Vụ khoe của trên mạng bất ngờ phơi bày nạn tham nhũng của các gia đình quyền lực Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một vụ khoe của đang thu hút được sự quan tâm trên mạng, và đã bất ngờ phơi bày bản chất tham nhũng của các gia đình quyền lực tại Trung Quốc. Đằng sau các doanh nghiệp nhà nước, tài sản công bị biến thành tài sản riêng của các gia đình này. Đặc biệt, gia đình cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân chính là nhóm lợi ích lớn nhất sử dụng quyền lực để trục lợi.

Vụ khoe của phơi bày tham nhũng tại Trung Quốc

Một vụ khoe khoang sự giàu có mới đây của một nhân viên doanh nghiệp nhà nước (SOE) tại Trung Quốc đang là chủ đề nóng trên Internet Trung Quốc. Vụ việc bất ngờ phơi bày sự tham nhũng mang tính thể chế tiềm ẩn trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Người đàn ông trẻ đang được chú ý là Zhou Jie. Vào ngày 25/07, một người nào đó đã khơi mào sự chú ý tới việc ông Zhou đã đăng các tin nhắn trên Wechat Moments từ năm 2019 đến năm 2021 để khoe khoang sự giàu có của mình và các mối quan hệ rộng rãi trong giới chính trị và kinh doanh địa phương, mặc dù ông Zhou chỉ là một nhân viên bình thường của Tập đoàn Capital Operation Holding thuộc sở hữu nhà nước nằm tại tỉnh Giang Tây phía đông Trung Quốc.

Ngày 27/07, Tập đoàn này đã công bố thông báo về cuộc điều tra ông Zhou. Ngoài việc phát hiện ra danh tính của ông Zhou và sáu ngôi nhà và hai cửa hàng của gia đình ông ấy, thông báo cũng tiết lộ thông tin nghề nghiệp của cha mẹ và ba người chú của ông Zhou: tất cả họ đều làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước trong hệ thống giao thông công cộng của Giang Tây và hầu hết là cán bộ cấp trung và cao cấp.

Đó là lý do tại sao, theo ông Zhou, một “người lười học” như ông có thể kiếm được việc làm trong một công ty tài chính nhà nước. Những người bình thường cần có bằng thạc sĩ tài chính từ một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc để được nhận vào làm tại công ty này.

Mặc dù đây là một hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng có không mấy người nói về nó trước đây. Vụ việc đã vạch trần một mạng lưới quan hệ gia đình về kinh doanh và chính trị khổng lồ trong nhiều doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cũng bộc lộ bản chất mang tính gia đình của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc.

Vụ việc nổi tiếng đầu tiên tiết lộ về mạng lưới này bắt nguồn từ một cô gái trẻ tên là Guo Meimei vào năm 2011. Cô Guo khoe khoang sự giàu có của mình với tư cách là giám đốc điều hành cấp cao của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về sự tham nhũng và hoạt động bán thương mại của tổ chức này.

Vụ khoe của trên mạng bất ngờ phơi bày nạn tham nhũng của các gia đình quyền lực Trung Quốc
Bức ảnh được đăng trên Internet ở Bắc Kinh vào ngày 05/07/2011 cho thấy "Guo Meimei Baby", cô gái tự xưng là tổng giám đốc của một công ty có tên "Red Cross Commerce", bên cạnh chiếc xe Maserati của cô. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Theo ông Li Yanming, một chuyên gia về Trung Quốc làm việc tại Mỹ, vấn đề về tính gia đình trong các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn tồn tại trong cái gọi là hệ thống quốc doanh của ĐCSTQ. Các cuộc cải cách SOE của Trung Quốc, bắt đầu từ những năm 1980, đã đem lại cho tầng lớp tinh hoa của ĐCSTQ quyền lực không bị kiểm soát trong việc sử dụng các nguồn lực của nhà nước để phục vụ cho lợi ích cá nhân của họ và gia đình họ.

Đằng sau hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các gia đình quyền lực hàng đầu của ĐCSTQ biến tài sản nhà nước thành tài sản riêng của họ. Các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc, chẳng hạn như điện, vận tải, dầu mỏ, viễn thông và tài chính, về cơ bản bị phân chia cho các gia đình quyền lực của ĐCSTQ, đây là kết quả không thể tránh khỏi của sự tham nhũng mang tính thể chế của ĐCSTQ, ông Li nói với The Epoch Times.

Tuy nhiên, do sự kiểm soát toàn diện của ĐCSTQ đối với xã hội Trung Quốc, thông tin bị phong tỏa nghiêm ngặt đến mức "chỉ khi các nhóm lợi ích khác nhau trong đảng chống lại nhau khi đấu tranh chính trị thì thông tin liên quan mới được tiết lộ", ông nói.

Các nhóm lợi ích dùng quyền lực để trục lợi

Năm 2006, Luneng Group, công ty nhà nước lớn nhất ở tỉnh Sơn Đông, đã được bí mật bán cho hai công ty tư nhân ở Bắc Kinh với giá bằng một phần hai mươi giá trị theo định giá của công ty. Vào thời điểm đó, Luneng có ba công ty niêm yết với giá trị thị trường khoảng 73,8 tỷ CNY (nhân dân tệ), tương đương khoảng 10,92 tỷ USD, trải dài trong các ngành khác nhau bao gồm điện than, khai thác mỏ, bất động sản, kỹ thuật xây dựng, tài chính và thể thao.

Các công ty tư nhân đã trả 3,73 tỷ CNY (khoảng 550 triệu USD) cho 91,6% cổ phần của doanh nghiệp nhà nước siêu lớn. Đây là 2 doanh nghiệp có tên Công ty Năng lượng Beijing Shouda và Công ty Beijing Guoyuan United.

