Vương Quốc Anh: chấm dứt liên đới với chuỗi cung ứng đầy tội ác tại Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là không công ty nào trục lợi từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương có thể kinh doanh ở Anh và không doanh nghiệp nào ở Anh được phép tham gia vào chuỗi cung ứng đầy tội ác đó”. "Bất kỳ công ty nào thu lợi từ lao động cưỡng bức sẽ bị cấm mua sắm công ở đất nước này."

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab vừa thảo luận về các biện pháp thương mại mới nhằm phản hồi các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của nước này trong một phiên họp về các vấn đề xã hội tại Hạ viện ở London hôm thứ Ba vừa qua.

Theo đó, các công ty Anh sẽ cần phải chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Tân Cương theo một loạt chính sách mới được Ngoại trưởng Dominic Raab công bố hôm thứ Ba, khi cộng đồng quốc tế đang có nhiều hành động mạnh mẽ trước những cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong khu vực.

Phát biểu trước quốc hội, ông Raab cho biết có rất nhiều bằng chứng về lao động cưỡng bức giữa những người Hồi giáo ở Tân Cương. Liên Hợp Quốc ước tính có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, chưa kể đến những nhóm người bất đồng chính kiến khác ở Trung Quốc, đã và đang bị giam giữ trong các trại tập trung.

Ông Raab nói: “Tôi đã nói rõ những lo ngại của mình về Tân Cương với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. “Trên thực tế, phản ứng của Trung Quốc là phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền. Họ nói đó là dối trá ”.

Nói một cách đơn giản, mục tiêu của chúng tôi là không công ty nào trục lợi từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương có thể kinh doanh ở Anh và không doanh nghiệp nào ở Anh được phép tham gia vào chuỗi cung ứng đầy tội ác đó”. "Bất kỳ công ty nào thu lợi từ lao động cưỡng bức sẽ bị cấm mua sắm công ở đất nước này."

Ông Raab cho biết, chính phủ sẽ cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho tất cả các cơ quan công quyền của Anh sử dụng các quy tắc mua sắm công để loại trừ những nhà cung cấp có đủ bằng chứng về vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng. Điều này có lẽ áp dụng cho tất cả các công ty trên khắp thế giới cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho chính phủ Anh.

Các hình phạt tài chính sẽ được xem xét áp dụng đối với các doanh nghiệp và tổ chức không thực hiện nghĩa vụ phát hành các báo cáo hàng năm về chế độ nô lệ hiện đại, như quy định trong Đạo luật về nô lệ hiện đại của Anh ban hành vào năm 2015.

Ông Raab nói rằng nước Anh muốn đảm bảo rằng họ không có bất kỳ sản phẩm nào có liên kết đến Tân Cương - nơi hiện đang chiếm khoảng 20% ​​sản lượng bông của thế giới.

Vị trí của Tân Cương trong mạng lưới chuỗi cung ứng quốc tế là nguy cơ thực sự đối với các doanh nghiệp và cơ quan công quyền trên toàn thế giới mà đang (vô tình hay hữu ý) tìm nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp có thái độ đồng lõa với việc sử dụng lao động cưỡng bức”.

Chính phủ sẽ tiến hành rà soát khẩn cấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khi có bất kỳ nghi vấn nào liên đới với tình hình ở Tân Cương, để đảm bảo rằng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn việc xuất khẩu tất cả các hàng hóa có thể trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào vi phạm nhân quyền trong khu vực đó”, ông Raab phát biểu.

Bà Liz Truss, ngoại trưởng phụ trách thương mại quốc tế, tuyên bố: “Lao động cưỡng bức, ở bất kỳ đâu trên thế giới, là không thể chấp nhận được. Chính phủ này muốn làm việc với các doanh nghiệp để hỗ trợ các hoạt động có trách nhiệm và đảm bảo người tiêu dùng Anh không vô tình mua phải các sản phẩm ủng hộ sự tàn ác mà chúng ta đang chứng kiến ​​đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương”.

Tuần trước, hãng bán lẻ Marks & Spencer của Anh đã ký vào lời kêu gọi hành động - do một liên minh các tổ chức xã hội dân sự và liên đoàn lao động đưa ra - liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.

Ông Tom Tugendhat, một nghị sĩ từ Đảng Bảo thủ cầm quyền và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện, cho biết: “điều cần thiết là các quy tắc mới này phải được thực thi triệt để", "Chúng ta phải tiếp tục làm việc với các nền dân chủ cùng chí hướng khác để bảo vệ các quyền con người phổ quát”.

Các nhà lập pháp đối lập cũng ca ngợi động thái này, đồng thời họ còn chỉ trích ông Raab vì thiếu các hành động cứng rắn hơn, như các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Tân Cương hoặc thực hiện các bước theo hướng công nhận tình hình ở Tân Cương là diệt chủng.

Nghị sĩ Lao động Shabana Mahmood cũng kêu gọi ông Raab cần “nỗ lực cho phép các thẩm phán Vương quốc Anh cung cấp thông tin đầu vào và đưa ra các quyết định sơ bộ về tội diệt chủng”, mà theo bà sẽ là “con đường pháp lý duy nhất để chính phủ Trung Quốc phải giải trình”.

Đã có những lời kêu gọi trong Hạ viện yêu cầu chính phủ cam kết không thực hiện các giao dịch thương mại với các quốc gia bị đánh giá là phạm tội diệt chủng.

Động thái này cũng đánh dấu sự leo thang các áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc. Anh Quốc đang chuẩn bị chào đón công dân đầu tiên trong số hàng triệu người Hongkong đủ điều kiện và muốn tái định cư tại Vương quốc Anh vào cuối tháng này.

Đức Duy

Nguồn:

https://www.scmp.com/news/china/article/3117473/britain-introduces-new-policies-end-supply-chain-links-xinjiang

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Vương Quốc Anh: chấm dứt liên đới với chuỗi cung ứng đầy tội ác tại Tân Cương