Phần 1: WTO và Trung Quốc lợi dụng nhau như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc là quốc gia duy nhất công nghiệp hóa thành công sau khi gia nhập WTO nhờ “thản nhiên” vi phạm mọi quy ước của WTO. Bản thân WTO vẫn luôn bị nghi ngờ là công cụ của các “ông lớn” kinh tế để mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ cũ và hạn chế cơ hội của bất kỳ nền kinh tế nào muốn vượt mặt mình… Nhưng dường như Trung Quốc không nằm trong số đó…

Có hai con đường để các quốc gia công nghiệp hóa thành công: Con đường thứ nhất là tích tụ tư bản theo cách truyền thống, sản xuất và đổi mới công nghệ cũng theo quy mô tư bản tích tụ tự nhiên mà phát triển theo. Điển hình thành công công nghiệp hóa theo phương thức này là Mỹ và các quốc gia phương Tây từ vài thế kỷ trước. Công nghiệp hóa theo cách này thường tốn cả 100 năm. Con đường thứ hai là công nghiệp hóa nhờ nhà nước bảo hộ. Khi đó tư bản được tích tụ bằng ý chí chính trị và phân bổ nguồn lực hữu hạn cho nhóm có năng lực tổ chức sản xuất và xuất khẩu trong nước. Nhóm doanh nghiệp này được bảo hộ bởi nhà nước bằng nhiều chính sách ưu đãi cho tới khi có thể cạnh tranh với thế giới và xuất khẩu thành công. Đây chính là phương thức công nghiệp hóa thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan những năm 50-70 của thế kỷ XX.

Tuy nhiên, kể từ khi WTO hình thành và phát triển, chưa có một quốc gia nào tham gia vào WTO có thể tiến hành công nghiệp hóa thành công - trừ Trung Quốc. Bởi vì cách thức duy nhất để công nghiệp hóa thành công là công nghiệp hóa nhờ nhà nước bảo hộ thực ra đã bị WTO vô hiệu hóa.

Sơ lược về Tổ chức thương mại toàn cầu - WTO

Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai vẫn còn chưa kết thúc, các nước đã nghĩ đến việc thiết lập các định chế chung về kinh tế để hỗ trợ công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Hội nghị Bretton Woods triệu tập ở bang New Hampshire (Hoa Kỳ) năm 1944 nhằm mục đích này. Kết quả của Hội nghị Bretton Woods là sự ra đời của 2 tổ chức tài chính: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (nay gọi là Ngân hàng Thế giới - WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Một tổ chức chung về thương mại cũng được đề xuất thành lập với tên gọi Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO).

Phạm vi đề ra cho ITO là khá lớn, bao trùm lên cả các vấn đề việc làm, đầu tư, cạnh tranh, dịch vụ, vì thế việc đàm phán Hiến chương (hiểu cách khác là Điều lệ) của ITO diễn ra khá lâu. Trong khi đó, vì mong muốn sớm cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh công cuộc tái thiết sau chiến tranh, năm 1946, một nhóm 23 nước đã đàm phán riêng rẽ và đạt được một số ưu đãi thuế quan nhất định. Để ràng buộc những ưu đãi đã đạt được, nhóm 23 nước này quyết định lấy một phần về chính sách thương mại trong dự thảo Hiến chương ITO, biến nó thành Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). GATT có hiệu lực từ 1/1/1948 như một thỏa thuận tạm thời trong khi chờ ITO được thành lập. Hiến chương ITO đã được thông qua tại Havana (Cuba) tháng 3/1948. Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ trì hoãn không phê chuẩn Hiến chương làm cho các nước khác cũng không phê chuẩn, dẫn đến ITO không trở thành hiện thực. Do vậy, GATT trở thành cơ cấu đa phương duy nhất điều chỉnh thương mại quốc tế cho đến khi WTO ra đời.

Ngoài việc là diễn đàn đàm phán các quy định thương mại, WTO còn hoạt động như một trọng tài giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên liên quan đến việc áp dụng quy định của WTO. Không giống như các tổ chức quốc tế khác, WTO có quyền lực đáng kể trong việc thực thi các quyết định của mình thông qua việc cho phép áp dụng trừng phạt thương mại đối với thành viên không tuân thủ theo phán quyết của WTO. Một nước thành viên có thể kiện lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO nếu như họ tin rằng một nước thành viên khác đã vi phạm quy định của WTO.

Mặt trái của WTO: công nghệ cũ, tài nguyên cạn kiệt, môi trường phá hủy và triệt tiêu mọi điều kiện để công nghiệp hóa thành công…

WTO ngày càng mở rộng trên phạm vi toàn cầu và được ca ngợi hết lời như một “sân chơi không thể không tham gia” của các quốc gia đã và đang phát triển, như một cơ hội không thể tốt hơn nếu các quốc gia đang phát triển muốn có công nghệ, dòng tiền đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những ca ngợi về WTO thì cũng có không ít nghiên cứu thực nghiệm cảnh báo về mặt trái của tổ chức này, trong đó phải kể đến hai tác phẩm của nhà kinh tế Mỹ đã đạt giải Nobel về Kinh tế học - Joseph Stiglitz - là Fair trade for all. How trade can promote development viết cùng với Andrew Charlton [2005], và Making globalization work [2006]. Về cơ bản, các tác phẩm kinh tế học vạch trần mặt trái của WTO đều nhấn mạnh: nếu các nước đang phát triển tham gia vào sân chơi WTO thì khả năng thua cuộc sẽ rất lớn bởi “lợi bất cập hại”, đặc biệt khi nền kinh tế đó không được quản trị bằng “một khung định chế quốc tế dân chủ” (Stiglitz, 2006). Khi đó, thứ mà WTO mang lại là công nghệ cũ dịch chuyển từ các nước phát triển sang các quốc gia chưa phát triển, là tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, là môi trường bị hủy hoại và một thị trường tiêu dùng mở toang cho các nền kinh tế lớn trong WTO.