Tuy nhiên, ngay cả 3,73 tỷ CNY đó cũng đến từ chính Luneng, theo tờ báo điện tử Trung Quốc ở nước ngoài aboluowang.com. Cách thức cụ thể là mua một mỏ than ở tỉnh Sơn Tây với giá 70 triệu CNY (khoảng 10,36 triệu USD), sau đó khiến nó được định giá thành 750 triệu CNY (khoảng 110 triệu USD) và bán cho Luneng với giá đó. Thao tác này diễn ra nhiều lần.

Vào tháng 01/2007, Caijing đã đưa tin về diễn biến của thương vụ mua lại này. Sau khi công bố, bài báo đã bị cơ quan chức năng cấm đăng tải nhưng nó vẫn gây ra phản ứng trong dân chúng.

Báo cáo của Caijing tiết lộ rằng việc mua lại được thực hiện hoàn toàn bí mật. Cho đến khi quá trình mua lại được hoàn tất, không ai bên trong Luneng biết người chủ thực sự đằng sau là ai. Theo điều tra của Caijing, hai công ty này có liên quan đến Xiao Jianhua, một ông trùm về vốn được biết đến rộng rãi như là người trung gian thực hiện các giao dịch bất chính cho ông Zeng Wei, con trai của Zeng Qinghong (Tăng Khánh Hồng), người đàn ông quyền lực thứ hai của ĐCSTQ. Ông Zeng Wei được biết đến khi mua một ngôi nhà sang trọng ở Úc vào năm 2008 với giá 32,4 triệu AUD (đô-la Úc), tương đương khoảng 22,4 triệu USD.

Vụ khoe của trên mạng bất ngờ phơi bày nạn tham nhũng của các gia đình quyền lực Trung Quốc
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng tham dự phiên họp toàn thể lần thứ hai của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thường niên, tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 09/03/2006 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Andrew Wong / Getty Images)

Do những cáo buộc gây thất thoát tài sản nhà nước và áp lực từ dư luận, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Hội đồng Nhà nước (SASAC) vào cuối năm 2007 đã ra lệnh chuyển đổi lại Luneng. 95% cổ phần của Luneng đã được mua lại với giá 8,3 tỷ CNY (khoảng 1,2 tỷ USD), và Luneng trở lại nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Việc mua lại đã mang lại cho 2 công ty ban đầu đã mua Luneng 900 triệu CNY (khoảng 130 triệu USD) mặc dù cuối cùng 2 công ty này đã không nắm giữ được Luneng, theo các bài báo sau đó của Caijing. Tuy nhiên, trừ đi 70 triệu CNY ban đầu (để mua mỏ than), cộng thêm số vốn 3,73 tỷ CNY để mua Luneng cũng đến từ chính Luneng, thì hai công ty tư nhân đã thu về 4,55 tỷ CNY (khoảng 670 triệu USD) trong quá trình tư nhân hóa và tái quốc hữu hóa của Luneng.

Ông Zhang Gaoli (Trương Cao Lệ), khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông và Liu Zhenya, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Sơn Đông, công ty mẹ của Luneng, đều được Tăng Khánh Hồng cất nhắc sau vụ việc. Ông Trương sau này đã gia nhập cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ với tư cách Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị năm 2017 trong khi ông Liu đảm nhận vị trí chủ tịch hội đồng quản trị kiêm bí thư đảng ủy Tổng công ty lưới điện nhà nước Trung Quốc.

Gia đình của ông Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), cựu lãnh đạo ĐCSTQ, người lãnh đạo đảng từ năm 1989 đến những năm 2000, chính là nhóm lợi ích lớn nhất của Trung Quốc tiến hành sử dụng quyền lực tối cao của mình để làm giàu cho bản thân.

Reuters đưa tin vào năm 2014 rằng Boyu Capital, công ty thuộc về cháu trai của ông Giang là Jiang Zhicheng, đã mua cổ phần kiểm soát (lượng cổ phần đủ để kiểm soát công ty) của Sunrise Duty Free vào năm 2011 với giá bằng ⅛ định giá của công ty này. Ngành công nghiệp cửa hàng miễn thuế là một ngành nhà nước độc quyền được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc.

Theo bài báo, Sunrise Duty Free đã có thể có được giấy phép hoạt động trong 10 năm và việc gia hạn để mở cửa hàng miễn thuế tại hai sân bay lớn nhất Trung Quốc nhờ sự phê chuẩn trực tiếp của ông Giang Trạch Dân. Điều này cho phép người sáng lập công ty, ông Fred Kiang, một người Mỹ gốc Hoa, được hưởng những đặc quyền kinh doanh cửa hàng miễn thuế ở Trung Quốc mà người nước ngoài không thể có.

Ông Fred Kiang được cho là sinh ra ở Thượng Hải và có họ với Giang Trạch Dân. Theo gia phả họ Giang, ông Fred Kiang thuộc thế hệ “Shi”, cùng thế hệ với cha của ông Giang Trạch Dân, ông Jiang Shijun. Cả ông Jiang Zhicheng và cha của ông, ông Jiang Mianheng, đều đã sử dụng một trong những tài sản của ông Fred Kiang ở Tucson, Arizona, Mỹ, để phục vụ các giao dịch kinh doanh tư nhân nhỏ hơn khi họ ở Mỹ.

Bảo Nguyên

Theo Jennifer Bateman - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vụ khoe của trên mạng bất ngờ phơi bày nạn tham nhũng của các gia đình quyền lực Trung Quốc