Virus Corona phơi bày 'điểm yếu' trong các nền kinh tế Đông Nam Á và gia tăng quyết tâm 'thoát' Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Suy giảm kinh tế, mất phương hướng trong đại dịch Covid-19 cho thấy các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch và thương mại.

Cuộc khủng hoảng đã bóc trần mức độ phụ thuộc Trung Quốc quá mức của các nền kinh tế Đông Nam Á

Trung Quốc chiếm tỷ trọng khách du lịch lớn nhất tại Thái Lan và Singapore trong năm ngoái; tương ứng 1/4 và 1/5 lượng khách du lịch vào hai quốc gia này. Bởi vậy, sự bùng phát virus Corona đã khiến những điểm du lịch nổi tiếng như công viên giải trí bên ngoài Bangkok không một bóng người.

Chợ đường phố ở Ubud, Bali yên tĩnh lạ thường vào một buổi chiều gần đây. “Vào thời điểm này trong ngày, khách du lịch Trung Quốc thường sẽ chen chúc qua đây”, anh Ketut, người bán túi xách và đồ thủ công bằng gỗ cho khách du lịch nói. Doanh số của anh đã giảm một nửa kể từ khi virus Corona bùng phát bắt đầu vào tháng 1.

Thiệt hại về thương mại với Trung Quốc đã ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các nền kinh tế Đông Nam Á khi các nhóm khách du lịch không đi nữa. Không chỉ vậy, các nước Đông Nam Á còn phụ thuộc vào Trung Quốc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Khi nhà cung cấp Trung Quốc tạm dừng giao hàng cho các nhà sản xuất và tạm ngừng nhập khẩu mọi thứ thì từ các thiết bị điện tử của Thái Lan và Malaysia cho đến thanh long của Việt Nam đều bị đình lại. Cuộc khủng hoảng đã bóc trần mức độ phụ thuộc của các quốc gia này vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn khách nước ngoài cho các quốc gia trong khu vực.

Nó cũng thoáng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn đối với châu Âu và Mỹ khi dịch bệnh lan rộng. Nỗi lo về tác động của virus Corona đã khiến một số ngân hàng trung ương phải cắt giảm lãi suất để làm dịu bớt bất kỳ tác động kéo dài nào. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã cắt giảm lãi suất chuẩn của mình xuống 50 điểm phần trăm vào thứ Ba (3/3), hơn nửa tháng trước khi diễn ra cuộc họp chính thức. Ngân hàng trung ương của Úc và Malaysia cũng cắt giảm lãi suất vài giờ sau đó.

Anh Nuttabhat Jarach, một công nhân tại trung tâm hỗ trợ du lịch ở sân bay Don Mueang tại Bangkok cho biết: “Nếu việc cách ly tiếp tục kéo dài hơn hai hoặc ba tháng nữa, nó sẽ tác động tiêu cực đến đất nước chúng tôi”. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, số lượng hành khách đã giảm 40-60% trong tháng 2 so với cách đây một năm (theo Financial Times).

Chi phí kinh tế phải trả cho virus Corona là bao nhiêu?

Các nhà kinh tế đang cố gắng dự đoán chi phí kinh tế do virus Corona gây ra. Họ thường so sánh virus này với sự bùng phát của Sars năm 2003 - với lời cảnh báo rằng 17 năm trước, Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ kinh tế thống trị khu vực như hiện nay.

Chia sẻ với Financial Times, Ông Yasuyuki Sawada, trưởng ban kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á nói: "Một điểm khác biệt (kể từ) dịch Sars là nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn hơn nhiều và hội nhập nhiều hơn với các nước châu Á khác và khách du lịch Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn đối với các quốc gia và nền kinh tế của các quốc gia này”.

Mức độ hội nhập kinh tế thể hiện đặc biệt rõ ràng trong sản xuất. Điều này có lẽ lộ rõ nhất trong trường hợp của Việt Nam, nơi hàng hóa bán thành phẩm và thành phẩm đi qua biên giới đất liền của hai nước một cách thường xuyên (và đôi khi hơn một lần) trong quá trình sản xuất một sản phẩm.