Dù bạn ủng hộ hay phản đối WTO vì bất kỳ lý do gì thì có một sự thật không thể chối bỏ là: trong các nền kinh tế đang phát triển kể từ khi gia nhập WTO thì không một nền kinh tế nào thành công trong công nghiệp hóa. Mọi nền kinh tế công nghiệp hóa đều thành công trước khi tham gia vào WTO. Tại sao?

Công nghiệp hóa nhờ nhà nước bảo hộ chỉ có thể thành công nếu có ít nhất 4 điều kiện sau: (1) Chính trị: có yếu tố độc tài, có thể quyết định việc tích tụ và phân bổ lại mọi nguồn lực kinh tế trong quốc gia; (2) Đất đai: có thể giao đất cho doanh nghiệp với diện tích lớn, thuận lợi và giá rẻ để thực hiện việc sản xuất công nghiệp; (3) Tài chính: có thể hỗ trợ tài chính rẻ từ hệ thống tài chính quốc gia; (4) chính sách bảo hộ cho cạnh tranh nội địa và xuất khẩu với các hàng hóa sản xuất trong nước.

Tuy nhiên gia nhập WTO là hàng loạt các cam kết mở cửa thị trường, không có chính sách bảo hộ, tự do tài chính... Điều này đồng nghĩa các điều kiện để thành công trong công nghiệp hóa nêu trên hoàn toàn bị xóa bỏ. Các bài học về sự thành công của công nghiệp hóa tại Hàn Quốc, Đài Loan… cho thấy các quốc gia này đã có chính sách bảo hộ, tích lũy cưỡng chế và phân bổ lại nguồn lực kinh tế - tài chính cho các doanh nghiệp được lựa chọn trong nước. Nhờ vậy, các doanh nghiệp này mới được nuôi dưỡng, phát triển sản xuất, nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, xuất khẩu hàng hóa trong sự bảo hộ và ưu đãi cao của chính phủ. Hàn quốc trong giai đoạn đầu tham gia GATT vẫn âm thầm bảo hộ sản xuất trong nước với các chính sách ưu ái lớn cho các Chaebols.

WTO trở thành một cái bẫy cho các quốc gia đang phát triển khiến không một ai trong chúng ta có thể công nghiệp hóa thành công. Và hiển nhiên, các điều kiện về công nghiệp hóa hoàn toàn mất hẳn, không cách nào lấy lại được nữa.

Nhờ lờ đi mọi cam kết với WTO, Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất công nghiệp hóa thành công sau khi vào WTO…

Nhưng Trung Quốc thì khác hẳn, Trung Quốc là quốc gia duy nhất lợi dụng đủ WTO để thành công trong công nghiệp hóa vì Trung Quốc hứa mà không làm, ký kết mà không thực thi bất kỳ một điều khoản nào. Điều đáng ngạc nhiên là WTO có quyền trừng phạt thương mại với các quốc gia không tuân thủ cam kết nhưng lại chưa bao giờ trừng phạt Trung Quốc theo đúng khuôn khổ pháp lý mà WTO đã đề ra.

Cam kết WTO của Trung Quốc

Trung Quốc có thực hiện cam kết?

Không yêu cầu chuyển giao công nghệ như là điều kiện để tiếp cận thị trường

Không

Tham gia hiệp định về mua sắm Chính phủ (GPA)

Không

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện mua sắm thông qua việc cân nhắc thương mại

Không

Giảm quy mô của DNNN trong cấu phần nền kinh tế

Không

Các ngân hàng nước ngoài được hưởng chính sách công bằng

Không

Mở cửa Thị trường viễn thông cho các nhà sản xuất nước ngoài

Không

Phim ảnh nước ngoài được cung cấp một cách tự do

Không

Trợ cấp xuất khẩu phải được cắt giảm một cách đáng kể

Không

Ăn cắp tài sản trí tuệ và vi phạm bản quyền phải được giảm xuống một cách đáng kể

Không

Tuân thủ các rào cản kỹ thuật theo các Hiệp định thương mại và không thao túng các tiêu chuẩn công nghệ

Không

Hướng tới mô hình phát triển “Đồng thuận với Washington”

Không

Tóm tắt những điều khoản Trung Quốc đã cam kết nhưng không thực hiện khi gia nhập WTO (nguồn: ntdvn.com)

Bằng việc vi phạm các cam kết này, Trung Quốc đã bảo hộ doanh nghiệp nhà nước của mình tại thị trường trong nước khiến hàng hóa của nước ngoài khó có thể cạnh tranh trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hưởng vô số ưu đãi, từ tiếp cận tài chính, tài nguyên, công nghệ cưỡng chế và ăn cắp từ các doanh nghiệp FDI... cho tới nguồn vốn dồi dào từ thị trường tài chính quốc tế chảy vào Trung Quốc trong gần 2 thập kỷ qua.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá trị gia tăng của ngành chế tạo Trung Quốc vượt Mỹ lần đầu vào năm 2010, trở thành quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới và liên tục đứng đầu thế giới kể từ đó. Năm 2017, giá trị gia tăng của ngành chế tạo Trung Quốc chiếm 27% tỷ trọng thế giới và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp toàn cầu. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc thực sự công nghiệp hóa thành công (!)

Trà Nguyễn

Mời quý vị độc giả theo dõi tiếp Phần 2: “Não bộ” của WTO chính thức bị Trump vô hiệu hóa vào ngày 11/12/2019



BÀI CHỌN LỌC

Phần 1: WTO và Trung Quốc lợi dụng nhau như thế nào?