Vụ vỡ nợ đáng sợ của chính phủ Mỹ sẽ khó có thể xảy ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước Mỹ đang dồn sự chú ý vào cuộc đối đầu về trần nợ. Người ta có vẻ đã bị ám ảnh quá mức bởi viễn cảnh vỡ nợ của Mỹ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do và từ kinh nghiệm trong quá khứ, vụ vỡ nợ này sẽ khó có thể xảy ra.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo một lần nữa về cách tiếp cận tồi tệ đối với trần nợ của Washington. Bà ấy đã nói với cả nước Mỹ rằng thời hạn đang đến gần và nó có thể khiến đất nước vỡ nợ. Đây là một sự kiện, theo bà Yellen, sẽ mang lại sự hỗn loạn về tài chính và kinh tế.

Các phương tiện truyền thông và những bên khác đã nhắc lại lời của bà Yellen và thổi bùng ngọn lửa sợ hãi. Tất nhiên, vỡ nợ sẽ mang lại sự hỗn loạn về tài chính và kinh tế, nhưng nó không phải là kết quả tất yếu của giới hạn trần nợ. Washington đã nhiều lần đối mặt với các vấn đề về trần nợ và chưa bao giờ thực sự tới gần việc vỡ nợ.

Vấn đề này gần như không đáng sợ như lời hùng biện của bà Yellen và rất nhiều hãng truyền thông. Chúng ta cần phải nhận ra rằng Washington sẽ tiếp tục có dòng doanh thu ngay cả khi chạm trần nợ. Chính phủ có thể phụ thuộc quá nhiều vào nợ, nhưng nó không chỉ dựa vào nợ.

Đảm bảo từ dòng doanh thu

Theo ngân sách mới nhất của Tòa Bạch Ốc, thuế và phí hỗ trợ gần 80% chi tiêu hàng năm của chính phủ. Dòng doanh thu này sau đó có lẽ sẽ cho phép chính phủ tiếp tục tiến hành khoảng 80% hoạt động của mình ngay cả khi chính phủ không thể phát hành một xu nợ mới. Dòng tiền đó từ thuế và phí lên tới 4,9 nghìn tỷ USD hàng năm. Đây là nguồn tài chính dồi dào để tiếp tục hầu hết các hoạt động của chính phủ.

Dựa trên kinh nghiệm quá khứ, thì Washington, khi phải đối mặt với trần nợ và chỉ còn có thể dựa vào thuế và phí, sẽ đặt ra các ưu tiên chi tiêu. Một lĩnh vực ưu tiên sẽ là việc thanh toán gốc và lãi cho các khoản nợ của chính phủ. Theo ngân sách Tòa Bạch Ốc được công bố gần đây, nhu cầu đó sẽ tiêu tốn khoảng 665 tỷ USD trong năm nay, tương đương 14% tổng nguồn thu từ thuế và phí. 4,2 nghìn tỷ USD còn lại sẽ dành cho các dịch vụ thiết yếu khác của chính phủ, chẳng hạn như An sinh xã hội và Medicare, các cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm tòa án liên bang, lực lượng vũ trang, v.v. Các công viên và đài tưởng niệm quốc gia có thể đóng cửa cho đến khi Quốc hội hành động. Một số nhân viên chính phủ có thể phải tạm thời nghỉ việc. Nhưng Mỹ sẽ không nhất thiết phải vỡ nợ hoặc đối mặt với thảm họa đi kèm. Mọi người, bao gồm bà Yellen, dường như bị ám ảnh vì nó.

Vụ vỡ nợ đáng sợ của chính phủ Mỹ sẽ khó có thể xảy ra
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về trần nợ tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 09/05/2023 tại Washington, DC, Mỹ. Tổng thống Biden đã phát biểu sau cuộc họp với các nhà lập pháp của Quốc hội khi họ tiếp tục đàm phán về việc nâng trần nợ để tránh tình trạng vỡ nợ của chính phủ. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Các lý do khác

Chi phí trả nợ bao gồm lãi trên khoản nợ chưa thanh toán. Trái phiếu cũng sẽ đáo hạn và cần đảo nợ. Trần nợ sẽ không tác động tới điều đó. Mọi trái phiếu đáo hạn sẽ làm giảm dư nợ của chính phủ, đưa con số dư nợ xuống dưới mức trần và cho phép Washington phát hành khoản nợ mới để thanh toán cho những người nắm giữ trái phiếu đáo hạn đó. Đây tình cờ lại là thông lệ của Washington. Mức trần sẽ chỉ hạn chế việc gia tăng nợ.

Cơ chế đơn giản này giải thích tại sao Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ mặc dù đã nhiều lần chạm giới hạn trần nợ trong quá khứ - thực tế là 21 lần trong suốt 50 năm qua. Khoảng thời gian từ khi chạm trần nợ đến khi luật được ban hành để nới lỏng tình hình thay đổi tùy theo từng trường hợp. Đôi khi, nó chỉ kéo dài vài giờ, như năm 1982 và 1984 dưới thời chính quyền Reagan. Đôi khi thời gian giải quyết vấn đề kéo dài hơn - ví dụ: 18 ngày vào năm 1978 dưới thời Jimmy Carter và 16 ngày dưới thời Barack Obama vào năm 2013. Khoảng thời gian dài nhất là 34 ngày từ tháng 12/2019 đến tháng 01/2020 dưới thời chính quyền Trump. Nhưng Mỹ không bao giờ tiệm cận tới tình trạng vỡ nợ.

Nếu thực sự cần thiết, mặc dù điều này chưa từng được áp dụng trước đây, chính phủ có thể khai thác danh mục nợ Kho bạc trị giá 5,2 nghìn tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Đó là gần như cả năm chi tiêu của liên bang. Fed có thể đơn giản bỏ qua cho tất cả hoặc một số khoản nợ này. Đây chắc chắn là một động thái gây chú ý. Nhưng vì trên thực tế, Fed là một phần của chính phủ liên bang, một hành động như vậy sẽ chẳng khác gì chuyển tiền từ túi này sang túi khác. Cuối cùng, việc sử dụng vốn như vậy có thể gây ra tác động đến lạm phát, nhưng vấn đề đó không liên quan đến vỡ nợ.

Hạ viện Mỹ đã thông qua một đề xuất thỏa hiệp cho phép tăng trần nợ và Tổng thống Joe Biden cuối cùng đã thể hiện thiện chí đàm phán. Do đó, thời gian xử lý sự cố lần này có thể sẽ ngắn hơn những lần trước. Như trong quá khứ, bế tắc sẽ kết thúc khi bên này hay bên kia nhận ra rằng họ sẽ bị đổ lỗi cho sự gián đoạn trong một số dịch vụ của chính phủ. Sau đó, Quốc hội sẽ vội vàng đi đến một thỏa hiệp. Ngay cả khi sẽ mất thời gian, vụ vỡ nợ đáng sợ sẽ không xảy ra.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Vụ vỡ nợ đáng sợ của chính phủ Mỹ sẽ khó có thể xảy ra