,1 tỷ USD; trong khi Vietnam Airlines ký hợp đồng sửa chữa động cơ trị giá 1 tỷ USD với một công ty Mỹ khác .

Trong suốt 25 năm qua, thương mại giữa hai nước chúng ta đã tăng theo cấp số nhân và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng hóa Việt Nam”, ông Ross cho biết tại một bữa tiệc trưa của CEO Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội.

Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại về thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 40 tỷ USD. Chúng tôi muốn hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc giảm thâm hụt thương mại này”, ông cho biết thêm.

Đầu tháng 12, Bộ Tài chính tuyên bố rằng họ cũng đang xem xét cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu nông sản của Mỹ, một vấn đề quan trọng đối với chính quyền Trump, đặc biệt là khi Tổng thống muốn giành được sự ủng hộ của các cử tri nông gia trong các cuộc bầu cử năm 2020.

Để tiến tới mối quan hệ mở rộng hơn giữa hai nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực cho Mỹ thấy rằng chúng ta đang ngăn chặn một cách hiệu quả việc hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế qua thị trường Việt Nam và sẵn sàng mua nhiều dịch vụ và hàng hóa tốt hơn từ Mỹ.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo Asian Times



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam nỗ lực trở thành người chiến thắng trong thương chiến Mỹ - Trung