WTO muốn toàn cầu hóa nhiều hơn và thiết kế lại kiến ​​trúc tài chính toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa công bố Báo cáo Thương mại Thế giới năm 2022, trong đó thúc đẩy toàn cầu hóa nhiều hơn và cổ vũ dừng sử dụng các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như một phần của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một trong những thông điệp của báo cáo là: thương mại là nhân tố thúc đẩy các quốc gia thích ứng và điều chỉnh với những bất ổn của khí hậu. "Một thị trường quốc tế mở sẽ giúp các quốc gia đạt được điều chỉnh kinh tế cần thiết và tái phân bổ nguồn lực", trích thông cáo báo chí ngày 07/11 về bản báo cáo. Các quốc gia cởi mở hơn với thương mại có xu hướng có "khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn", báo cáo cho biết.

Việc phát thải khí nhà kính từ các hoạt động thương mại đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi hạn chế xuất khẩu, chuyển sang sản xuất và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, WTO lại cho rằng động thái như vậy có thể khiến các nước đóng cửa biên giới và do đó tạo ra sự gia tăng lượng khí thải trong nước.

“Thay vì chuyển sang sản xuất trong nước, quá trình chuyển đổi carbon thấp sẽ được hỗ trợ tốt hơn - và được thúc đẩy nhanh hơn - bằng các hoạt động thương mại sạch hơn. Thương mại sạch hơn bao gồm việc giảm carbon trong sản xuất, giao thông vận tải và GVC [chuỗi giá trị toàn cầu]; phát triển và triển khai công nghệ thân thiện với khí hậu; cũng như thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ thân thiện với khí hậu”, báo cáo nêu rõ.

Một trong số “những cách khử carbon chủ yếu” mà WTO khuyến nghị cho vận tải quốc tế là chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu có lượng carbon thấp hơn, đồng thời loại bỏ dần các phương tiện phát thải nhiều carbon.

WTO cũng khuyến khích dỡ bỏ thuế quan và giảm các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa môi trường liên quan đến năng lượng và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Báo cáo được đưa ra khi Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Washington có khả năng vi phạm quy định của WTO bằng cách cung cấp các khoản miễn thuế và trợ cấp cho sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ hoặc cho các công ty hoạt động trong nước.

Ngày 07/11, WTO cũng viết trên Twitter về một cuộc thảo luận của hội đồng khí hậu nhằm thiết kế lại “kiến trúc tài chính toàn cầu để hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu và sức khỏe”.

‘Nóng lên’ có lợi

Mặc dù sự ấm lên có thể xảy ra của trái đất đang được coi là một thảm họa đối với nhân loại và hành tinh, ông Gregory Wrightstone - Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận “Liên minh CO2” (CO2 Coalition) - lại lập luận ngược lại.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình "Crossroads" của Epoch TV vào tháng trước, ông Wrightstone chỉ ra rằng có 3 thời kỳ ấm lên trong lịch sử ngàn năm qua của loài người. Mỗi thời kỳ này đều nóng hơn thời điểm hiện nay, nhưng mức độ CO2 (carbon dioxide) thấp hơn nhiều.

Những thời kỳ ấm hơn này "cực kỳ có lợi" cho nhân loại khi lương thực dồi dào và nền văn minh trỗi dậy. Trong thời kỳ ấm lên đầu tiên, các nền văn minh lớn như người Babylon, người Hittite, người Minoan và người Assyria đã hình thành. Khi trái đất bắt đầu lạnh đi, những nền văn minh này sụp đổ.

Trong thời kỳ ấm lên thứ hai, người La Mã đã trồng cam quýt ở phía bắc nước Anh. Vào thời kỳ ấm lên thứ ba, người dân ở Greenland trồng lúa mạch, điều mà ngày nay không thể làm được. “Chúng ta nên sợ cái lạnh và chào đón sự ấm áp. Đó là những gì lịch sử cho chúng ta biết”, ông nói.

Một cuộc thăm dò của Harvard-CAPS Harris được công bố vào tháng 8 cho thấy chỉ có 45% cử tri Mỹ coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa tức thời. Con số này là 66% ở những người theo Đảng Dân chủ và 41% ở những cử tri độc lập.

Chi Anh

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

WTO muốn toàn cầu hóa nhiều hơn và thiết kế lại kiến ​​trúc tài chính toàn cầu