WEF và ĐCSTQ thúc đẩy tạo dựng thế giới không tưởng thông qua toàn cầu hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với sự góp sức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang thúc đẩy kế hoạch toàn cầu hóa mang tính thao túng xã hội hơn là tính kinh tế. Qua đó, hai bên mong muốn phân phối lại của cải để tạo dựng một thế giới không tưởng.

Thao túng xã hội (social engineering) là thuật ngữ chỉ việc chính phủ lớn sử dụng kế hoạch tập trung để tạo ra, điều chỉnh và quản lý hành vi, sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Ông Faisal Alibrahim, Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Ảrập Xêút, đã phát biểu tại cuộc đối thoại trực tuyến của WEF hôm 19/07 về cách các công ty tư nhân hợp tác với chính phủ để thúc đẩy chủ nghĩa toàn cầu như sau: "Toàn cầu hóa đã chậm lại trong thời gian gần đây và xu hướng chống toàn cầu hóa đã xuất hiện ... các công ty đa quốc gia cần phải chuyển đổi và thực hiện các chiến lược phát triển bao trùm”. [Phát triển bao trùm (inclusive development) là phát triển cho toàn dân, mọi người đều được hưởng thành quả].

Bởi các đợt phong tỏa do COVID-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, quá trình toàn cầu hóa bị tạm dừng. Nhưng giờ đây, WEF đã trở lại và còn được tiếp sức bởi Trung Quốc.

Hôm 19/07, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tham dự cuộc đối thoại trực tuyến của WEF - được gọi là Đối thoại Nhà vô địch mới. Chương trình theo chủ nghĩa toàn cầu này của WEF rất phù hợp với kế hoạch 5 năm lần thứ 14 từ 2021 đến 2025 của ĐCSTQ vì đảng này cũng kêu gọi quay trở lại toàn cầu hóa.

WEF và ĐCSTQ thúc đẩy tạo dựng thế giới không tưởng thông qua toàn cầu hóa, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới phân phối lại của cải toàn cầu
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự một phiên họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, hôm 21/01/2015. (Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP qua Getty Images)

Môi trường và tái phân phối của cải

Diễn giả tại hội nghị, ông Ma Jun - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Xanh của Hiệp hội Tài chính và Ngân hàng Trung Quốc, đã có bài phát biểu về bảo vệ đa dạng sinh học. Ông nói rằng “các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính phải thực hiện nhiều biện pháp đề phòng rủi ro liên quan đến ... cấp vốn cho tư nhân, qua đó để bảo vệ thiên nhiên và tránh đưa ra các tài trợ gây tổn hại đến thiên nhiên”.

WEF kêu gọi thực hiện các hoạt động về kinh tế và tài chính - các hoạt động mà nói chung là ủng hộ kiểm soát xã hội. Về cơ bản, những gì ông Ma đang nói là: các công ty không tuân thủ chương trình của chủ nghĩa toàn cầu sẽ không thể vay nợ.

Trong một bài phát biểu khác, bà Gim Huay Neo - Giám đốc điều hành của Trung tâm Thiên nhiên và Khí hậu tại WEF - cho biết: “Việc mở khóa các nguồn tài trợ liên quan đến thiên nhiên phải đến từ hai khía cạnh: bảo vệ sinh thái và tạo ra của cải”.

Tài chính và đầu tư luôn là vấn đề về tạo ra của cải. ĐCSTQ và WEF muốn tái phân phối của cải của toàn thế giới. Phân phối lại của cải cũng là một trong những chương trình mà ông Tập Cận Bình đang thực hiện tại Trung Quốc.

Phân bổ lại của cải đang được thực hiện song song với cuộc chiến chống bất bình đẳng thu nhập của WEF. Ý tưởng không tưởng về bình đẳng thu nhập toàn cầu này muốn mỗi người trên trái đất có được mức tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người toàn cầu khoảng 12.000 USD/năm. Để điều đó xảy ra, công dân của các nước phát triển sẽ bị tước bỏ gần như toàn bộ của cải và bị giảm thu nhập xuống còn 240 USD/tuần. Hơn nữa, các nhân viên cấp cao trong ngân hàng đầu tư, nhà khoa học chuyên nghiên cứu, bác sĩ phẫu thuật tim, kỹ sư, tài xế taxi hay trợ lý cửa hàng từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến Mỹ và Thụy Sĩ đều phải nhận mức lương như nhau.

Hợp tác công tư trong mọi khía cạnh

Diễn đàn WEF, thường được tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ), đã bị hủy vào năm ngoái và bị trì hoãn vào năm nay bởi đại dịch COVID-19. Giờ đây khi các hạn chế về COVID-19 được nới lỏng, chủ nghĩa toàn cầu đang trở lại. Hội nghị của WEF năm nay kéo dài từ 22/05 đến 26/05. Theo tuyên bố về sứ mệnh của WEF, tổ chức này đang tìm cách tái tạo gần như mọi khía cạnh của xã hội hiện đại.

“Diễn đàn thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo hàng đầu về chính trị, kinh doanh, văn hóa và xã hội để định hình các chương trình trên toàn cầu, trong khu vực và trong mỗi ngành”.

