Việt Nam sẽ giảm hàng loạt thuế nhập khẩu nông sản Mỹ về 0% trong năm tới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại sứ quán Mỹ đã đề nghị Việt Nam giảm mạnh thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản trong năm 2020 như một biện pháp cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Bộ Tài chính Việt Nam đang triển khai xin ý kiến các bộ ngành về vấn đề này…

Theo Bizlive, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, Đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng ngay trong năm 2020, một số mặt hàng có đề nghị tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Cụ thể: với mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà, Đại sứ quán Mỹ kiến nghị giảm từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và về hẳn 0% vào năm 2028; với mặt hàng táo tươi, nho tươi, Mỹ đề nghị giảm thuế MFN từ 10% xuống 0% vào năm 2020; với mặt hàng lúa mì, đề nghị giảm từ 5% xuống 0%; với mặt hàng khoai tây đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác, trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit acetic, đã đông lạnh, đề nghị giảm xuống 6% vào năm 2020 và 0% vào năm 2021. Ủy ban Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng, từ 25% xuống 18,9% trong năm 2020 và 0% trong năm 2027…

Việc giảm thuế nhập khẩu có thể giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng từ Mỹ với mức thuế nhập khẩu thấp, thậm chí là 0%. Tuy nhiên, chính sách này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước khi mức thuế suất thuế nhập khẩu yêu cầu giảm dần về 0%, làm hụt thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu. Điều quan trọng hơn là trong thời gian tới Mỹ có thể tiếp tục có yêu cầu giảm thuế thêm đối với nhiều loại mặt hàng trong bối cảnh Việt Nam xuất siêu rất lớn vào Mỹ và đang nằm trong danh sách theo dõi về “thao túng tiền tệ”.

Một trong những nguyên tắc áp dụng trừng phạt trong sân chơi của Tổ chức thương mại toàn cầu WTO là công bằng. Theo đó, các vấn đề của Trung Quốc mà Mỹ sử dụng để áp lệnh trừng phạt cũng được xem xét cho các nền kinh tế khác có quan hệ thương mại với Mỹ. Dù Việt Nam chỉ là một nền kinh tế nhỏ nhưng khá đặc thù với một số thể chế kinh tế - chính trị tương đồng với Trung Quốc, trong đó phải kể đến việc Mỹ và phương Tây không coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ - khiến Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực gia tăng khi thương chiến leo thang.

Không chỉ đưa Việt Nam vào danh sách các nền kinh tế cần theo dõi vì “thao túng tiền tệ”, Mỹ còn đưa ra các khuôn khổ giám sát với Việt Nam về việc thay đổi nhiều chính sách, khuôn khổ pháp lý mà Mỹ cho rằng làm mất đi yếu tố của một thị trường tự do. Việc có thể phải giảm dần mức thuế xuất nhập khẩu về 0% đối với nông sản của Mỹ trong năm tới có thể chỉ là áp lực khởi đầu cho nhiều yêu cầu khác.

Trà Nguyễn (tổng hợp)

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam sẽ giảm hàng loạt thuế nhập khẩu nông sản Mỹ về 0% trong năm tới?