Do các tuyến đường vận tải bị gián đoạn, Samsung của Hàn Quốc đã chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không một số linh kiện mà Trung Quốc cung cấp cho hai nhà máy của họ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sự lựa chọn này không áp dụng cho các lĩnh vực có lợi nhuận thấp hơn như dệt may, vì vậy các nhà sản xuất cần sử dụng vận tải biển, tìm nhà cung cấp không phải của Trung Quốc hoặc đọc lướt qua các bản kiểm kê và hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ sớm kết thúc.

Ông Alex Tran, giám đốc của Công Ty TNHH Xuất Khẩu Hàng Thủ Công Mỹ Nghệ Lạc Việt - một công ty sản xuất đồ mây tre đan, khung tranh và các sản phẩm thủ công khác có trụ sở tại Đà Nẵng, cho biết: “Nếu điều này tiếp tục trong 3 đến 6 tháng thì không vấn đề. Nhưng nếu kéo dài đến cuối năm thì sẽ gây khó khăn cho chúng tôi”.

Ông Sriram Muthukrishnan, trưởng bộ phận quản lý sản phẩm thương mại tại ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore, cho biết một số khách hàng của họ dự kiến ​​sẽ giảm 5-10% các đơn đặt hàng ngắn hạn. “Virus Corona đang buộc mọi người phải nhận thức một cách rõ ràng hơn rằng biết bao nhiêu thương mại trung gian ở châu Á phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông nói.

Các nước ráo riết thiết kế chính sách vãn hồi tổn thất

Tháng trước, Singapore đã đề xuất một chương trình trị giá 6,4 tỷ đô la Singapore (4,6 tỷ USD) để chống lại tác động kinh tế do virus bùng phát. Gói này đã được công bố vài ngày sau khi thành bang này cắt giảm dự báo tăng trưởng theo điểm phần trăm từ 0,5-2% xuống còn -0,5-1,5%.

Tuần trước, Malaysia đã công bố gói kích cầu 20 tỷ ringgit (4,7 tỷ USD).

Năm ngoái, chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch “Ăn, Mua sắm, Tiêu xài” dành cho khách du lịch nội địa nhằm phục hồi nền kinh tế đang chậm lại. Thái Lan đang xem xét một biện pháp kích thích mới.

Indonesia và Thái Lan đã xem virus Corona như một nhân tố chính khi gần đây họ thực hiện cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm. Các nhà chức trách trong khu vực cũng đang thực hiện các bước để khai thông lưu thông thương mại, bao gồm cả ở biên giới Việt-Trung.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất cho biết sự gián đoạn này có thể ảnh hưởng thường xuyên đến cách mà chuỗi cung ứng của họ được cấu thành - và có khả năng mang lại lợi ích cho một số nhà cung cấp Đông Nam Á.

Quyết tâm “thoát” Trung của các nền kinh tế Đông Nam Á

Ngân hàng Maybank của Malaysia lưu ý rằng sự bùng phát virus Corona sẽ càng củng cố quyết tâm “thoát” Trung và Trung Quốc đã bắt đầu bị như vậy kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Aeumulus, một công ty Malaysia thiết kế và sản xuất thử nghiệm chất bán dẫn, đang tìm nguồn cung ứng linh kiện từ các nhà cung cấp Đài Loan hoặc Hàn Quốc với chi phí cao hơn vì các nhà cung cấp Trung Quốc chưa vận hành toàn bộ hệ thống và không thể xác nhận ngày giao hàng.

Ông Chuah Choon Bin, chủ tịch điều hành của Pentamaster, một nhà sản xuất công nghệ và tự động hóa của Malaysia cho biết: “Có thể có một bài học cho tất cả các nhà sản xuất từ con virus này. Mọi người đều tập trung vào Trung Quốc [nhưng] họ cũng nên tìm kiếm thêm những nơi khác nữa”.

Thủy Tiên

Theo Financial Times



BÀI CHỌN LỌC

Virus Corona phơi bày 'điểm yếu' trong các nền kinh tế Đông Nam Á và gia tăng quyết tâm 'thoát' Trung