Các tuyên bố của WEF thường bao gồm khái niệm về quan hệ đối tác công tư; đây là điều mà các đảng viên Dân chủ Mỹ thường dùng để tham chiếu. Hôm 08/06, Tòa Bạch Ốc đã công bố Hiệp định Đối tác châu Mỹ vì Thịnh vượng Kinh tế. Hai tuần sau, tại hội nghị G-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi hợp tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng ở ngoại quốc.

Cuộc họp thường niên của WEF gồm các cuộc thảo luận của ban hội thẩm về một loạt các vấn đề bao gồm: thực tế ảo tăng cường (augmented reality); các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương; chuyển đổi ở các nền kinh tế mới nổi để thích ứng với khí hậu; lượng carbon dioxide mà hoạt động khai thác tiền điện tử thải vào khí quyển; nền kinh tế kỹ thuật số; đa dạng, công bằng và hòa nhập; trừng phạt kinh tế; việc làm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyển đổi năng lượng ở Trung Quốc; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); địa chính trị; thuế toàn cầu; chăm sóc sức khỏe thời đại dịch; tiêu dùng có trách nhiệm; trả lại quang cảnh thiên nhiên cho các thành phố; và Nga, cũng như một bài phát biểu đặc biệt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Những chủ đề này chạm đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, từ cách chính phủ theo dõi chúng ta đến những gì chúng ta được phép ăn và tần suất chúng ta tắm.

Chủ nghĩa tư bản liên đới

Một trong những chương trình về thao túng xã hội của WEF, được che đậy bởi lớp vỏ kinh tế, là thúc đẩy chủ nghĩa tư bản liên đới (còn gọi là chủ nghĩa tư bản các bên liên quan, chủ nghĩa tư bản vì tất cả - stakeholder capitalism). WEF tuyên bố rằng chủ nghĩa tư bản liên đới có mục đích “mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan và môi trường hơn là chỉ cho các cổ đông”. Từ quan điểm pháp lý, các công ty đại chúng có nghĩa vụ phải hành động vì lợi ích tốt nhất của các cổ đông. Họ không nên hành động vì lợi ích tốt nhất của những người không phải là cổ đông hay tuân theo yêu cầu của WEF.

Động cơ lợi nhuận khuyến khích các công ty đổi mới và cắt giảm chi phí, đồng thời phát minh ra nhiều sản phẩm mới, mang tính cải tiến. Doanh nghiệp nào thành công sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và thuê nhiều nhân công hơn. Động lực không ngừng để cải tiến và tăng doanh thu sẽ tạo ra những công việc có ý nghĩa và được trả lương cao cho công dân. Điều này khuyến khích những người trẻ tuổi theo học đại học và nâng cao trình độ của họ, giúp người dân trong đất nước đó có học thức cao hơn.

Việc bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ các mệnh lệnh về mặt xã hội của WEF sẽ làm doanh nghiệp giảm lợi nhuận, khiến doanh nghiệp từ bỏ các chính sách khích lệ nhân viên, đồng thời làm hạ mức sống của đội ngũ nhân viên.

WEF cũng cho rằng khi xác định uy tín tín dụng (khả năng thanh toán nợ) của một công ty, ngoài việc kiểm tra bảng cân đối kế toán, các tổ chức xếp hạng nên xem xét các rủi ro về môi trường và các vấn đề ESG. Điều này trái với nguyên lý cốt lõi của ngành công nghiệp cho vay. Cách thức hoạt động của hệ thống tài chính của chúng ta là: chúng ta - các hộ gia đình - gửi tiền vào ngân hàng và ngân hàng trả lãi cho chúng ta. Ngân hàng có thể duy trì số tiền của chúng ta và có thể trả lãi bởi vì họ chỉ cho những người có uy tín vay tiền.

Trong lịch sử, ai có thể vay và không thể vay được xác định bởi uy tín tín dụng chứ không phải điểm tín nhiệm xã hội theo kiểu ĐCSTQ. Việc kiểm tra thêm xếp hạng ESG sẽ khiến các ngân hàng từ chối các doanh nghiệp có uy tín tín dụng nhưng không đáp ứng được định nghĩa của WEF về ESG. Ngược lại, nó sẽ khuyến khích các ngân hàng cho các công ty có điểm ESG cao nhưng khả năng trả nợ thấp được vay tiền. Điều này sẽ làm giảm đầu tư, kìm kẹp nền kinh tế và gây ra thất nghiệp. Nếu chúng ta đã học được bất cứ điều gì từ cuộc khủng hoảng nhà ở giai đoạn 2008–2009 thì uy tín tín dụng phải là yếu tố chính - nếu không muốn nói là yếu tố duy nhất quyết định cách phân bổ các khoản vay.

Ngoài ra, sự thất bại của Liên Xô và các nước cộng sản khác, cùng với việc thiếu các quyền tự do cá nhân ở Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên đã chứng tỏ rằng chủ nghĩa tư bản thị trường tự do — kết hợp với dân chủ đa đảng, tự do ngôn luận và các quyền tài sản — tạo ra mức sống cao nhất và mức độ tự do lớn nhất, đồng thời giúp các nhóm dân cư tiến đến giai tầng xã hội và kinh tế cao hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lê Minh

Theo Antonio Graceffo - The Epoch Times

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

WEF và ĐCSTQ thúc đẩy tạo dựng thế giới không tưởng thông qua toàn cầu hóa